Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ khai mạc Hội báo Toàn quốc 2024.
Hôm nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố của những “thiên anh hùng ca”, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương và những người làm báo cả nước vui mừng và phấn khởi dự Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc lần thứ 7 - năm 2024.
Đây là sự kiện rất quan trọng, giàu ý nghĩa, thực sự là ngày hội đối với các cấp hội nhà báo, người làm báo cả nước; là một bước chuẩn bị quan trọng hướng tới Kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Đây là lần đầu tiên Hội Báo toàn quốc được tổ chức tại khu vực phía Nam với nhiều hoạt động, sự kiện, diễn đàn nghiệp vụ, các gian trưng bày sản phẩm báo chí cả nước. Điểm mới của Hội Báo lần này là bên cạnh những vấn đề báo chí, công chúng báo chí cả nước sẽ được tham quan, giới thiệu, kết nối và mua sắm các sản phẩm OCOP đến từ nhiều vùng, miền của đất nước. Tôi tin tưởng rằng, Hội Báo sẽ thu hút đông đảo những người làm báo, công chúng và du khách trong và ngoài nước.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội báo.
Trong 3 ngày diễn ra Hội báo, công chúng, giới báo chí cả nước sẽ thấy được toàn cảnh báo chí cách mạng Việt Nam trong năm 2023: từ kết quả công tác thông tin, tuyên truyền đến các hoạt động nghiệp vụ báo chí; từ những phát hiện, phản ánh, kiến nghị, kiến giải của báo chí đến việc chuyển hóa những đề xuất, kiến giải đó vào thực tiễn điều hành và quản lý; là việc thực hiện sứ mệnh “xây dựng niềm tin cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào sự nghiệp cao cả của Đảng và dân tộc ta”.
Hội Báo cũng sẽ là nơi để giới báo chí và công chúng, những người yêu thích nghề báo cùng nhau trao đổi về những vấn đề trọng yếu của báo chí hiện đại; là địa chỉ kết nối, giao lưu, tương tác và cộng tác cùng phát triển giữa báo chí-doanh nghiệp và công chúng... Từ quy mô, thành phần khách mời, nội dung chương trình, đến phương thức tổ chức… đã thể hiện những nét mới, những sáng tạo, đặc biệt trong tư duy quản trị, trong phương thức tập hợp, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia tổ chức; tăng cường tinh thần đoàn kết trong các cấp Hội, các cơ quan báo chí, những người làm báo và công chúng báo chí cả nước.
Các đồng chí lãnh đạo thăm gian trưng bày Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an.
99 năm là truyền thống vẻ vang, là dấu ấn tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta có một nền báo chí cách mạng với mục tiêu cao quý nhất, sứ mệnh thiêng liêng nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân; là nơi để Nhân dân gửi gắm tình cảm, niềm tin yêu, tin tưởng với Đảng, Nhà nước. Những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; tự hào về truyền thống vẻ vang, về những đóng góp xứng đáng của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tự hào về lớp lớp các thế hệ nhà báo, bằng tài năng, nhiệt huyết, sức sáng tạo và cả máu xương của mình để gây dựng, gìn giữ và phát triển một nền báo chí cách mạng vì dân, vì nước, vì lợi ích tối thượng của dân tộc Việt Nam. Thế hệ nhà báo cha anh là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các nhà báo, hội viên hôm nay soi mình, sửa mình, rèn đức, luyện tài để làm báo cho đúng, cho hay, để tận tâm, tận lực cống hiến, xứng đáng với truyền thống của các thế hệ cha anh trong gần một thế kỷ qua.
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025; năm chuẩn bị quan trọng hướng tới 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025). Để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, tôi đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, về Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Hội Nhà báo Việt Nam, hội nhà báo các cấp phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí để triển khai tốt, hiệu quả những nội dung trên; phải sâu sắc trong nhận thức; phải quyết liệt trong hành động; phải sáng tạo, linh hoạt trong tự vận dụng để tập hợp, thúc đẩy sự đoàn kết, sự thống nhất, đồng lòng trong triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng đó. Chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa. Cần hạn chế việc hô hào hình thức mà phải đưa nội dung này đi vào chiều sâu, trở thành thói quen văn hoá hàng ngày của từng nhà báo, từng hội viên trong quá trình sáng tạo các sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo thăm gian trưng bày Cụm Hội Nhà báo các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối… đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo. Trí tuệ nhân tạo và công nghệ có thể trở thành trợ lý ảo cho báo chí. Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những nguy cơ tin giả, tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo và các công cụ số khác tạo ra, thách thức bị sử dụng trái phép “vốn dữ liệu", bản quyền báo chí trên môi trường số. Giới báo chí cần chủ động, đoàn kết tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ bản quyền, đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, thông tin sai lệch, xuyên tạc, để thông tin báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong không gian số, góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, phục vụ từng độc giả, khán thính giả, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí đang phải đối diện với những vấn đề có tính chất bước ngoặt để bảo đảm thế chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí. Cần đổi mới từ phương thức chỉ đạo, lãnh đạo, tư duy quản lý đến thực tiễn hoạt động báo chí. Tôi tin tưởng rằng, Hội Báo toàn quốc 2024, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí từ trung ương, địa phương, của giới báo chí cả nước sẽ có những luận giải và kiến nghị phù hợp cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đối với những đòi hỏi này
Phát huy truyền thống 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, tiếp tục những thành công của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, báo chí cần tích cực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường đào tạo nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm nghiên cứu công chúng và xu hướng báo chí truyền thông hiện đại. Các tác phẩm báo chí cần bảo đảm về tính định hướng, tính chuyên biệt, tính hấp dẫn và tính cá nhân hoá. Mỗi người làm báo phải luôn tự ý thức học tập, nghiên cứu, tự rèn mình để có bản lĩnh chính trị, nền tảng văn hóa, kỹ năng công nghệ và tinh thần tận hiến, nhân văn vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân. Mỗi đảng viên làm báo trước hết phải gương mẫu về phẩm chất đạo đức, cống hiến trí tuệ và tài năng để xây dựng Đảng, bằng tác phẩm báo chí của mình tác động sâu rộng, mạnh mẽ đến các tiến trình phát triển xã hội.
Báo chí vừa phải nghiên cứu lý luận, vừa phải tổng kết thực tiễn, truyền thông chính sách, vừa tiếp tục giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để Nhân dân tham gia các công việc của đất nước….
Với sự đoàn kết, tầm nhìn chiến lược và tinh thần trách nhiệm, Báo chí Cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo sẽ vững vàng trên vị trí Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.
Tác giả bài viết: Bắc Việt - Hoàng Thi
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024