Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ tháng 10 tới nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 10, tháng 11; Thường trực Chính phủ đã ban hành 3 thông báo kết luận; Thủ tướng Chính phủ có 4 công thư gửi lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Chính phủ đã có 1 quyết định, 1 chỉ thị, 5 công điện, 12 thông báo kết luận, 33 văn bản chỉ đạo, điều hành…; các bộ, ngành cũng vào cuộc để tập trung xử lý, ổn định tình hình. Điều này cho thấy việc chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm bắt tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp.
Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.
Thủ tướng đã có 3 cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiến hành tổng kết ngoại giao vaccine để tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế theo Chỉ thị của Ban Bí thư.
Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai chính sách tài khóa, nghiên cứu, đề xuất, triển khai hoãn, miễn, giảm thuế, lệ phí cho phù hợp. Đồng thời, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tích cực, có hiệu quả. Khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đưa thị trường xăng dầu trở lại bình thường, theo quy luật thị trường.
Theo Thủ tướng, các biện pháp nói trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và bội thu; xuất đủ nhập và xuất siêu; làm đủ ăn và có xuất khẩu nông sản; đủ năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng; thị trường lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Cuộc họp Thường trực Chính phủ nhằm tiếp tục đánh giá những việc đã làm, những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đánh giá, dự báo tình hình. Tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, suy nghĩ kỹ lưỡng, đưa ra đối sách, giải pháp phù hợp, chắc chắn, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu đạt các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 ở mức cao nhất. Chỉ còn gần 1 tháng là kết thúc năm 2022, cần "chạy nước rút về đích" bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt được các mục tiêu nhưng mang tính bền vững; đồng thời chuẩn bị cho năm 2023 đã được xác định là có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, chỉ đạo, điều hành cần bản lĩnh hơn, hiệu quả hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý các vấn đề đặt ra.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam