Lắng nghe đầy đủ, giải quyết dứt điểm
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2021 và 2022, việc tổ chức các cuộc TXCT được Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đó là kết hợp giữa TXCT trực tiếp và trực tuyến; thành phần tham gia gồm cả đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp huyện và cấp xã; thay đổi địa bàn TXCT của đại biểu; chủ động mời đại diện các cơ quan liên quan cùng dự… Qua đó giúp các đại biểu HĐND nắm bắt đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò người đại biểu nhân dân.
Cùng với đó, hoạt động giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trong nhiệm kỳ này tiếp tục được duy trì tốt và ngày càng hiệu quả.
Theo đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trước năm 2017, kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri chỉ được các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện giám sát tại kỳ họp. Đến nửa cuối nhiệm kỳ 2016-2021, nội dung này được thực hiện giám sát chuyên đề và ban hành nghị quyết. Sang nhiệm kỳ mới, hoạt động này trở thành nội dung giám sát thường xuyên trước mỗi kỳ họp thường lệ.
Theo đó, Ban Văn hóa - Xã hội được Thường trực HĐND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các tổ đại biểu HĐND thực hiện khảo sát trực tiếp, cụ thể tại nơi cử tri có ý kiến đối với từng kiến nghị; tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, UBND cấp huyện để làm rõ thực trạng, nguyên nhân, vướng mắc và định hướng tiến độ, các biện pháp giải quyết tiếp theo.
Thay vì báo cáo bằng văn bản như ở nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ 2021-2026, 100% các báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp được trình bày bằng hình ảnh, giúp các đại biểu HĐND và người dân nắm bắt đầy đủ, khách quan hơn về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những kiến nghị kéo dài được lựa chọn để làm rõ tại các phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND tỉnh…
Quy rõ trách nhiệm
Với việc tạo cơ sở pháp lý mang giá trị bắt buộc thực hiện từ các nghị quyết giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã vào cuộc sâu sát và trách nhiệm hơn.
Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, thành viên tham gia là lãnh đạo các sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố. Trước mỗi kỳ báo cáo, Tổ công tác đều tổ chức họp để rà soát tiến độ, kết quả giải quyết đối với từng nội dung; phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm, đưa ra giải pháp và đôn đốc thực hiện đối với những vấn đề chưa được giải quyết hoặc chậm giải quyết. Việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị vì thế được thực hiện chặt chẽ hơn, theo hướng phân rõ trách nhiệm.
Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, 100% các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền đã được UBND tỉnh chỉ đạo xem xét, trả lời và giải quyết. Trong đó, số ý kiến, kiến nghị được giải quyết xong và thông tin đến cử tri tăng từ gần 40% ở kỳ giám sát đầu tiên (tháng 6/2017) lên xấp xỉ 60% ở kỳ giám sát gần đây nhất (tháng 12/2022). Đồng thời, UBND tỉnh chuyển các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương để sớm có câu trả lời, giải đáp thắc mắc của cử tri.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: UBND tỉnh sẽ không để tình trạng giao những vấn đề cử tri phản ánh mà các sở, ngành, địa phương không tổ chức triển khai thực hiện; tránh hiện tượng không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực, né tránh báo cáo...
Củng cố niềm tin
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 715/2.175 nhà văn hóa - khu thể thao đang hoạt động nhưng chưa đạt chuẩn. Vấn đề này đã được cử tri nhiều địa phương kiến nghị với các đại biểu HĐND. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) được tổ chức trong tháng 5/2023, UBND tỉnh sẽ có tờ trình quy định chính sách hỗ trợ nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố (TDP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Nếu nghị quyết được thông qua, các địa phương sẽ có cơ sở pháp lý để thực hiện việc hỗ trợ đối với các xóm, TDP có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn.
Khi biết được thông tin này, ông Chu Đình Lập, Bí thư Chi bộ TDP 10, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) vui mừng: Nếu nội dung này được thông qua sẽ giúp chúng tôi có điều kiện xây nhà văn hóa mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân sau nhiều năm thực hiện sáp nhập xóm, TDP.
Với một kiến nghị khác, sau nhiều năm cử tri huyện Phú Bình phản ánh tình trạng xuống cấp và quá tải của tuyến đường tỉnh 266 đoạn từ ngã tư Sông Công đến ngã tư Điềm Thụy, huyện Phú Bình (giao với Quốc lộ 37), đến năm 2022, tuyến đường này đã được nâng cấp và đưa vào sử dụng. Điều đáng nói là nhờ có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng nên dự án đã về đích trước kế hoạch gần 6 tháng.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, kiến nghị và giám sát, đôn đốc UBND tỉnh quan tâm giải quyết, như: Sửa chữa, mở rộng, nâng cấp tuyến đường tỉnh 261, đường tỉnh 270; cải tạo mương thoát nước Xương Rồng và mương thoát nước Mỏ Bạch; hàng loạt công trình nâng cấp, chống quá tải lưới điện tại các xóm, khu dân cư trên địa bàn tỉnh…
Từ thực tế có thể khẳng định, khi ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được quan tâm giải quyết kịp thời và không bị “bỏ quên” đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền. Thực tế trên vừa là động lực, đồng thời cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nguồn tin: baothainguyen.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024