Khắc phục những hạn chế
Trong nhiều báo cáo của HĐND tỉnh đã thẳng thắn đánh giá: Còn có đại biểu chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của HĐND. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tại nơi cư trú, nơi công tác chưa được thực hiện; chất lượng tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa cao, một số ý kiến được tổng hợp chưa đúng thẩm quyền giải quyết. Tổ đại biểu HĐND hoạt động chưa hiệu quả. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện kiến nghị giám sát có lúc, có nơi chưa thường xuyên.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ nhiều kỳ họp HĐND tỉnh của các cơ quan có liên quan ở một số nội dung còn chậm và chất lượng chưa đảm bảo, làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, cũng như việc nghiên cứu, thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng: Còn không ít kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng, khiến cử tri phải kiến nghị nhiều lần, kéo dài qua nhiều năm. Số cử tri được tham gia các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh còn hạn chế…
Đâu là nguyên nhân?
Từ thực tế cho thấy, bên cạnh những đại biểu dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia thảo luận, kiến nghị nhiều vấn đề hay tại các kỳ họp, phiên họp, hội nghị, thì vẫn còn có những người “ngại” nói, thậm chí không có ý kiến trong các phiên thảo luận. Chính điều này khiến hoạt động của HĐND tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử. Chỉ cần đại biểu dám nói nghĩa là đã dám làm.
Theo đánh giá của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải: Mặc dù thời gian qua, đại biểu HĐND các cấp đã nỗ lực rèn luyện để thực hiện lời hứa trước cử tri và nhân dân, song tại một số kỳ họp, hoạt động của HĐND tỉnh, huyện vẫn còn “nguội lạnh”. Nhiều câu hỏi chất vấn còn “hiền”. Thậm chí có những vấn đề đại biểu đưa ra, cơ quan chức năng trả lời không vào trọng tâm nhưng cũng không được đại biểu tranh luận, phản biện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, nếu như làm được điều này, đại biểu HĐND sẽ giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, qua đó kịp thời khắc phục, chấn chỉnh. Đối với những người được chất vấn cũng cần vui vẻ trả lời và coi đó là dịp, là cơ hội để được chia sẻ, giãi bày.
Ngoài ra, tình trạng nể nang trong thảo luận, chất vấn về một số vấn đề vẫn còn tồn tại. Cùng với đó, nhiều chính sách của Trung ương không được điều chỉnh, ban hành kịp thời, gây khó khăn cho hoạt động của HĐND các cấp...
Những vấn đề đặt ra
Để hoạt động của HĐND các cấp nói chung, cấp tỉnh nói riêng, trong thời gian tới tiếp tục được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả, tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thành phố được tổ chức mới đây, các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều vấn đề.
Trong đó, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của mỗi đại biểu; tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ kế cận; tiến hành đánh giá giữa nhiệm kỳ, rà soát toàn diện các lĩnh vực, nhiệm vụ, đề án chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành để tìm ra giải pháp thúc đẩy, khẩn trương thực hiện; kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước cấp trên giao thành cơ chế, chính sách của địa phương...
Đối với từng nội dung cụ thể, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp. Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lương, nêu ý kiến: Để những ý kiến, kiến nghị của cử tri và các vấn đề nóng, phát sinh giữa hai kỳ họp được quan tâm giải quyết kịp thời, Thường trực HĐND cần tăng cường khảo sát ngay sau khi nhận được ý kiến để sớm có kiến nghị về phương án giải quyết, chứ không chờ đến kỳ họp.
Còn đồng chí Dương Văn Định, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Bình, cho biết: Trên thực tế, không phải đại biểu nào cũng có thể nắm bắt nhanh, am hiểu sâu sắc về tất cả các lĩnh vực, vấn đề được đưa ra tại kỳ họp. Do vậy, để nâng cao chất lượng các kỳ họp chuyên đề, Thường trực HĐND cần tăng cường phân công cho tổ đại biểu nghiên cứu chuyên sâu về những nội dung chuyên đề, để khi vào kỳ họp, trong phần thảo luận nội dung sẽ có nhiều ý kiến đóng góp và đạt chất lượng cao hơn...
Thái Nguyên hiện là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh về mọi mặt. Năm 2023, lần đầu tiên tỉnh được giao tự cân đối ngân sách địa phương; đồng thời điều tiết 4% về ngân sách Trung ương, trở thành địa phương thứ 16 trên toàn quốc tự cân đối ngân sách. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, cho thấy sự phát triển vượt bậc của Thái Nguyên. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức trong thực tiễn, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Thực tế này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của HĐND các cấp nói chung và từng đại biểu HĐND nói riêng. Do đó, những hạn chế, tồn tại nêu trên rất cần được nhìn nhận thẳng thắn và sớm đưa ra giải pháp khắc phục, để hoạt động của HĐND xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân và cử tri.
Nguồn tin: Baothainguyen,vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam