Sản phẩm giả mạo trà Thái Nguyên
Nhận diện những vi phạm
Khi nhận túi quà Tết do một người quen biếu tặng, chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trà Sơn Dung, TP. Thái Nguyên không hề nghĩ khi mở ra lại nhận được một gói trà giả. Theo lời chị Trang mô tả lại thì túi trà được đóng gói rất đẹp, bên ngoài ghi là trà ướp sen sản xuất ở Đồng Hỷ nhưng trong toàn là trà ban, cành cây, thậm chí cả đất đá. Rất bức xúc với việc này, chị Trang đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội facebook và nhận được tương tác của một số người về tình trạng tương tự. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trang kiến nghị các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra quản lý thị trường, hạn chế tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái mẫu mã thương hiệu chè Thái Nguyên để bảo vệ người sản xuất chân chính, bảo vệ người tiêu dùng và giữ gìn danh tiếng cho thương hiệu trà Thái Nguyên.
Còn chị Đào Thị Hồng Nhung, HTX Trà Vân Dũng (TP. Thái Nguyên) thì chia sẻ: Trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, đã có những trường hợp mạo danh Trà Vân Dũng liên hệ trực tiếp với khách hàng và nói là có các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng để mời mua sản phẩm. Nhưng khi gửi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì vỏ ngoài chỉ có chữ trà Tân Cương và chất lượng thì đương nhiên không đảm bảo. Sau khi được khách hàng phản hồi, HTX đã hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... để bảo vệ thương hiệu. Chị Dung cũng đề nghị các cơ quan chức năng có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa để các sản phẩm đã đăng ký thương hiệu được bảo vệ, xứng đáng với công sức của người lao động bỏ ra.
Đi tìm nguyên nhân
Trà Thái Nguyên chất lượng tốt, giá thành cao, việc nhiều người lợi dụng danh tiếng để làm giả kiếm lời là điều dễ hiểu. Tại một số thị trường trong nước, có tình trạng lập lờ đánh lận giữa bao bì ghi trà Thái Nguyên nhưng bên trong thì đóng sản phẩm có phẩm cấp thấp, đánh lừa người tiêu dùng. Những lô hàng trà giả, trà nhái này chưa được phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến hàng giả vẫn có chỗ đứng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hộ kinh doanh bao bì, túi đựng trà tại Chợ Thái, TP. Thái Nguyên
Tại một số chợ truyền thống, không khó bắt gặp những cửa hàng bán bao bì túi đựng trà các loại với mẫu mã đa dạng, phong phú, màu sắc bắt mắt đã in sẵn những dòng giới thiệu: Trà xanh Tân Cương - Thái Nguyên; Trà xanh Thái Nguyên; Trà đặc sản Thái Nguyên; Trà xanh đặc sản Tân Cương - Thái Nguyên... và những thông tin về thành phần, công dụng, cách bảo quản, cách pha trà. Anh Phan Anh Dũng, chủ cửa hàng kinh doanh bao bì ở chợ Thái (TP. Thái Nguyên) cho chúng tôi biết: Những mặt hàng này được chào bán tận nơi, do có nhu cầu của người mua nên cửa hàng nhập về bán. Ai cần in thêm tem mác của cơ sở thì cửa hàng sẽ giúp thực hiện, còn nếu không thì chỉ cần mua về đóng gói. Việc này vô tình tạo điều kiện cho những sản phẩm chè không rõ nguồn gốc xuất xứ được đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng chưa thực sự tinh tường trong việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Điều này lý giải vì sao có hiện tượng xuất hiện trà Thái Nguyên giả trên thị trường.
Làm gì để bảo vệ thương hiệu “Chè Thái Nguyên”?
Thái Nguyên hiện có 22.500ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 21.100ha. Năm 2023, năng suất chè bình quân đạt 126,99 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 267.500 tấn (tương đương 53.500 tấn chè búp khô), đạt giá trị 12.300 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 194 công ty, HTX, doanh nghiệp, hộ dân, cơ sở đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Sản xuất, đóng gói trà tại HTX Trà Sơn Dung, TP. Thái Nguyên
Để bảo vệ thương hiệu “Chè Thái Nguyên”, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương đơn vị hỗ trợ các HTX xây dựng quy trình sản xuất an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trà chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ… Nhiều cơ sở sản xuất, HTX đã thực hiện tốt các nội dung này. Theo bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), hiện nay các HTX, đơn vị sản xuất chè đều quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu, sản xuất mẫu mã, bao bì, bộ nhận diện riêng cho từng sản phẩm. Bao bì có tên thương hiệu, loại sản phẩm, địa chỉ rõ ràng; được in tại các cơ sở uy tín, do đó việc làm giả sản phẩm hầu như khó có thể xảy ra. Chỉ cần người mua hàng quan tâm xem xét kỹ lưỡng sản phẩm trước khi mua hàng, hoặc không ham rẻ mà nhận về sản phẩm giả mạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khánh Phương, Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP. Thái Nguyên cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng trà đóng gói sẵn mang nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” hoặc trên bao bì có in, viết chỉ dẫn địa lý đến các vùng chè đặc sản của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, đơn vị sẽ xác minh, làm rõ để ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín thương hiệu “Chè Thái Nguyên” phát triển bền vững.
Đội Quản lý thị trường TP. Thái Nguyên tuyên truyền thực hiện quản lý chất lượng, thương hiệu sản phẩm tại HTX trà Vân Dũng (TP. Thái Nguyên)
Lời kết
Trà Thái Nguyên là thương hiệu không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã vươn ra thế giới. Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ trên toàn quốc và tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc làm giả, làm nhái thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên là một trong những hành vi cần lên án mạnh mẽ. Bởi, hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại rất lớn, gây nguy hại tới sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu trà của tỉnh. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và ngặn chặn tình trạng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Người sản xuất, kinh doanh chè cần tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, quan tâm hơn tới việc xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm trà được đưa ra thị trường. Người tiêu dùng cũng nên tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình bằng cách xem kỹ những thông tin in trên bao bì sản phẩm hoặc liên hệ trực tiếp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để được tư vấn, hướng dẫn, tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, không đảm bảo chất lượng; đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng thông tin về những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có hiện tượng mạo danh trà Thái Nguyên để biện pháp xử lý.
Nguồn tin: thainguyen.gov.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam