Mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, làm sao thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện cùng chung sức xây dựng ngôi nhà chung ấm áp, hoạt động tác nghiệp đúng quy định và hiệu quả.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước thành lập Chi hội nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại địa phương. Mới đầu thành lập Chi hội chỉ có gần 20 hội viên, đến nay thu hút gần 40 hội viên chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo Thanh Hóa theo Quyết định 979/QĐ-HNBVN, ngày 6/4/2018 của Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Theo nhà báo Nguyễn Thị Thương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa, các phóng viên, nhà báo đã tích cực bám sát địa bàn, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về báo chí, 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và các quy định hiện hành; tích cực thông tin, tuyên truyền trung thực, khách quan về các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội… trên địa bàn tỉnh; tuân thủ tôn chỉ, mục đích hoạt động của các cơ quan báo chí và quy định hiện hành. Bên cạnh đó, công tác quản lý, cập nhật hồ sơ hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú được thực hiện chặt chẽ.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quy chế về quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn, quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động trên địa bàn. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng với các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền; đánh giá kết quả hoạt động; tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của phóng viên…
Mặc dù có nhiều nỗ lực thời gian qua, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực HNB Thanh Hóa cũng thẳng thắn chỉ ra: “Tuy nhiên, số lượng hội viên chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo địa phương thực hiện theo Quyết định 979/QĐ-HNBVN, ngày 6/4/2018 của Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chưa nhiều, chỉ bằng 1/2 số lượng hội viên đang công tác tại các Văn phòng đại diện, Phóng viên thường trú hoạt động trên địa bàn. Nguyên nhân chính chưa thu hút được hội viên chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo địa phương phải chăng do chưa có chế tài cụ thể đưa vào Luật Báo chí đối với hội viên không thực hiện nghiêm Quy định 979/QĐ-HNBVN của Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan chủ quản còn xem nhẹ việc giới thiệu hội viên về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương”.
Chính vì thế, nhà báo Nguyễn Thị Thương đề xuất cần sửa đổi bổ sung Luật Báo chí quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo địa phương trong việc quản lý hội viên thực hiện Quyết định 979/QĐ-HNBVN, ngày 6/4/2018 của Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng thời, có chế tài đối với những hội viên không chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo địa phương và coi đây là tiêu chí trong việc bình xét thi đua hằng năm, cấp đổi thẻ hội viên đối với những hội viên là phóng viên thường trú đang hoạt động tại địa phương chưa chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo tỉnh. Từ đó, gắn trách nhiệm của các cơ quan báo chí có hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn không giới thiệu hội viên chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo địa phương.
Nhà báo Dương Phước Thu - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác Hội thì đặt ra một bài toán khác, ông chia sẻ: “Với những người trực tiếp hoặc tham gia làm công tác quản lý nhà nước về báo chí, về tổ chức Hội Nhà báo ở địa phương, câu hỏi mở thường xuyên đặt ra là làm sao nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Hiến pháp, cụ thể là thực thi Luật Báo chí 2016 cùng với việc làm tốt 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Và để phù hợp với từng giai đoạn báo chí phát triển ngày một nhanh chóng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí góp phần tăng cường công tác quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trước những bất cập của Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”.
Đặt ra vấn đề này, từ thực tiễn làm công tác Hội Nhà báo, phối hợp tham gia quản lý báo chí, định hướng nhiệm vụ chính trị công tác tuyên truyền qua báo chí nhiều năm qua ở Thừa Thiên Huế, ông Dương Phước Thu cho rằng, để báo chí ngày càng hoạt động tích cực, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới, bên cạnh những thuận lợi nói chung, thực tiễn về hoạt động báo chí vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên có một số vấn đề chưa làm được về công tác phối hợp quản lý báo chí, hoạt động báo chí, về sinh hoạt hội của hội viên, nhà báo của cơ quản chủ quản báo chí cấp bộ, ngành Trung ương và các địa phương…
Tất nhiên, phải thừa nhận rằng có rất nhiều văn bản liên quan đến báo chí được hiện thực hóa nhanh chóng, kịp thời định hướng, ngăn chặn, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong tác nghiệp, đưa tin của báo chí (nhất là loại hình báo điện tử, trên không gian mạng xã hội hiện nay) để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ tốt nhất lợi ích của Nhân dân và của đất nước.
“Điều mong muốn chung là có một cơ chế quản lý tốt về công tác báo chí đòi hỏi ngày càng chặt chẽ mà vẫn phát huy được sức mạnh của thông tin một cách trung thực, khách quan, nhưng trong thực tế điều kiện tác nghiệp và môi trường hoạt động thì chưa đáp ứng được những điều mong muốn ấy ở các địa phương…” – ông Phước Thu chia sẻ.
Ông Thu cũng cho rằng, trên thực tế, các địa phương rất khó quản lý hoặc có làm thì cũng chỉ làm lấy lệ trước sự thờ ơ không hợp tác của một số cơ quan bộ, ngành Trung ương. Vì ở địa phương, người ta tránh va chạm với cơ quan báo chí của các bộ, ngành chứ không phải ngại ngùng gì với người phóng viên hoạt động trên địa bàn. Thêm nữa, đa số lãnh đạo cơ quan báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, các hội đoàn thể Trung ương thường kiêm chức lãnh đạo Chi hội/Liên Chi hội nhà báo nhưng đã không nhiệt tình lắm về công tác hội (hoặc làm chưa nghiêm túc) trong việc chỉ đạo phóng viên thường trú (đủ điều kiện) chuyển về sinh hoạt với địa phương nơi họ công tác.
Do vậy, giải quyết vấn đề khó này, để tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt của các cấp Hội Nhà báo, ông Dương Phước Thu đề nghị: “Cần rà soát, sửa chữa, bổ sung Luật Báo chí 2016 (trước mắt cần thêm mục cơ quan báo chí các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh cử phóng viên thường trú tại các địa phương phải là phóng viên đã được cấp Thẻ nhà báo, Thẻ hội viên nhà báo). Và bắt buộc phóng viên được cử đi thường trú phải sinh hoạt hội tại Hội Nhà báo địa phương nơi họ thường trú. Hằng năm phải có nhận xét của Hội Nhà báo địa phương về công tác hoạt động thường trú tại địa phương gửi về cơ quan báo chí…”.
Nguồn tin: Theo NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024