Mạng xã hội bị lợi dụng và nỗi ám ảnh thứ tư
“Hậu sự thật”, nói một cách dễ hiểu, đó là những thông tin giả, thông tin không được chọn lọc, thiếu khách quan, không phản ánh đúng bản chất vấn đề và đúng như những gì mà nó diễn ra, tác động vào tâm lý tò mò, dễ bị lôi cuốn của người đọc, người xem, người sử dụng internet và mạng xã hội.
Chẳng hạn, việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit), khi đó, rộ lên thông tin mỗi một tuần nước Anh phải trả cho EU 350 triệu Bảng. Điều này đã dẫn đến phong trào đề nghị nước Anh rời khỏi EU và nó đã diễn ra. Sau đó người ta chứng minh rằng, con số trên điều không có thật.
Ông D. Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng vậy, chủ yếu do đội ngũ vận động tranh cử của ông hiểu được tâm lý đám đông và đưa ra một chương trình tranh cử đánh vào cảm xúc và tâm lý của họ, chứ không phải là chiến thắng của hệ giá trị mang tính chất cốt lõi mà một chính trị gia cổ điển thường đưa ra.
Ở Việt Nam, trên Internet và mạng xã hội đang tồn tại vô vàn những thông tin giả, không đúng sự thật, những lời nói dối có chủ đích, hay quảng cáo sai sự thật. Chẳng hạn, vụ việc nước mắm được cho là chứa chất asen năm 2016, có tới 44.000 bài viết thông tin sai sự thật. Dù sau đó, nhiều cơ quan báo chí bị xử phạt nhưng hậu quả để lại cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống rất nặng nề. Và quan trọng hơn, niềm tin người tiêu dùng Việt với sản phẩm Việt đã bị cướp đi.
Gần đây, nhiều thông tin không chính xác hoặc bịa đặt về dịch bệnh Covid-19, làm nhiễu loạn, gây hoang mang dư luận. Chẳng hạn, một số trang mạng xã hội cho rằng “Covid-19 phát tán qua mạng 5G”, “Sử dụng đồ uống có cồn giúp phòng chống lây nhiễm Covid-19”, “Ăn tỏi để không bị nhiễm Covid-19”… Các thế lực thù địch, phản động phát tán nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch.
Có những quảng cáo trên Internet và mạng xã hội cũng mang tính chất “hậu sự thật” dưới nhiều hình thức khác nhau như: quảng cáo khi chưa có sự thẩm định của cơ quan chức năng; quảng cáo không đúng với nội dung đã thẩm định; dùng những người có uy tín để quảng cáo quá công dụng của sản phẩm; “quảng cáo một đường, bán hàng một nẻo” khiến cho nhiều người tiêu dùng khốn đốn, mua phải sản phẩm kém chất lượng, khi biết thì “sự đã rồi”, “tiền mất tật mang”.
Với quy mô lan truyền thông tin nhanh chóng như hiện nay, thì những hậu quả mà “hậu sự thật” tạo ra là vô cùng lớn, làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây tâm lý hoang mang, bất an cho xã hội và sói mòn niềm tin. Không ít người lạc vào “mê hồn trận” không phân biệt được thật/giả. Mức độ nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch đưa những thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
“Dọn rác” trên không gian mạng
Để hạn chế tác động tiêu cực của thông tin giả, thông tin sai sự thật, trước hết, cần tăng cường phổ biến Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 09/2014/BTTTT của Bộ TT&TT về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, cần làm rõ những trường hợp bị xử lý khi đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng internet và mạng xã hội, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa thông tin giả mạo. Tìm phương thức buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các thông tin đăng tải. Phối hợp xử lý, gỡ bỏ những thông tin sai sự thật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong phòng, chống thông tin giả, thông tin sai sự thật. Thông tin báo chí phải trung thực, khách quan và có tính định hướng, xây dựng cao, góp phần thay đổi nhận thức, quan niệm, thái độ và hành vi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần xác định liều lượng và cách tiếp cận cụ thể khi đưa tin, tránh gây tâm lý hoang mang, hoảng sợ, mất lòng tin vào con người, vào cuộc sống. Nhà báo cũng cần cảnh giác cao độ để không bị dẫn dắt vào những thông tin giả, nhất là trong khi “hậu sự thật” bùng nổ.
Mỗi người cần tích cực nghiên cứu, biết cách nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, làm chủ cảm xúc và tạo cho mình khả năng tự “miễn dịch”. Khi tham gia mạng xã hội, người dùng cần lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bình luận, những thông tin chia sẻ. Đồng thời, tích cực hạn chế sự truyền lan hoặc phản bác những thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Mỗi chúng ta hãy là người tiếp nhận thông tin thông thái, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn làn sóng “hậu sự thật” góp phần “dọn rác” trên không gian mạng./.