Đất nước đang tiến bước mạnh mẽ tới những mục tiêu phát triển mới cũng là khi lịch sử đang đặt lên vai Báo chí Cách mạng Việt Nam những sứ mệnh mới. Những sứ mệnh ấy, có thể chưa từng có tiền lệ nhưng 98 năm đồng hành cùng lịch sử đất nước đã cho thấy Báo chí Cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đi lên từ chính vị thế của mình và trở thành nguồn nội lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước, cho dân tộc.
1. Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam - ngay từ những bước đi đầu tiên, đã được định danh là “Báo chí Cách mạng”, với sứ mệnh “phụng sự nhân dân”. Hiếm có nền báo chí nào có một xuất phát điểm gắn chặt với xuất phát điểm của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của một đất nước như thế. Hiếm có một nền báo chí nào ra đời và gắn bó sâu sắc, được vị lãnh tụ vĩ đại, một Danh nhân văn hóa thế giới luôn chăm chút, chỉ đường như thế.
Xuất phát điểm đó của tờ Thanh niên, với mục tiêu truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền lý luận cách mạng, con đường làm cách mạng đến với nhân dân cần lao, chính là nền tảng để báo chí Việt Nam được định danh là nền “Báo chí Cách mạng”.
Suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã gắn bó với báo chí. Từ bài báo đầu tiên của Người (bài “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanité ngày 2/8/1919) cho đến tác phẩm cuối cùng trước khi Người ra đi (bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 1/6/1969), Người vẫn luôn luôn nắm vững và phát huy vai trò chính trị của báo chí. Và, thứ vũ khí này đã theo Người trong suốt cuộc đời cách mạng vĩ đại, suốt cuộc đời hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Từ khởi đầu mang tính nền tảng đó, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam liên tục đồng hành với các cuộc đấu tranh chống xâm lược, thống nhất giang sơn, xây dựng đất nước, tới đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng với bạn bè quốc tế.
Trên thế giới, suốt chiều dài lịch sử, hiếm có vị lãnh tụ nào trực tiếp sáng lập, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết hàng ngàn bài báo bằng nhiều thứ tiếng như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Và, tất cả những tờ báo đó, tất cả hàng ngàn bài báo đó, đều có một nhiệm vụ duy nhất, một sứ mệnh duy nhất, là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, vì nền độc lập của dân tộc, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình.
Người đã nhiều lần nhắc lại, nhấn mạnh sứ mệnh đó của báo chí. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Bác đã chia sẻ với các nhà báo: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một ‘“đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Năm 1962, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác tiếp tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Muốn phục vụ nhân dân, Người căn dặn, người làm báo phải gắn bó với nhân dân. Trong bức thư gửi lớp đào tạo báo chí ở trường Huỳnh Thúc Kháng, Bác chỉ ra rằng, muốn viết báo thì phải đến với nhân dân, nếu “cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.
Với tư cách là một công dân thì nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp, mà còn phải luôn luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước. Đồng thời, nhà báo phải nêu cao trách nhiệm xã hội; phải biết biểu dương cái tốt, cái mới tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu…
2. Trong một lần gặp gỡ báo chí mới đây, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - nhấn mạnh, Báo chí Cách mạng Việt Nam cần nhận lĩnh sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó cũng là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng Việt Nam để từ đó góp phần khơi dậy khát vọng lớn, giấc mơ lớn tạo thành sức mạnh tinh thần. Bởi từ sức mạnh tinh thần sẽ nhân lên được sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào đi lên mà không có sức mạnh tinh thần.
Sứ mệnh đó đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ, báo chí phải đi đầu trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng hình thành và từng bước hoàn chỉnh lý luận sự nghiệp đổi mới của Đảng, lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Việc phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, thông tin số, mạng xã hội, làm cho báo chí phát triển nhanh về quy mô, cơ cấu và loại hình, việc phát tán các quan điểm sai trái, thù địch trở nên rất dễ dàng. Chính bởi vậy, với sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đặt ra yêu cầu cấp thiết với báo chí là chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng là yêu cầu cấp thiết. Báo chí Cách mạng Việt Nam cần tiếp tục phát huy những thành tựu, ưu thế và khắc phục những khó khăn, yếu kém, thách thức để phát triển nền báo chí thực sự là công cụ, vũ khí chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, là phương tiện thiết yếu của xã hội, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vai trò, sứ mệnh mới trong việc định hướng dư luận xã hội của báo chí cách mạng Việt Nam còn đòi hỏi tạo ra sự đồng thuận xã hội. Khi đường lối, chủ trương của lãnh đạo phù hợp với ý chí, tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, nó sẽ trở thành sức mạnh to lớn. Nhờ tạo được đồng thuận xã hội, nhân dân ta trên dưới một lòng, Bắc - Nam một ý chí, vượt qua mọi hy sinh gian khổ để giành độc lập, thống nhất non sông. Và, bài học này vẫn tiếp tục được minh chứng sinh động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; hay như trong những bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như các năm vừa qua.
3. Sự trưởng thành và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Đảng; sự quản lý của Nhà nước; sự đồng hành, tin tưởng của Nhân dân. Đó là nguồn động viên vô cùng to lớn để báo chí phát huy tốt nhất vai trò, chức năng nhiệm vụ cách mạng của mình trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Và cũng đặt lên vai báo chí những trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang để hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhân dân đã tin tưởng và giao phó.
Báo chí đã thực hiện xong phần sắp xếp của Quy hoạch. Phần tiếp theo của Quy hoạch là phát triển báo chí. Và đây mới là phần chính của Qui hoạch. Đó là việc xây dựng các cơ quan báo chí lớn mạnh. Vì có lớn mạnh thì mới chuyên nghiệp, mới định hướng, dẫn dắt được dư luận.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, trong tham luận “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới”, đã nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần dân tộc đó. Ngành TT&TT tạo thành một đôi cánh: Một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần.
Báo chí – truyền thông, ngoài vai trò tạo ra niềm tin, khát vọng, khơi dậy tinh thần nội lực dân tộc, góp phần nên sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia thì tự thân cũng là một đối tượng phải tiến hành quá trình chuyển đổi số của chính mình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng và chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể của báo chí: “Nếu vẫn tiếp tục là đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào, thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm. Nhưng nếu báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao, thì báo chí đã nhận về mình một sứ mệnh mới. Bất kỳ quốc gia nào đã hóa rồng hóa hổ đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn... Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước”.
Vòng xoáy công nghệ có lẽ chẳng bao giờ có điểm dừng. Báo chí bây giờ và trong tương lai vẫn sẽ từng ngày đối mặt với áp lực buộc mình đổi mới. Nhưng dù có ở nền tảng công nghệ nào, dù kỹ thuật làm báo có phát triển đến đâu, thì có những giá trị cốt lõi của báo chí cũng không thể mất và không được phép mất.
Những người làm báo cần nhận thức thấu đáo vấn đề này để bảo đảm những thông tin mình đưa ra đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn công chúng ở những điều nhân văn, tốt đẹp ấy. Thông tin báo chí đưa ra chính xác, kịp thời, bổ ích bao nhiêu sẽ mang lại sự hài lòng cho công chúng bấy nhiêu. Hay nói cách khác, chỉ số hài lòng của công chúng dành cho báo chí càng cao, thì chứng tỏ bản lĩnh chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo càng lớn. Một khi nhà báo bền bỉ, thành tâm nuôi dưỡng niềm tin, ngày ngày tháng tháng - thông qua những tác phẩm báo chí tốt đẹp của mình - để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho báo chí hoạt động.
Kỷ nguyên số cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Kỷ nguyên số cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều không gian.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024