Phát triển bền vững nghề chè

Thứ năm - 11/04/2024 15:22   Đã xem: 284   Phản hồi: 0

Giống chè Trung du được đưa về trồng tại Thái Nguyên từ đầu những năm 1920, hiện tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng chè. Những làng nghề chè từ lâu đã gắn liền với văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nghề làm chè đã có rất nhiều thay đổi theo thời gian.

hái chè xóm thái Hưng
Thu hái chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn tại làng nghề chè xóm Thái Hưng, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ

Vốn là loài cây trồng vô cùng dễ tính, ít tranh chấp đất với các loài cây khác, phát triển tốt ngay cả trên đất xấu, dốc, cây chè không chỉ cho búp mà còn phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất. Bên cạnh đó, nghề làm chè ít đòi hỏi trình độ lao động, mọi người dân đều có thể tham gia vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hái, vận chuyển… vì thế chè được trồng nhiều ở tất cả các huyện thành của tỉnh, là “cây xóa đói giảm nghèo” trước đây và “cây làm giàu” hiện nay của nhiều hộ nông dân, nhiều làng nghề chè.
Đến năm 2010, toàn tỉnh có 52 làng nghề sản xuất, chế biến chè tại 6 huyện, thành được  UBND tỉnh quyết định công nhận, diện tích chè toàn tỉnh 17.660 ha (trong đó chè trung du chiếm 65,5%), năng suất búp tươi đạt 107 tạ/ha, sản lượng búp tươi gần 172 nghìn tấn. Hơn 80% sản phẩm được chế biến thủ công truyền thống theo quy mô hộ, chủ yếu tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống thương lái và chợ quê. Người dân phải tự sản xuất - chế biến - tiêu thụ, chất lượng chè không đồng đều, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, sở hữu trí tuệ chưa được người làm chè quan tâm. Giá trị sản xuất bình quân 68 triệu đồng/ha, tại vùng chè Tân Cương cao nhất đạt 100 triệu đồng/ha. Một số tiến bộ khoa học được ứng dụng trong sản xuất chè như chuyển đổi giống mới, biện pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, tưới tiết kiệm, quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp… 
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè, triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chè, triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn toàn tỉnh làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa chất lượng, giá trị cao. 
Trong hơn 10 năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè Trung du già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản. Với diện tích ước đạt 22.500 ha hiện nay, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn nhất nước, năng suất búp tươi đạt trên 119 tạ/ha, sản lượng búp tươi đạt 239 nghìn tấn. So với năm 2010, diện tích chè tăng 21%, năng suất tăng hơn 13%, sản lượng tăng gần 32%, cơ cấu giống mới tăng 175%. 
Tỉnh đã thực hiện hàng loạt giải pháp mang tính đột phá đã thay đổi căn bản ngành chè, trong đó giải pháp then chốt quyết định sự phát triển bền vững của chè Thái Nguyên là đẩy mạnh tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng. Hầu hết diện tích chè của tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình an toàn, hữu cơ, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm và thuốc trừ sâu sinh học, phát triển mạnh tưới chủ động, tưới tiết kiệm. Nhờ cách tưới này, năng suất, chất lượng, giá trị chè được nâng cao, nhiều vùng sản xuất được chè vụ Đông phục vụ Tết Nguyên đán. 
Công đoạn chế biến chè đã được ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu, có những mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến thành phẩm, thiết kế bao bì nhãn mác đẹp, sang trọng. Nhiều sản phẩm chè đã được xếp hạng OCOP từ 3-5 sao, chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến được nâng cao rõ rệt. Bình quân hàng năm sản lượng chè chế biến các loại đạt gần 48 nghìn tấn.
Người dân cũng không còn phải “tự thân vận động” trong sản xuất, tiêu thụ bởi sự đồng hành, tiếp sức của gần 40 doanh nghiệp, 77 HTX, 240 làng nghề, làng nghề truyền thống, sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. 
Một minh chứng tiêu biểu về hiệu quả của các giải pháp này là huyện Phú Lương, địa phương có diện tích chè lớn hàng đầu của tỉnh. Chè Phú Lương những năm trước đây ít được thị trường biết đến. Song, qua Đề án nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo các quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ, việc tổ chức sản xuất đã được các cấp chính quyền trên địa bàn huyện chỉ đạo quyết liệt đến từng xóm, bản, từng hộ làm chè. Người làm chè được tham dự các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ, chè VietGAP … và đăng ký làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất an toàn yêu cầu người làm chè phải trang bị đầy đủ các vật tư thiết yếu từ chỉnh trang nương chè sạch đẹp, dụng cụ thu hái, bảo quản, các thiết bị chế biến đồng bộ. Các ngành chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vật tư bảo vệ thực vật cho chè. Sản phẩm chè chất lượng cao được quy định rất chặt chẽ, ngoài việc không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì phải đạt chuẩn nương chè đẹp và khu chế biến an toàn. Đến nay, nghề chè Phú Lương đã có những thay đổi ngoạn mục với nhiều mô hình tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP, huyện có gần 40 làng nghề chè và là địa phương có số làng nghề chè nhiều nhất của tỉnh. Chè Phú Lương đã xây dựng được uy tín trên thị trường, sản phẩm của nhiều vùng chè trên địa bàn huyện đã được người tiêu dùng yêu mến, tin cậy như: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô… Giá trị sản phẩm chè trên thị trường ngày càng được nâng cao, ước tính sản phẩm chè xanh của huyện tiêu thụ ngoài tỉnh đạt hơn 700 tấn búp khô/tháng với mức giá từ 200 nghìn đồng/kg đến hơn 6 triệu đồng/kg.
Người làm chè ở tất cả các vùng chè của tỉnh đều khẳng định nghề làm chè hiện nay đã hoàn toàn khác so với trước đây, thay đổi về phương pháp canh tác, thay đổi về phương tiện, máy móc, cách thức tổ chức, quản lý sản xuất. Song thay đổi lớn nhất, quyết định đến sự phát triển bền vững của nghề chè là   những thay đổi tích cực từ nhận thức, tư duy của người dân về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Họ đã chủ động thay đổi thói quen sản xuất trước đây để bắt nhịp với quy trình sản xuất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Hình ảnh người nông dân vùng chè cặm cụi làm quen với sổ sách, tuân thủ thời gian, kỹ thuật và với chuyển đổi số từ sản xuất đến tiêu thụ thực sự rất mới mẻ và khác lạ so với nghề nông truyền thống trước đây. Đây cũng là hình ảnh rất đẹp về nông dân Thái Nguyên làm nông nghiệp hiện đại.

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập91
  • Hôm nay6,683
  • Tháng hiện tại574,787
  • Tổng lượt truy cập27,434,411

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:191 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:414 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:417 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:50 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:49 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây