BA MƯƠI NĂM NHƯ VỪA MỚI HÔM NÀO!

Thứ ba - 14/06/2022 10:05   Đã xem: 760   Phản hồi: 0

Mai Vinh - cán bộ từ thời kỳ đầu thành lập Hội nhà báo Thái Nguyên điện bảo: Anh viết cho một bài nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, vì anh là người ở lâu, biết nhiều !!!. Lúc đó tôi đang ở cầu Hiền Lương làm phóng sự nhân 50 năm Quảng Trị được giải phóng nhưng cũng nhận lời ngay… Song loạt phóng sự 4 kỳ ở Quảng Trị gửi đăng các báo, nghĩ lại thấy viết về đề tài kỷ niệm này không dễ… Ba mươi năm - non một phần ba thế kỷ đã qua với tổ chức Hội nghề nghiệp của tỉnh chúng ta. Lúc thăng có, lúc trầm cũng không ít, song đọng lại vẫn luôn đầy ăm ắp kỷ niệm, tình nghĩa. Chỉ mới nghĩ đến, trong tôi như có một cuốn phim quay chậm. Lúc nhanh lúc chậm, khoảng sáng, khoảng mờ,hình ảnh lướt qua … Chợt tự bảo với mình là: Thôi thì biết gì kể lấy, đận 20 năm, 25 năm chẳng viết là gì…

Đồng chí Phan Hữu Minh (ngoài cùng bên trái) tại lễ khởi công xây dựng Nhà trưng bày và đón tiếp của Hội Nhà báo Việt Nam
Tôi từng đã nói với Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa rằng có những lúc Hội tỉnh, Hội Trung ương sinh hoạt chung. Vì tôi nhớ :Trước những năm chín mươi của thế kỷ trước, tỉnh Bắc Thái chưa có Hội nhà báo cấp tỉnh. Cả nước dường như cũng vậy cán bộ, phóng viên của báo Đảng bộ Bắc Thái thành lập chi hội sinh hoạt trực tiếp và trực thuộc Hội nhà báo Việt Nam, nơi đi về, sinh hoạt là trụ sở HNBVN sổ 59 Lý Thái Tổ bây giờ…Với báo chí Bắc Thái,từ năm 1976, sau khi Khu tự trị Việt Bắc giải thể, non chục cán bộ, phóng viên của tờ báo khu tên Việt Nam Độc Lập chuyển về thì Chi hội Nhà báo cũng chỉ có14 người. Đồng chí Vũ Đức Thuận, Phó tổng biên tập (Trước đó là Phó tổng biên tập Báo Việt Nam Độc lập) làm chi hội trưởng,cũng có thời kỳ đồng chí Văn Giang, phó tổng biên tập Báo Bắc Thái làm.Tôi từ Thông tấn xã Việt Nam về đầu quân cho Báo Bắc Thái năm 1981 thì năm 1982 làm chi hội phó. Không nói đến thì thôi, đã nói đến cũng xin có vài dòng về Báo Việt Nam Độc lập... Ngày 8-1-1941, Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba khắp năm châu,bốn biển qua cột mốc 108 tại bản Cốc Bó xã Trường Hà huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 8 năm ấy, nhận thấy cần phải có tờ báo để tuyên truyền vận động cách mạng, Bác thành lập tờ báo Việt Nam Độc lập. Qua nhiều giai đoạn, cuối cùng Báo Việt Nam Độc lập là cơ quan ngôn luận của khu ủy Khu tự trị Việt Bắc cho đến khi giải thể khu vào năm 1976. Sau giải thể, về với tờ Bắc Thái, ngoài đồng chí Vũ Đức Thuận còn có vợ chồng nhà báo Nguyễn Niên, Minh Châm; vợ chồng cán bộ Nguyễn Nguyên, Hòa Dung; phóng viên ảnh Nguyễn Quý Hùng... Chi hội Báo Bắc Thái còn phải kể đến những hội viên đầu tiên đáng trân trọng nữa,đó là năm 1965 từ báo Bắc Kạn chuyển về do sáp nhập tỉnh có nhà báoHoàng Vĩnh Xuyên, Đinh Văn Nhân, Hoàng Loan Trở về đầu quân sau 30/4/1975 từ Thông tấn quân sự có nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn; từ Ban CK của Thông tấn xã Việt Nam có nhà báo Phan Hữu Minh; Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng có nhà báo Kông Đán; về từ Tờ tin Gang Thép có nhà báo Mai Tú; từ Ban Tuyên Huấn Trung ương có Đức Lâm rồi nhà báo Hoàng Loan, Vũ Liêu, Liêu Chiến, Phương Cường, Vi Thu Lan, Lưu Sỹ Mùi, Bích Hiền, Duy Hiệu, Hồng Chức,Hồng Hiển, Vương Quyền, Văn Thành, Phạm Viết Thanh, Tiến Vịnh,La Thanh Tịnh...Bên Phân xã TTXVN sinh hoạt chung cùng chi hội có nhà báo Ngô Đức Phương, Phạm Quốc Tuấn, Ma Văn Bổn, Hoàng Khắc Điện, Ngô Hồng Thanh, Hoàng Thảo Nguyên. Họ đều là những hội viên nòng cốt cái thuở ban đầu đáng nhớ ấy...
Từ 14 hội viên đầu tiên ấy, đầu những năm 80 Thời kỳ ấy cũng đã có nhiều hoạt động nghiệp vụ. Nhưng tham gia Giải xổ xố OIJ - Tổ chức Quốc tế các nhà baó thuộc phe XHCN( Organiration Internationnale des Journalistes) là sinh động nhất. Tôi nhớ lại: Tổ chức Quốc tế các nhà báo XHCN có trụ sở tại Praha (Tiêp Khắc) đã tổ chức quyên góp hàng hóa, gửi sang làm giải thưởng và Hội nhà báo Việt Nam dùng tiền thu được từ xổ xố làm quỹ. Mỗi đợt như vậy, Chi hội Báo Bắc Thái cũng bán được hàng chục vạn vé, tổ chức mở thưởng sôi động. Quan trọng hơn,những năm 80, hoạt động Hội của Bắc Thái đã có nhiều tiếng vang, được ghi nhận... Những năm tháng ấy, Bắc Thái cũng như những tỉnh,thành khác tập trung nhiều cho khẳng định vai trò trong lịch sử, đặc biệt trong cuộc Kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Hội viên Báo Bắc Thái góp sức không nhỏ. Hội viên Phan Thanh Sơn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phan Hữu Minh, Vũ Liêu, Phương Cường... sát cánh cùng các cán bộ các Báo Nhân Dân , QĐND, Nhà văn hoá Hội nhà báo Việt Nam đi tìm lại những địa chỉ đỏ của báo chí. Tôi nhớ lại lần đi tìm phần mộ của nhà báo liệt sỹ Thôi Hữu, Ủy viên BBT Báo Sự Thật hy sinh năm 1950 tại xã Vô Tranh huyện Phú Lương, tâm linh lắm nhưng cuối cùng cũng thấy và đưa anh về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Vô Tranh. Đi tìm nơi ra đời báo Nhân Dân ngày 11-3-1951 tại Quy Kỳ; Báo QĐND ra đời ngày 20-10-1950 tại Khau Diều xãThanh Định; Nơi ra đời Hội nhà báo Việt Nam tại xã Điềm Mặc huyện Định Hóa ngày 21-4-1950... Đặc biệt, hành trình tìm về địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường dậy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (Đại Từ) phải mất tới 40 năm… Lớp hội viên nền móng ấy nay nhiều người đã về với tổ tiên, nhiều người lui về hậu phương để lại truyền thống của tổ chức Hội, những tình cảm và sự biết ơn cho hậu thế...
Cơ quan báo chí là gốc của Hội. Sự quy tụ là thành công lớn của BắcThái, Thái Nguyên. Bước sang những năm 90 của thế kỷ XX, báo chí nói chung có những bước phát triển mới, được quan tâm đầu tư hơn.Tỉnh có tờ Báo của Đảng bộ, có Đài phát thanh tỉnh, Đài truyền thanh Thành phố Thái Nguyên và các huyện. Phân xã TTXVN là cơ quan báo chí thường trú quy mô nhất. Khi ấy, tòa soạn Báo Bắc Thái chỉ có 3 nhà cấp 4 cột xi măng, kèo sắt, tường đơn. Một sớm Tổng biên tập Phạm Hồng Dương cho đòi tôi lên phòng ông trao đổi, ông hào hứng:
- Tỉnh có ý cho chúng ta cất một tòa nhà 3 tầng, bề thế đấy nhưng chẳng nhẽ “Trái núi lại đẻ ra con chuột nhắt”, anh tính sao? Ông hỏi vậy là do lúc đó tôi làm Trưởng phòng phóng viên (lúc ấy chỉ có một phòng tác chiến đó), Bí thư chi bộ Đảng, phó thư ký Chi hội nhà báo... Tôi không hiểu ý, ông nói luôn: - Này nhé, cái nhà thì to đẹp, tờ báo thì như bàn tay (khổ 29x42 cm) giấy thì đen không tương xứng. Tôi định nâng khổ to như tờ Nhân Dân hằng ngày (khổ 42x59 cm), anh lo đủ tin bài chứ? Thực lòng tôi mừng hết chỗ nói. Liền hỏi lại : - Tuần 2 kỳ chứ ạ ? - Trước mắt 5 ngày một kỳ, ông nói và quyết định luôn (Sau đó, báo lên khổ to, in tại Nhà in Nhân Dân Hà Nội 1, một năm sau ra mỗi tuần 2 kỳ). Tiếp tục câu chuyện, Ông Dương bảo: - Theo anh có nên thành lập Hội Nhà báo của tỉnh không, để kéo anh em làm báo vào? Tôi trả lời ngay là rất nên, nhưng ai làm - tôi hỏi lại đầy tâm trạng lo lắng. Thú thực, lực lượng hô hào thì đông, nhất là những hội viên đại ngôn, chém gió, nhưng về Hội, kể cả lãnh đạo mà chuyên trách” thì trừ tôi ra nhé” Thế là việc thành lập Hội được tiến hành theo Quyết định của UBND tỉnh Bắc Thái vào ngày 15/6/1992 và Đại hội Hội Nhà báo Bắc Thái lần thứ nhất đã tiến hành sau đó ít lâu. Đồng chí Ma Văn Bổn, Phân xã trưởng phân xã Bắc Thái làm Chủ tịch đầu tiên, đồng chí Phan Sơn, tổ văn xã Báo Bắc Thái làm Phó Chủ tịch Thường trực. Tòa nhà được khánh thành vào ngày 2/9/1993, mang mũ là Tòa nhà Hội Nhà báo và Báo Bắc Thái, trong đó Hội ít người được phân 120m vuông trong tổng số 930m sử dụng của tòa nhà. Trong sự ra đời và phát triển của mỗi một đơn vị, tổ chức không thể thiếu vai trò của cá nhân, đặc biệt là những người có trách nhiệm và ý thức xây dựng cho tương lai. Nhớ lại, năm đó nhà báo Phạm Hồng Dương cũng chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu, nhưng nhiệt huyết của ông thì luôn hừng hực. Hầu như ngày nào ông cũng viết, phong phú, đa dạng, khúc chiết, công bằng. Ông mới chính là người đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí và Hội Nhà báo trên mảnh đất này. Được cái thế hệ sau ông là những người biết trân trọng lịch sử, trân trọng lớp người đi trước nên chỉ phát triển ý tưởng đó chứ không làm thui chột, đó là cơ may rất lớn trong đời sống hoạt động của chúng ta. Những năm tháng ấy phải nói rằng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh hết sức hiệu quả, các anh, chị Ma Văn Bổn, Phan Sơn, Phạm Tịnh, Nguyễn Thành Luận,Phan Hữu Minh, Minh Châm, Mai Vinh ... là những người chịu nghĩ, liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo, các cuộc thi kể cả cấp tỉnh lẫn cấp ngành. Tổ chức các đợt tham quan và kết hợp tìm hiểu phong trào cho cán bộ, phóng viên. Trong hoàn cảnh các hội viên chủ yêu làm việc ở cơ quan báo chí rất bận rộn, tổ chức sự kiện chưa chắc đã tham gia được nhưng không vì thế mà cơ quan Hội không tổ chức.Bên cạnh những niềm vui của sự phát triển, Hội cũng có lúc gặp trắc trở. Có thời kỳ, thành phố Thái Nguyên tổ chức bán đất làm nhà giá cao, Phó Chủ tịch Thường trực Phan Sơn đôn đáo đi thực hiện. Nhiều anh em từ đó có đất làm nhà hoặc cải thiện cuộc sống. Xong, “mưa chả hết tết chả khắp”,  cũng thành chuyện chưa được vui. Sang đầu Thế kỷ XXI, Hội Nhà báo Thái Nguyên lại tiếp tục tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền về công việc, vị thế, biên chế tổ chức và các mặt khác. Những đồng chí gánh mũi chịu sào sau này cũng đã trăn trở để Hội Thái Nguyên không thua kém các Hội bạn. Gọi là cơ quan Thường trực của tổ chức chính trị nghề nghiệp nhưng văn phòng Hội Nhà báo Thái Nguyên cũng có đầy đủ đặc san, trang báo mạng và tham gia hầu hết các hoạt động trên địa bàn tỉnh... 30 năm đã qua, ngẫm lại chặng đường nhiều thử thách, thăng trầm nhưng âm hưởng chung vẫn là tình nghĩa, là giúp đời, giúp nghề, truyền thống đó chắc chắn sẽ được thế hệ cán bộ hôm nay nuôi dưỡng và phát triển. Phía sau lưng các bạn là những năm tháng gian lao để tạo hành trang để thế hệ hôm nay tiếp bước. Là một người sớm tham gia hoạt động Hội, tôi luôn nghĩ như vậy.
Ba chục năm,nhưng có hơn hai mươi năm hoạt động trong xu thế đổi mới,báo chí Thái nguyên có những bước tiến dài. Báo Thái Nguyên năm nay cũng đã vào tuổi sáu mươi, Đài PTTH tỉnh vào tuổi 66… Hội Nhà báo Thái Nguyên có vị thế và vai trò trong hệ thống 307 đầu mối của HNBVN… Viết đến nhưng dòng này,tôi thấy nhớ thương những hội viên là lãnh đạo đã về với tiên tổ theo quy luật tạo hoá: Hội viên Khướu Minh Tòng, Vũ Đức Thuận, Phạm Hồng Dương, Hoàng Vĩnh Xuyên, Hoàng Loan, Ma Văn Bổn, Văn Giang, Phan Sơn, La Thanh Tịnh, Nguyễn Thuyết, Nguyễn Tính VV… Thấy biết ơn các đồng chí chủ tịch,phó chủ tịch các nhiệm kỳ có nhiều đóng góp cho Hội: Nguyễn Thành Luận, Phạm Tịnh, Giang Thị Kim Quy…
Cá nhân tôi tham gia Hội hơn 40 năm,nhiều năm làm Thư ký chi hội,Phó chủ tịch Thường trực,Chủ tịch Hội Bắc Thái và Thái Nguyên rồi tham gia Ban Thường vụ, Trưởng một ban của T.W Hội cũng luôn có niềm vui vì những đổi thay và lớn mạnh chung. 15 năm được tham gia Ban chấp hành HNBVN cũng đã góp phần cho sự phát triển hôm nay của Hội.
Những người làm báo,những hội viên hôm nay mang đầy đủ phẩm chất của người làm báo kỷ nguyên số đã, đang và sẽ tiếp tục đưa nền báo chí cách mạng đi lên./.
Phan Hữu Minh
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập609
  • Hôm nay15,752
  • Tháng hiện tại596,416
  • Tổng lượt truy cập28,246,161

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây