THÁI NGUYÊN NƠI SINH THÀNH NỀN BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

Thứ ba - 14/06/2022 10:02
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ra đời Báo Thanh Niên - cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/6/1925 và từ đó ngày 21/6/1925 được lấy là Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua 97 năm xây dựng và trưởng thành ấy của báo chí, Thái Nguyên vinh dự là “cái nôi” của nền báo chí cách mạng, ghi dấu sự ra đời của nhiều cơ quan báo chí lớn và nhiều sự kiện báo chí quan trọng.
Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đón tiếp Đoàn cán bộ, hội viên Tạp chí Cộng sản thăm nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại Định Hóa.
Theo lịch sử, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập trong phạm vi cả nước, báo chí cách mạng cũng đánh dấu một bước phát triển mới với sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến. Nhiều cơ quan báo chí cách mạng quan trọng đã ra đời trong núi rừng ATK Thái Nguyên.Đầu tiên phải kể đến Báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng. Đây là tờ báo kế tục sự nghiệp của Báo Sự Thật, lấy tên là Báo Nhân dân để thể hiện ý chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của Nhân dân; nhiệm vụ cơ bản của tờ báo là tuyên truyền, cổ động tổ chức toàn dân đoàn kết đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.Các quyết định, chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều quán triệt quan điểm Báo Nhân dân là tờ báo của toàn Đảng; toàn Đảng có nhiệm vụ xây dựng Báo Nhân dân, các cấp ủy, cán bộ của Đảng có nhiệm vụ viết tin, bài cho báo, đọc và phát hành rộng rãi tờ báo. Ngày 11/3/1951, vượt qua bộn bề khó khăn chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để in ấn, Báo Nhân dân ra số đầu tại xưởng in đặt ở thôn Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa). 
Cũng tại ATK Thái Nguyên, Báo Quân đội Nhân dân - cơ quan của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt Nam đã ra đời. Do tình hình kháng chiến, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định sáp nhập tờ Vệ quốc quân và Quân du kích thành tờ Quân đội Nhân dân. Sau gần 3 tháng chuẩn bị, ngày 20/10/1950, Báo Quân đội Nhân dân cho ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa).
Cũng tại Thái Nguyên, sự ra đời bộ phận của Thông tấn xã Việt Nam hay Báo Văn nghệ cứu quốc đã ghi nhận sự ra đời cơ sở đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên vào năm 1949. Khi ấy, trong điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn, cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt… Đảng và Chính phủ vẫn quyết tâm mở lớp dạy viết báo để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam.Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Tổng bộ Việt Minh thành lập và đặt tên cho trường là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Khóa học đầu tiên khai giảng ngày 4/4/1949, tại ấp Bờ Rạ, nay thuộc xã Tân Thái (Đại Từ). Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được một khóa ngắn hạn. Học viên gồm 42 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước. Đến năm 2019, sau nhiều nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam, địa điểm nơi tổ chức lớp báo chí đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng đã được xây dựng và tổ chức khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Một tổ chức đặc biệt của báo chí cũng được ra đời tại Thái Nguyên trong thời điểm kháng chiến chống thực dân Pháp ở giai đoạn khó khăn, ác liệt đó là Hội Nhà báo Việt Nam, xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 21/4/1950. Tại đây, Đại hội lần thứ nhất của Hội Những người viết báo Việt Nam được tổ chức, đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 người, do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và trở thành thành viên của Mặt trận Liên Việt. Với sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến được nâng lên một tầm cao mới.Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đơn vị, doanh nghiệp, địa điểm nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam đến nay đã được xây dựng khang trang trong khuôn viên rộng rãi với nhà bia tưởng niệm nơi ra đời tổ chức Hội, nhà trưng bày quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Hội nhà báo trong hơn 70 năm qua.
Báo chí Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc, vinh dự và tự hào là nơi nguồn cội, là “cái nôi” của nền báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo Thái Nguyên đã và đang cống hiến, đóng góp nhất định vào sự lớn mạnh của nền báo chí nước nhà nói riêng; sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước nói chung. Hiện nay, Thái Nguyên có 03 cơ quan báo chí gồm: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh truyền hình Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên; với 229 hội viên nhà báo sinh hoạt ở 05 Liên Chi hội, Chi hội. Hội Nhà báo Thái Nguyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là mái nhà chung của những người làm báo, quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; phối hợp với tốt với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và truyền thông xử lý vấn đề báo chí nêu trên địa bàn. Vinh dự và cũng là trách nhiệm của đơn vị trông giữ “hương hỏa” của báo chí, là nơi ra đời nhiều cơ quan báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Thái Nguyên tích cực tham mưu và tổ chức đón tiếp các cơ quan báo chí của trung ương về nguồn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về Thái Nguyên- mảnh đất nguồn cội của báo chí./

Q.H

Tác giả bài viết: QH (tổng hợp)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản