Báo chí phải giữ được giá trị cốt lõi để phục sự xã hội

Thứ sáu - 04/02/2022 17:03   Đã xem: 1209   Phản hồi: 0

 

+ Ông từng đặt vấn đề “Báo chí chính thống cần trở lại giá trị cốt lõi” vào năm 2015. Thưa ông, giá trị cốt lõi của báo chí thời điểm cách đây 6 năm và bây giờ có điều gì khác biệt?

- Nhà báo Lê Quốc Minh: Giá trị cốt lõi của báo chí là bất di bất dịch: đó là tính trung thực, sự công bằng, cân bằng và chuyên nghiệp trong thông tin, là việc thông tin phải được kiểm chứng, và đối tượng phục vụ trên hết là độc giả, khán thính giả. Báo chí thời nào thì cũng cần có nhiều người đọc, người xem, người nghe, nhưng tính phân loại của báo chí trước kia khá rõ ràng: có những cơ quan báo chí nhất quán đi theo con đường chính thống, và cũng có những tờ báo chuyên về những nội dung gây sốc, nhắm vào phân khúc độc giả riêng.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, sự tiện lợi của việc tạo lập các kênh nội dung trên môi trường Internet, sự chi phối của truyền thông xã hội và đặc biệt là sự lên ngôi của thuật toán đã đẩy các cơ quan báo chí vào một sân chơi cạnh tranh khốc liệt để giành giật sự chú ý của công chúng, không phân biệt quy mô lớn nhỏ, không phân biệt địa lý. Vậy là các báo đua nhau sản xuất những nội dung “bắt trend”, viết bài dựa theo các từ khóa “hot” bởi nếu không đúng xu hướng, không có những từ khóa nhất định thì tin bài khó lòng nổi lên trên công cụ tìm kiếm, không được chia sẻ trên mạng xã hội.

Có thời làm báo điện tử dứt khoát là gắn liền với kỹ thuật SEO (tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm). Báo lớn báo nhỏ đều nhắm đến cái đích là lượng truy cập, với quan niệm rằng doanh thu quảng cáo sẽ tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng về lượt người xem. Hậu quả là nhiều cơ quan báo chí không muốn chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào những nội dung mất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực vật chất, ví dụ như các bài phóng sự điều tra, những tác phẩm mang tính chất tư liệu, tài liệu, những bài viết chuyên sâu.

 

Hoặc trong khi kiên định đi theo con đường chính thống, nhiều cơ quan báo chí vẫn phải “cài” một số thông tin đáp ứng thị hiếu theo kiểu “bắt trend” kể trên để đảm bảo có lượng truy cập ổn định. Trong khi vội vàng đáp ứng thị hiếu như thế, trong khi phải tranh đua với mạng xã hội và hàng tỷ trang web, kênh YouTube, các tài khoản Facebook hay TikTok, không ít thông tin trên báo chí đã bị sai, bị thiên lệch, thiếu cân bằng.

Người dùng thông thường đăng tải nội dung trên tài khoản riêng thì đa phần chẳng quan tâm nguyên tắc thẩm định thông tin, nhưng báo chí thì không thể làm vậy. Nếu muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, báo chí không thể tiếp tục trên đường đua không cân sức này mà phải đi trên con đường mà họ có ưu thế, trong khi học hỏi tiếp thu những kỹ năng mới mẻ từ các đối thủ trên con đường kia.

bao chi phai giu duoc gia tri cot loi de phung su xa hoi 154704324

+ Có thể nói, những điều mà ông đặt ra dường như vẫn còn nguyên giá trị nhưng thách thức của thời cuộc đã ở “cấp số nhân", nhiều sức ép nội tại của nền báo chí nước nhà. Điều ấy liệu có làm xói mòn những giá trị cốt lõi của báo chí hay không, thưa ông?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Chưa xảy ra đại dịch COVID-19 thì báo chí thế giới và báo chí Việt Nam cũng đã gặp nhiều khó khăn trong một xu thế chung, khi mà doanh thu quảng cáo cho báo in càng ngày càng giảm sút, quảng cáo trên phát thanh - truyền hình cũng chẳng duy trì được tăng trưởng, còn quảng cáo digital thì đa phần rơi vào túi các ông lớn công nghệ như Google, Facebook, Amazon. Và đại dịch COVID-19 như một cú giáng mạnh nữa vào các cơ quan báo chí: trong năm 2020, nhiều cơ quan báo chí cho biết doanh thu bị sụt giảm từ 30-70%; sang năm 2021 với chủng Delta mang độc lực mạnh hơn và tốc độ lây lan nhanh hơn, nền kinh tế chung còn bị tàn phá thì kinh tế báo chí bị cuốn trong cơn lốc khủng khiếp này cũng là chuyện đương nhiên.

Nhưng không có bất kỳ một lý do nào có thể biện minh cho việc để những nguyên tắc, giá trị cốt lõi của báo chí bị xói mòn. Nguyên nhân khó khăn kinh tế lại càng khó chấp nhận. Báo chí là một ngành nghề như mọi ngành nghề trong xã hội, nhưng sản phẩm báo chí là loại sản phẩm đặc biệt, có tác động xã hội to lớn, sự phát triển của báo chí phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của công chúng, và sự tồn tại của báo chí cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp công chúng định hướng con đường đi của họ trong cuộc sống và công việc. Nhiệm vụ của báo chí là đưa tin trung thực, công bằng và cân bằng, mọi thông tin phải được kiểm chứng theo quy trình tiêu chuẩn. Nếu không giữ được những giá trị đó thì còn lý do gì để công chúng đến với báo chí.

 

+ Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, đại dịch COVID-19 lại là cơ hội để báo chí chính thống thể hiện vai trò “kênh truyền thông chủ lực, dẫn dắt thông tin, điều tiết mạng xã hội, định hướng dư luận”. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Mỗi cuộc khủng hoảng đều dẫn đến nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cũng mang lại cơ hội để thay đổi. Đơn cử như việc chuyển đổi số, nếu trước đây mất nhiều năm không thể thúc đẩy được thì nay nhờ COVID-19 mà nhiều cơ quan, tổ chức, tòa soạn báo chí đã thay đổi tư duy, nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số và đạt được những kết quả bước đầu. Và khi thông tin tràn ngập, với vô vàn tin sai lệch, tin giả, đặc biệt là thông tin về đại dịch COVID-19 lẫn lộn đúng - sai tới mức các chuyên gia tạo ra thuật ngữ mới là “đại dịch thông tin” (infodemic), thì người dùng có xu hướng tìm đến các kênh báo chí chính thức để kiểm định thông tin mà họ đọc được đâu đó.

Khi COVID-19 bùng lên vào đầu năm 2020, ngay lập tức đã xuất hiện rất nhiều thông tin đồn đoán, bịa đặt xung quanh đại dịch này, thu hút sự quan tâm của công chúng và gây tác động không nhỏ. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng khi báo chí chính thống vào cuộc quyết liệt, cung cấp thông tin nhanh chóng và minh bạch, thì hoàn toàn có thể định hướng dư luận và góp phần vào thành công của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác chống dịch bệnh. Hiệu quả cũng được thể hiện rõ cả ở mảng thông tin đối ngoại, giúp cho nhiều tờ báo hoặc cá nhân ở nước ngoài hiểu rõ hơn về chiến lược phòng chống COVID-19 của Đảng và Nhà nước, về sự đồng lòng của người dân Việt Nam.

Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng ta thấy rõ sự chuyển biến về nhận thức của người dân: họ tin tưởng vào thông tin của cơ quan chức năng và báo chí chính thống, họ còn chủ động phê phán, vạch trần những thông tin sai lệch, khơi dậy niềm tự hào dân tộc để cùng nhau vượt qua đại dịch.
 

 

+ Dẫu là vậy, nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục kéo dài phức tạp, công tác truyền thông cần những thay đổi như thế nào để luôn hấp dẫn được công chúng, thưa ông?

- Nhà báo Lê Quốc Minh: Quả thực, khi dịch bệnh kéo dài, dẫn đến tình trạng người dân mệt mỏi với các thông tin liên quan COVID-19, nhiều người không muốn đọc những nội dung về chủ đề này. Nhiều người vốn quan tâm đến thông tin dịch bệnh thì nay trở thành những người né tránh thông tin dịch bệnh. Báo chí Việt Nam sau một thời gian hào hứng theo đuổi chủ đề này thì cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh kéo dài, lại biến chuyển khó lường gây ra những hậu quả ghê gớm, nguồn lực của các cơ quan báo chí cạn kiệt và môi trường tác nghiệp bị hạn chế, khó phát hiện chủ đề, góc nhìn mới mẻ. Việc đăng tải thông tin COVID-19 có lúc đẩy báo chí vào thế bí: đưa nhiều quá thì sợ gây hoang mang dư luận, đưa ít thì sợ tạo tâm lý chủ quan. Ngay cả thông tin từ cơ quan chức năng, từ các chuyên gia y tế cũng không phải luôn thống nhất.

COVID-19 cho chúng ta những bài học kinh nghiệm rằng chiến lược chống dịch vào thời điểm này thành công nhưng vào thời điểm khác lại phải linh hoạt thay đổi, chiến dịch thông tin lúc này hiệu quả nhưng sau đó lại cần có góc tiếp cận khác. Vì vậy, báo chí cần phải suy nghĩ những cách làm sáng tạo hơn, hấp dẫn hơn, khác biệt hơn, thậm chí cần phải nghĩ đến chiến lược phát triển báo chí hậu COVID-19.
 

 

+ Thời gian gần đây, Báo Nhân Dân đã và đang có rất nhiều đổi mới về cả nội dung và hình thức. Thưa Tổng Biên tập, tờ báo đã thể hiện giá trị cốt lõi của mình trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Có thể nói, Báo Nhân Dân là tờ báo chính thống và truyền thống nhất trong số những cơ quan báo chí chính thống ở Việt Nam. Vì thế, duy trì giá trị cốt lõi của báo chí ở Báo Nhân Dân là điều không bao giờ lay chuyển và được duy trì trong suốt hơn 70 năm hình thành và phát triển. Chưa bao giờ Báo Nhân Dân bị tác động bởi xu hướng thương mại hóa báo chí, chưa bao giờ sản xuất nội dung chạy theo thuật toán và xu hướng nhất thời trong xã hội.

Tuy nhiên, đánh giá ở góc độ báo chí hiện đại thì bên cạnh những ưu điểm của cách tiếp cận truyền thống này là những bất cập khiến cho nội dung của báo chưa đến được với đông đảo công chúng độc giả, thậm chí một bộ phận công chúng có “định kiến” với Báo Nhân Dân, cho rằng đây chỉ là tờ báo phục vụ các chi bộ và Đảng viên. Nếu giữ định kiến như vậy thì họ sẽ không bao giờ mua báo hay đặt báo, và đương nhiên sẽ không biết rằng trên Báo Nhân Dân có rất nhiều nội dung phục vụ chính nhu cầu thông tin của họ. Ở chiều ngược lại, nhiệm vụ tuyên truyền chính sách và đăng tải thông tin chính thống của Báo Nhân Dân chưa thể gọi là thành công vì thông điệp chưa tới được với nhiều nhóm đối tượng.

Chúng tôi chủ trương rằng hiệu quả chính là thước đo. Giữ giá trị cốt lõi, sản xuất ra nội dung chất lượng cao nhưng phải sử dụng những kỹ năng làm báo hiện đại, công nghệ làm báo hiện đại, phù hợp với sự thay đổi của xã hội, phải được lan tỏa trên nhiều nền tảng khác nhau, đến được với nhiều đối tượng khác nhau thì mới là thành công.
 

 

Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt đổi mới cả về nội dung và hình thức trên Báo Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân Cuối tuần và Nhân Dân Hằng tháng, Báo Thời nay, Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân. Chúng tôi chủ động chiếm lĩnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube và cả nền tảng TikTok cho giới trẻ.

Chúng tôi tạo ra các sản phẩm mới như Radio Nhân Dân vừa có phần thông tin thời sự, vừa có phần truyện ngắn, cung cấp thêm một kênh nội dung hữu ích cho người dùng trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch COVID-19. Chúng tôi cũng đầu tư nhiều công cụ làm báo chí dữ liệu, làm bài mega story trên nền tàng điện tử.

Xin lưu ý là Báo Nhân Dân rất chú trọng xây dựng nội dung chất lượng cao về những chủ đề rất hóc búa, tưởng chừng rất khô khan, ví dụ vấn đề chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, lý luận về chủ nghĩa xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, nhiều vấn đề kinh tế - tài chính vĩ mô, v,v… nhưng thông qua cách trình bày đẹp mắt, dễ hiểu, ứng dụng công nghệ làm báo mới nên được độc giả rất hoan nghênh.

Thực tế là những đổi mới đó đã khẳng định quan điểm của chúng tôi là đúng đắn, đó là thông tin phải đem lại niềm tin cho công chúng, lấy mục tiêu chân xác, nhanh nhạy, đúng đắn, có trách nhiệm, vì niềm tin của bạn đọc làm lẽ tồn tại.
 

 

+ Thưa ông, với báo chí Việt Nam, đã có lúc, có thời điểm niềm tin của công chúng vào báo chí chính thống giảm sút nghiêm trọng. Là người nghiên cứu nhiều năm về vấn đề này, trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá như thế nào về mức độ niềm tin của công chúng vào báo chí, thưa ông?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Chưa có báo cáo thường kỳ nào về mức độ niềm tin của công chúng đối với báo chí ở Việt Nam, vì thế khó có thể khẳng định chính xác về việc tỷ lệ này tăng giảm tới đâu. Chúng ta thường nghe một số người phát biểu rằng “bây giờ có ai đọc báo nghe đài đâu”, hoặc “lên mạng xã hội là đầy thông tin” nhưng dựa vào đó để nói rằng báo chí mất vai trò là không đúng. Nhiều thông tin mà người dùng có được trên mạng xã hội thực chất cũng là thông tin báo chí được người dùng chia sẻ, và những tin này tự tìm đến News Feed của người dùng trên Facebook, tự gợi ý trên YouTube hoặc TikTok. Nhiều thông tin khác do người dùng đăng tải, nhưng chúng ta thừa biết là tỷ lệ tin sai lệch, tin giả nhiều ra sao trên mạng xã hội, và không ít người mắc bẫy – cả những người ít thông tin cho đến những người có học thức cao.

Qua theo dõi lượng truy cập trang điện tử của các cơ quan báo chí lớn, chúng tôi được biết rằng tỷ lệ theo dõi các tin bài chính trị - xã hội khá cao chứ không chỉ là các nội dung giải trí, chứng tỏ người dùng vẫn tìm đến các trang báo chính thống để kiểm chứng thông tin mà họ nhận được.
 

 

+ Và đó cũng là lý do tại Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch COVID-19” mới đây, ông có nhấn mạnh: “Nhà báo cần có phương pháp, kỹ năng và công cụ để kiểm tra, xác minh thông tin trước khi cung cấp cho công chúng. Các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường đầu tư cho công nghệ hỗ trợ hoạt động kiểm chứng thông tin”, thưa ông?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Thực tế, một số ít tờ báo mải miết cung cấp nội dung theo thị hiếu của người dùng mạng xã hội để đạt lượng truy cập cao trong khi nhiều tờ báo khác nhất quán với định hướng chuyên biệt của mình. Mỗi tờ báo có chiến lược riêng và tôi không phán xét việc độc giả về quyền lựa chọn của họ. Độc giả lựa chọn nguồn tin mà họ thấy phù hợp nhu cầu riêng, và họ phải chấp nhận việc tiếp thu cả tin trung thực lẫn tin sai sự thật nếu đến với những trang web thiếu tin cậy. Nhưng cơ quan báo chí thì phải giữ được giá trị cốt lõi của báo chí, bởi nếu đánh mất nó thì không thể thực hiện được sứ mệnh của mình là phụng sự xã hội.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Theo congluan.vn

 

 
 
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập654
  • Hôm nay16,814
  • Tháng hiện tại597,478
  • Tổng lượt truy cập28,247,223

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:101 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây