Nhiều thủ đoạn giả mạo tinh vi
Một trong những chiêu thức, thủ đoạn phổ biến được các đối tượng sử dụng là lập một website có tên miền, giao diện na ná các cơ quan báo chí, sử dụng logo, font màu sắc giống y như một cơ quan báo chí. Như gần đây, đã có đối tượng sao chép giao diện, cấu trúc thư mục và nội dung bài viết của Báo điện tử VTC News, đăng tải trên các website với tên miền gần giống như: vtc.net. vtc.com…. Toàn bộ giao diện này nếu không có nghiệp vụ thì khó có thể phân biệt đâu là trang điện tử thật, đâu là trang giả.
Điều đáng nói là nguy cơ cài cắm thông tin xấu độc, thông tin lừa đảo vào các bài viết hình ảnh ăn cắp từ báo chính thống sẽ gây hậu quả lớn hơn. Khi người dân thấy logo của báo, đưa thông tin hình ảnh, người dân tin vào thông tin đó dẫn đến bị lừa gạt. Bên cạnh việc lấy thông tin, hình ảnh của báo, một số đối tượng còn kiếm tiền quảng cáo từ các nội dung hay hoặc chèn đường link giới thiệu sản phẩm dịch vụ.
Cũng với hành vi giả mạo, từ đầu năm 2023 đến nay liên tục xuất hiện nhiều fanpage giả mạo các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Báo điện tử VTV News đã phải thường xuyên phát đi thông tin cảnh báo của mình về việc giả mạo VTV News tổ chức các sự kiện. Trong đó các đối tượng sử dụng toàn bộ giao diện của Báo điện tử VTV News để kêu gọi tham gia khóa học, chương trình ngoại khóa cho trẻ em trong thời gian nghỉ hè.
Giữa tháng 8 vừa qua, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) cũng đã nhận và xử lý phản ánh của Báo điện tử VTV News về việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh giả mạo Báo điện tử VTV News để đưa tin xuyên tạc lãnh đạo Đảng và nhà nước. Các thông tin được đăng tải có nội cắt ghép và mạo danh Báo điện tử VTV News để, giật tít, đưa tin, đăng ảnh cắt ghép không đúng sự thật.
Chiêu thức tinh vi của các trang thông tin điện tử giả mạo đó là vẫn giữ nguyên toàn bộ nội dung bài viết của các cơ quan báo chí chính thống nhưng sẽ cài một số bài viết theo ý đồ của chúng vào các trang này... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Không chỉ ở các cơ quan báo chí trung ương, các cơ quan báo chí địa phương cũng bị làm giả. Cuối tháng 8 năm 2023, trên Facebook xuất hiện một trang fanpage có tên “BaoNam Định.online”. Trang này hiện có gần 186 lượt thích, gần 200 người theo dõi. Fanpage này cung cấp thông tin liên hệ là “baonamdinh18.com.vn@gmail.com. Những thông tin giới thiệu khác về trang này đều bị ẩn. Việc sử dụng tên “BaoNam Định.online” của trang này đã gây nhầm lẫn cho không ít người dân vì tưởng rằng đây là fanpage của Báo Nam Định.
Ngoài ra, fanpage này đã đăng tải một số thông tin từ Báo Nam Định nhưng không xin phép, không dẫn nguồn. Một số thông tin về Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, về đầu tư, xây dựng được Báo Nam Định đăng nhưng cũng bị fanpage này sao chép, đăng tải một cách không đầy đủ. Rất nhiều hình ảnh của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh được đăng tải, cắt ghép cùng với thông tin quảng cáo các dự án nhà ở, khu du lịch, thông tin về các công trình xây dựng.
Nâng cao khả năng tự bảo vệ mình
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhằm ngăn chặn tình trạng người dùng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu, độc, không chính xác gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, lối sống, hành vi của một bộ phận người dân. Được biết trong năm 2021 và 2022 Trung tâm Internet Viet Nam (VNNIC) đã thu hồi gần 500 tên miền liên quan đến các vi phạm về giả mạo các thương hiệu lớn, các cơ quan báo chí.
Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, xong việc giả mạo các cơ quan báo chí vẫn liên tục xảy ra, chưa thể ngăn chặn hoàn toàn. Khi công nghệ phát triển, mọi đối tượng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào đều có thể làm giả một nền tảng, một sản phẩm của cơ quan báo chí chỉ trong vài thao tác. Trên các nền tảng mạng xã hội cũng có đủ mọi chiêu thức giả mạo cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí càng lớn, càng có nhiều sự quan tâm thì việc bị làm giả càng nhiều.
Có nhiều thủ đoạn khác nhau, nhưng điểm chung của các vụ việc này là các đối tượng thường xóa đi, ẩn đi các trang web hay trang fanpage mạo danh sau khi hoàn thành hành vi lừa đảo. Nhiều cơ quan báo chí sau khi phát hiện những trang giả mạo, sẽ tiến hành bước giải trình cơ quan chức năng, nhờ các cơ quan chức năng áp dụng giải pháp kỹ thuật, tiếp đó là vào cuộc, xác minh nguồn gốc, tổ chức, các đối tượng làm giả. Tuy nhiên việc tiếp nhận và xử lý này sẽ cần nhiều thời gian xác minh làm rõ, khi đó tổn thất với các cơ quan báo chí đã xảy ra.
Với tính chất và thủ đoạn tinh vi của các trang thông tin giả mạo nếu không được ngăn chặn kịp thời nhiều người dân sẽ phải tiếp nhận những thông tin xấu độc, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan báo chí chính thống. Việc xuất hiện các website, fanpage giả mạo hoạt động trong thời gian dài sẽ mất niềm tin của độc giả.
Nhà báo Trần Vân Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nam Định cho rằng, thực trạng đáng lo ngại hiện nay là việc “tự do” vi phạm bản quyền, lấy các sản phẩm của báo chính thống chế biến thành sản phẩm của mình nhằm tăng sức thuyết phục về tính chính danh của trang. Các trang giả mạo này còn kết hợp với các tin tức “độc, lạ, shock” gây sốc, gây tính tò mò. Các trang như vậy lại có một đội ngũ nhân viên kỹ thuật rất giỏi công nghệ để làm nổi bật thông tin, đây chính là điểm hạn chế của cơ quan báo Đảng địa phương.
Trong thời gian qua, báo Nam Định đã liên tục cập nhật nhiều tin tức quan trọng, có chất lượng, cố gắng đưa nhanh nhất, hàm lượng thông tin cao nhất, song rất nhanh sau khi vừa xuất bản, các trang tin cá nhân đã lấy về, không hề dẫn nguồn và sử dụng công nghệ để làm nổi bật và thu hút người đọc nhanh chóng.
Nhà báo Trần Vân Anh chia sẻ: “Để thu hút và tăng lượng bạn đọc và giữ chân bạn đọc, báo Đảng địa phương trước hết phải rất nỗ lực đổi mới nội dung, cách thức đưa tin, nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí. Tăng cường đào tạo đội ngũ phóng viên, cập nhật kỹ năng, công nghệ làm báo hiện đại, hỗ trợ trang bị các thiết bị chất lượng đáp ứng yêu cầu tác nghiệp nhanh, hiệu quả, đa năng. Ứng dụng các công nghệ cũng như các biện pháp nghiệp vụ để chống "đánh cắp" thông tin”.
Có thể nói thủ đoạn giả mạo các cơ quan báo chí, truyền hình đã kéo dài trong thời gian qua, với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi cơ quan báo chí cần nêu cao tinh thần cảnh giác, biết tự bảo vệ mình, nâng cao tính bảo mật thông tin. Các cơ quan báo chí cần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, kịp thời tố giác và cảnh báo đến công chúng sự tồn tại của những các trang tin giả mạo cơ quan báo chí.
Ngoài nâng cao tính bảo mật, các cơ quan báo chí chính thống cũng cần thúc đẩy chất lượng thông tin, để thông tin được nhân rộng, người dân truy cập trực tiếp vào các trang chính thống để đọc nhiều hơn thay vì qua các nền tảng khác, đường link lạ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin của chính cơ quan mình trên các nền tảng mạng xã hội để áp đảo những trang tin giả mạo ngay trên chính các nền tảng đó.
Nguồn tin: congluan.vn::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024