Thu phí báo điện tử

Thứ hai - 13/07/2020 10:21   Đã xem: 810   Phản hồi: 0

Vấn đề nan giải nhất không phải là nội dung mà là phương thức thanh toán

Câu chuyện thu phí báo điện tử bất ngờ được quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam gặp khó khăn về nguồn thu quảng cáo – mức sụt giảm trung bình lên tới 70% như phát biểu của một lãnh đạo cơ quan quản lý tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Thông tin-Truyền thông vào ngày 6/7 vừa qua.

Trong rất nhiều bài viết kể từ năm 2012 đến nay, tôi đã phân tích khá nhiều về xu hướng đặt trọng tâm vào nguồn thu từ độc giả, và cần khẳng định rằng thu phí báo điện tử chỉ là một phần trong nguồn thu từ độc giả mà thôi. Đây cũng không phải phao cứu sinh cho tất cả các tờ báo, bởi không có gì đảm bảo thành công 100% và một vài mô hình hiệu quả không có nghĩa là nó sẽ hiệu quả với những tờ báo khác.

Nhưng trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo cho báo in giảm sút, còn quảng cáo trên báo điện tử không bù đắp được phần mất đi, ngay cả khi lượng truy cập tăng lên như trong thời gian xảy ra đại dịch hiện nay, thì việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí báo điện tử, là điều cần được các cơ quan báo chí tính đến.

Việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí báo điện tử, là điều cần được các cơ quan báo chí tính đến.

Nhiều năm qua, người dùng phản đối thu phí báo điện tử đã đành, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như các phóng viên cũng hoài nghi với cách làm này. Thực ra, trên thế giới cũng vậy mà thôi: ban đầu, hầu như các cơ quan báo chí đều cho độc giả Internet đọc tin miễn phí để thu hút lượng truy cập và tập trung vào mô hình quảng cáo digital với kỳ vọng sẽ tăng được nguồn thu nhanh chóng. Cũng có mối lo ngại rằng việc thu phí sẽ khiến độc giả chạy sang website tin tức của các đối thủ, mất tiền quảng cáo là chắc chắn trong khi doanh thu từ phí thuê bao dài hạn thì chưa thấy đâu.

Cũng có những cơ quan báo chí dựng tường thu phí rồi lại hạ xuống, và có những trang web khẳng định chiến lược không thu phí nhưng rốt cục lại thay đổi 180 độ. Có những tờ báo thu hút được hàng triệu người trả phí, và có những ấn phẩm khác ì ạch không kiếm nổi vài ngàn thuê bao cho phiên bản digital.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: American Press Institute)

Nhưng thu phí báo điện tử chắc chắn là xu hướng trên thị trường báo chí thế giới. Trong báo cáo đầu tiên của Mạng lưới truyền thông toàn cầu (FIPP) về tình hình thu phí digital đăng tải vào tháng 6/2018, có gần 10 triệu người trả phí để đọc tin trên báo điện tử và trong số Top 10 có New York Times, Wall Street Journal, Washington Post (Mỹ), Bild (Đức), Financial Times, Economist và Times of London (Anh) và Aftonbladet (Thụy Điển). Đến tháng 11/2019, bản cập nhật của FIPP cho thấy con số này đã tăng gấp đôi lên hơn 20 triệu thuê bao. Báo cáo nêu bật thành công của trang De Correspondent (Hà Lan) khi đạt mức tăng 75% nhờ ra thêm phiên bản tiếng Anh, và còn ngoạn mục hơn là trang The Athletic với mức tăng 600%.

Trong khi đó, theo báo cáo thường niên “Các xu hướng và dự báo về Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2020” của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), hơn một nửa (52%) lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định thu phí báo điện tử sẽ là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới. Một nghiên cứu khác của Digiday cũng cho kết quả tương tự. Chỉ có 14% cho rằng nguồn thu quảng cáo sẽ hoặc nên là trọng tâm trong năm tiếp theo.

Tất nhiên, không phải muốn thu phí là có thể thu được. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ thực tế trên thế giới cũng như cần khảo sát tình hình tại Việt Nam. Các nghiên cứu về tình hình thu phí báo điện tử trên thế giới thì có khá nhiều, và mỗi nước lại có một bức tranh khác nhau bên cạnh những điểm tương đồng.

Bản báo cáo “Digital News Report 2020” của RISJ vừa công bố trong tháng 6 vừa qua, khảo sát tại 40 quốc gia, là một trong những nghiên cứu mới nhất và sâu nhất về vấn đề này. Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào những tổng kết trên thế giới trong báo cáo kể trên:

Phương thức phổ biến là trả tiền cho 1 nguồn nội dung
Có nhiều hình thức tiếp cận nội dung và trả phí cho báo điện tử nhưng phổ biến nhất là: 1/ đăng ký dài hạn để đọc tin từ một cơ quan báo chí duy nhất, 2/ đăng ký dài hạn cả phiên bản in và digital của một tờ báo, và 3/ đăng ký dài hạn để đọc nhiều báo được tập hợp về một chỗ (ví dụ các app tổng hợp tin).

Theo khảo sát ở nhiều quốc gia, phương thức đăng ký trả phí một nguồn duy nhất là hình thức phổ biến nhất. Kiểu đăng ký cả phiên bản in và digital cũng khá thành công ở Na Uy với tỷ lệ 20% người đọc báo điện tử đang trả phí online. Các công cụ tổng hợp tin có thu phí cũng khá phổ biến ở Mỹ, chủ yếu nhờ ứng dụng Apple News+, nhưng hiện tại không được ưa chuộng bằng kiểu trả phí cho một nguồn báo.

Kẻ thắng giành hầu hết chiến lợi phẩm
Theo khảo sát ở nhiều quốc gia, độc giả thường trả tiền cho một trong một nhóm nhỏ các thương hiệu báo chí nổi tiếng. Chẳng hạn ở Mỹ, hơn một nửa số người trả phí đọc báo điện tử là những người đăng ký dài hạn tờ New York Times hoặc Washington Post, còn ở Anh là tờ The Times hoặc Telegraph. Na Uy thì lại khác: nhiều người sẵn sàng trả tiền cho các tờ báo địa phương và khu vực, trong khi những tờ quốc gia như VG và Aftenposten cũng được ưa chuộng. Nói chung, đa phần người dùng trả tiền cho một nguồn tin, nên tạo ra một thị trường được gọi là “người chiến thắng giành hầu hết chiến lợi phẩm,” nhưng cũng có một nhóm nhỏ thuê bao hơn một nguồn – thường là một báo địa phương và một báo quốc gia.

 
Ở Mỹ, hơn một nửa số người trả phí đọc báo điện tử là những người đăng ký dài hạn tờ New York Times hoặc Washington Post. (Nguồn: Getty Images)

Động lực cho việc trả phí
Lý do để đăng ký trả phí đọc báo điện tử khá là đa dạng. Ở Mỹ và Na Uy, rất nhiều cơ quan báo chí dựng tường thu phí (paywall), và khi người đọc cứ bị yêu cầu trả tiền như thế thì có lẽ làm tăng cái cảm giác là thông tin thuộc loại hiếm và đáng được trả tiền. Ngược lại, ở Anh chỉ có một số ít tờ báo thu phí.

Ngoài những lý do kể trên, người dùng thường cân nhắc những lợi ích cá nhân, chẳng hạn như nội dung có độc đáo không, sự tiện lợi, và giá trị, và cả những lợi ích cho xã hội – ví như đó là tờ báo độc lập và có sức mạnh, có khả năng buộc các chính trị gia phải chịu trách nhiệm.

Nói chung, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt và chất lượng của nội dung. Người dùng hiện nay tin rằng khi trả tiền thì họ sẽ thu được thông tin tốt hơn so với các nguồn miễn phí. Hơn một phần ba số người được hỏi cho biết việc họ thích một nhà báo cụ thể chính là lý do để trả phí.

Tại Mỹ, có nhiều người sẵn sàng trả phí đọc báo để có thể vươn lên trong công việc (13% so với 3% ở Anh), vì thế nhiều người đăng ký dài hạn để đọc những tờ như Wall Street Journal. Bản chất cạnh tranh của thị trường Mỹ, cùng với việc nhiều tờ báo thu phí, cũng khiến nhiều người thu phí ý thức hơn về giá trị, theo đó 1/3 cho rằng “giá hời” là lý do để đăng ký đọc dài hạn và trả phí.

 
(Nguồn: iStock)

Một điểm thú vị khác là quan niệm về giá trị đến từ những thứ bổ sung, ví dụ các công thức nấu ăn hoặc trò chơi đố chữ, thường đi kèm với tin tức. Tờ Times of London cũng thường có các cuộc thi hoặc khuyến mại cho các sự kiện nghệ thuật. Những lợi ích bổ sung này rõ ràng rất hiệu quả trong việc giữ chân độc giả trả phí vì khiến họ tạo ra thói quen và không bị báo khác bắt chước.

Đối với người Na Uy thì yếu tố độc đáo của nội dung còn quan trọng hơn sự tiện dụng. Nhưng điều ngạc nhiên là “ủng hộ báo chí tử tế” không được nhiều người chọn là lý do trả phí (21%) – có thể là vì báo chí chính thống ở Na Uy không bị coi là phân cực.

Hầu hết người dùng sẽ tiếp tục trả phí

Khoảng 80–90% những người đang bỏ tiền túi mua tin cho rằng họ sẽ tiếp tục trả phí vào năm tiếp theo. Ngoài ra, khoảng một nửa trong số những người đang được truy cập thông tin miễn phí nói rằng có thể họ sẽ bắt đầu trả tiền nếu hết hạn đọc miễn phí. Đây là một con số đáng khích lệ, và thậm chí đáng mừng hơn nếu nó là tỷ lệ duy trì lâu dài so với những người đăng ký sử dụng các dịch vụ streaming video và audio như Netflix và Spotify.

Cần lưu ý  rằng những dữ liệu này được thu thập trước khi xảy ra đại dịch khiến nhiều người gặp khó khăn về tài chính. Đương nhiên, nhiều người không trả phí mãi mãi và khái niệm “người đăng ký mới” chỉ mang tính tương đối. Cũng cần nhắc rằng tỷ lệ hủy đăng ký có thể cao, vì nhiều người ngừng thời gian thử miễn phí trước cả khi họ phải trả tiền, hoặc đơn giản là hủy đăng ký để chi tiền vào việc  khác.

Các cơ quan báo chí thu hút người trả phí mới như thế nào?
Do nguồn thu quảng cáo digital khá bấp bênh nên nhiều cơ quan báo chí sẽ phải tìm cách tăng số lượng người trả phí mới. Tuy nhiên, ở 3 quốc gia mà Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters khảo sát, các cơ quan báo chí có những chiến lược khác nhau.

Trước hết, có thể thấy một tỷ lệ khá lớn (40% ở Mỹ và 50% ở Anh) nói rằng không gì có thể thuyết phục họ móc hầu bao. Nhiều người trong số này rất ít quan tâm tới tin tức, hoặc là hài lòng với các nguồn tin miễn phí đang có. Nhưng tại Na Uy, nơi mọi người rất quan tâm đến tin tức và không có nhiều nguồn miễn phí, chỉ có 19% nói rằng họ không bao giờ bỏ tiền mua thông tin.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)

Giá cả và sự tiện dụng là những yếu tố khá quan trọng để tạo ra sự khác biệt. Tại Na Uy, một phần ba (30%) cho biết có thể họ sẽ trả phí nếu giá rẻ hơn và 17% nói họ sẽ làm vậy nếu có thể một lần thanh toán mà đọc được nhiều báo. Những người khác thì quan tâm đến các gói ưu đãi cho gia đình, tương tự như những gói của Netflix hay Spotify. Các cơ quan báo chí ngày càng đưa ra nhiều mức giá khác nhau để thu hút cả những người không thể chi trả gói đầy đủ (ví dụ như những độc giả ở nước ngoài hoặc sinh viên). Trả tiền để khỏi phải xem những quảng cáo gây khó chịu cũng là một cách thu hút của các cơ quan báo chí vì cứ 7 người thì có khoảng 1 người ở 3 quốc gia được khảo sát cho hay điều đó có thể lôi kéo họ trả phí.

Sau này, các cơ quan báo chí cần phải xem xét mọi yếu tố liên quan đến mức giá cũng như trải nghiệm của người dùng. Người dùng luôn có xu hướng so sánh gói đăng ký của báo này với báo khác, và cách bán tin hiện nay chưa thực sự đáp ứng yêu cầu truy cập dễ dàng, linh hoạt và thông suốt với nhiều nguồn tin như nhiều người mong muốn.

Nói chung, cách làm phổ biến của các cơ quan báo chí là tạo ra sự hạn chế và những rào cản, thôi thúc độc giả trả tiền để biết phía bên kia bức tường có điều gì hay ho. Nỗi sợ bị bỏ lỡ thông tin quan trọng là một rào cản rất hiệu quả.

Cần lưu ý rằng các trang/ứng dụng thông tin tổng hợp thu phí kiểu “one-stop-shop” (một địa điểm đọc được tin từ nhiều nguồn) không được ưa chuộng cho lắm – có thể là do chúng không giới thiệu được những nội dung hay nhất.

Người dùng ngại đăng ký trên các trang tin
Một số trang tin đề nghị người dùng đăng ký để được truy cập miễn phí một số lượng nhỏ bài viết. Các cơ quan báo chí coi đây là một sự trao đổi công bằng, nhưng công chúng thì nghĩ khác. Tại cả 3 quốc gia tiến hành khảo sát, chưa đến một nửa những người được hỏi ý kiến coi điều này là hợp lý, nhưng nói chung mọi người cũng không phản đối. Khoảng 20-25% tỏ ý không thích, có thể vì họ không rõ tại sao các cơ quan báo chí cứ bắt họ đăng ký thông tin và sẽ sử dụng những thông tin người dùng thu thập được ra sao.

Chỉ một số ít cố né tường thu phí
Khoảng 13% đến 22% người dùng ở 3 quốc gia cho biết họ đăng ký để truy cập nội dung tin tức trong năm ngoái. Một số người sử dụng các thủ thuật để né tường thu phí – ví dụ như thiết lập lại cookies, thay đổi cài đặt trên trình duyệt, hoặc thậm chí tải những phần mềm chuyên dụng. Nhưng chỉ có 30% người dùng nói họ làm điều này, vì muốn làm được thì đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, và nhiều người không biết là có thể làm được. Một số khác nói rằng họ hài lòng với số lượng bài đọc miễn phí rồi.

Người dùng có quan điểm khác nhau về việc né tường thu phí. Một số ít cho rằng điều này chẳng có gì sai, những người khác khá dè dặt với việc nội dung báo chí quan trọng vì lợi ích của công chúng mà lại chỉ dành cho những người có khả năng sẵn sàng trả tiền. Đương nhiên, có những người nhất trí với chuyện trả tiền để đọc nội dung chất lượng cao.

Những dữ liệu trong bản báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters được thu thập trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Dường như đại dịch càng làm tăng sức ép buộc nhiều cơ quan báo chí phải tìm cách kiếm tiền từ phiên bản  digital.

Câu chuyện thu phí báo điện tử tại Việt Nam
Trở lại câu chuyện tại Việt Nam. Lập luận phổ biến nhất của những người phản đối thu phí báo điện tử là “nội dung miễn phí có đầy trên Internet” rồi “thông tin như trên báo điện tử hiện nay thì làm gì có ai mua” hoặc “đừng mang chuyện của Tây mà nói ở ta.”

Lập luận này không có gì sai nhưng nguyên nhân của việc hầu hết các cơ quan báo chí không quan tâm đến mô hình thu phí là vì ai cũng phản đối ngay khi nhắc tới từ “trả tiền” mà chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Người dùng đương nhiên chẳng bao giờ muốn mất tiền, dù ít, nhưng các cơ quan báo chí lâm vào tình trạng sụt giảm doanh thu quảng cáo thì không thể không nghiên cứu những mô hình tạo doanh thu khác, trong đó có mô hình thu phí báo điện tử. Và thay vì tuyên bố không thể thu phí được, hãy tìm hiểu những yếu tố căn bản của thị trường, hiểu được những khó khăn cũng như thuận lợi bất ngờ.

Trước hết phải chọn phương thức phù hợp với thị trường và văn hóa địa phương. Trên thế giới chỉ có vài cơ quan báo chí thành công với kiểu dựng tường thu phí “cứng” (hard paywall), nghĩa là phải trả phí mới đọc được nội dung, kiểu như Wall Street Journal hay Financial Times.

 
(Nguồn: WSJ)

Ngay cả kiểu “metered paywall” – cho đọc một số bài nhất định rồi mới đòi trả phí như New York Times thì trước mắt báo chí Việt Nam cũng khó mà học theo. Mô hình khả thi nhất chính là “freemium” – chỉ thu phí một phần nội dung chất lượng cao, kiểu như báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam đang triển khai. Số lượng bài thu phí chỉ chỉ chiếm 5% tổng số tin bài mỗi ngày, chủ yếu là những nội dung phân tích chuyên sâu và không ảnh hưởng gì đến nhiệm vụ phổ cập thông tin và kiến thức thiết yếu cho công chúng.

Lưu ý rằng khi xảy ra những sự kiện đặc biệt quan trọng – ví dụ như đại dịch Covid-19 hoặc những vụ động đất, hỏa hoạn, khủng bố… – nhiều cơ quan báo chí thường không thu phí đối với loại nội dung này, vừa vì trách nhiệm với xã hội, vừa thu hút được thêm lượng truy cập, từ đó có thể lôi kéo người dùng đăng ký và cố gắng chuyển đổi họ thành những người dùng trả phí.

Thứ hai là yếu tố thuận mua vừa bán như một quy tắc hiển nhiên của kinh tế thị trường. Không ai có thể ép người dùng trả phí nếu họ không thấy những thông tin đó có giá trị đối với bản thân họ. Thậm chí nếu độc giả bỏ tiền mua nội dung mà không thấy thỏa đáng thì hậu quả còn trầm trọng hơn, giống như khi họ mua phải hàng kém chất lượng vậy. Họ không những xa lánh nguồn tin đó sau này mà còn tác động đến tâm lý của những người xung quanh. Cũng cần nhấn mạnh rằng độc giả không trả phí vẫn có thể tiếp cận nhiều thông tin trên một website tin tức.

Phân tích hành vi và thói quen của người dùng cũng sẽ rút ra nhiều điều thú vị. Chẳng hạn không nhiều người Việt Nam đồng ý trả phí trọn gói 1 tháng hoặc 3 tháng để đọc số lượng khoảng 150-200 bài mỗi tháng, nhưng sẵn sàng trả tiền đọc riêng lẻ từng bài báo mà chỉ 5-6 bài như vậy là bằng tiền đọc cả tháng.

Độc giả thuê bao dài hạn mới là độc giả trung thành, và thu hút độc giả mới đã khó, giữ chân họ còn khó hơn 

Tuy nhiên, độc giả thuê bao dài hạn mới là độc giả trung thành, và thu hút độc giả mới đã khó, giữ chân họ còn khó hơn. Phải chấp nhận một tỷ lệ người trả phí sẽ tháo lui, kiểu như người dùng sau vài lần ghé cửa hàng mới mở với nhiều thứ hay ho thì không quay lại nữa, vì một lý do nào đó.

Vào giữa năm 2019, tờ Los Angeles Times thông báo có thêm 52.000 thuê bao digital mới trong nửa đầu năm, nhưng số người trả tiền dài hạn rốt cục chỉ là 13.000 mà thôi, số còn lại đã ngừng trả tiền sau một thời gian.

Vấn đề thứ ba là nội dung. Tin tức thì chắc chắn không bán được rồi, và kiểu tin “đồng phục” lấy theo thông cáo báo chí của đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc của doanh nghiệp thì lại càng không có người đọc chứ đừng nghĩ sẽ có người mua. Một số báo tuyên bố rằng họ sẽ bán nội dung chuyên sâu, nhưng khi bị hỏi lại rằng cụ thể nội dung đó trên báo của họ là gì thì không thể chỉ ra được.

Về lý thuyết, nội dung chính là một loại hàng hóa, và món hàng đó phải đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của một phân khúc người dùng nhất định. Tại sao thị trường xe hơi lâu nay bị chi phối bởi những tên tuổi lớn với rất nhiều mẫu mã mà vẫn có những công ty mới, sản phẩm mới ra đời và thậm chí còn lớn mạnh nhanh chóng như Tesla. Tại sao nhiều gia đình quen ăn một loại gạo mà vẫn mua một loại gạo mới? Tại sao trong khi nhiều tờ báo đóng cửa thì vẫn có những tờ báo mới ra đời? Cuốn “Đổi mới sáng tạo trong báo chí – Báo cáo toàn cầu 2020-2021” của FIPP do TTXVN mua bản quyền xuất bản tiếng Việt, “mách nước” rằng những sản phẩm chuyên biệt hoặc đi theo thị trường ngách có lợi thế nhất để cưỡi lên ngọn thủy triều của xu hướng thu phí báo điện tử. Rốt cục, mỗi tờ báo phải tự hỏi xem mình có nội dung gì khác biệt và có đủ hấp dẫn để độc giả trả tiền hay không. Cần phải có khảo sát nghiêm túc, và cả những thử nghiệm để thăm dò nhu cầu, chứ không thể đưa ra một quyết định cảm tính.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ quá trình thử nghiệm thu phí của VietnamPlus từ năm 2012 và chính thức trở thành báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam thu phí kể từ tháng 6/2018 cho thấy độc giả người Việt không đòi hỏi quá cao về tính độc đáo hay độc quyền của nội dung. Logic chung là những kiểu bài phân tích, bình luận về kinh tế-tài chính mới thu hút người trả tiền, song thực tế là những nội dung giải trí, thể thao cũng có thể khiến người đọc nhấn nút thanh toán.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Adobestock)

Thứ tư là chiến lược marketing. Thời buổi này làm gì có chuyện “hữu xạ tự nhiên hương.” Trong một rừng các kênh thông tin hay dở đủ loại, để một nội dung tin tức được chú ý đã không đơn giản, chưa nói tới việc người dùng còn bỏ tiền ra mua nội dung đó. The Economist đã chi hơn 65 triệu USD cho hoạt động marketing trong năm 2018 để đạt mức tăng trưởng thuê bao là 18% (tuy nhiên, sau khi trừ đi số người dùng ngừng dịch vụ trong năm thì con số thực tế chỉ là 36.000). Năm 2019, ngân sách marketing của The Economist được bổ sung gần 7 triệu USD nhưng con số thuê bao tăng thêm chỉ vỏn vẹn 13.000, thấp hơn kỳ vọng. Marketing không đảm bảo chắc chắn sẽ biến người dùng bình thường thành người dùng trả tiền, và thành công không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với chi phí bỏ ra, nhưng chắc chắn phải “quạt” mạnh thì hương thơm mới lan tỏa.

Tại Việt Nam, các nhà cung cấp nội dung (CP) trên mạng viễn thông đã quá thạo các chiêu thức marketing như vậy, và mỗi đồng doanh thu đều phải bao gồm một phần chi phí cho hoạt động tiếp thị, quảng bá nhắm trực tiếp vào người dùng. Báo chí muốn bán được sản phẩm của mình thì không thể không tính đến chiến lược marketing phù hợp, cả online và offline.

Một trong những lỗi thường gặp của paywall là không đủ số người dùng nhìn thấy nó. Các chiến lược paywall thành công nhất trong ngành báo chí đều nhắm tới tỷ lệ 5-10% bạn đọc mỗi tháng, vì đó là những độc giả tương tác nhiều nhất và nhiều khả năng trở thành người dùng trả phí nhất. Gần đây chúng ta thấy ngày càng nhiều cơ quan báo chí thêm một bước mới vào hành trình thu phí: trang đăng ký. Một lý do là để hiểu độc giả hơn và thu thập hồ sơ người dùng chi tiết hơn. Khi đã thấu hiểu hành vi của người đọc, các báo có thể chuyển đổi họ thành độc giả trả phí. Nghiên cứu của công ty kinh doanh kỹ thuật số Piano nhận thấy tỷ lệ chuyển đổi sang đăng ký dài hạn của người đọc đã đăng ký cao gấp 10 lần so với người đọc ngẫu nhiên, một phần nhờ những công cụ như vậy.

Nhiều tờ báo áp dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu hành vi của từng độc giả và đưa ra những lời chào mời phù hợp

Không thể quên việc kết hợp công nghệ hiện đại trong việc tiếp cận người dùng tiềm năng. Nhiều tờ báo áp dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu hành vi của từng độc giả và đưa ra những lời chào mời phù hợp: chẳng hạn những người không thực sự quan tâm sẽ liên tiếp nhận được những thông báo nội dung hấp dẫn, còn những người cho thấy dấu hiệu sẵn sàng mở ví thì ưu đãi sẽ rất hạn chế, càng thôi thúc họ có hành động thanh toán.

Thứ năm là đầu mối thu phí. Một số đồng nghiệp hỏi tôi rằng có nên để một đơn vị đứng ra thu hộ, chẳng hạn đổ toàn bộ thông tin về một ứng dụng mobile hoặc một trang web rồi đơn vị vận hành thu phí và chia lại cho các cơ quan báo chí thành viên, hoặc sử dụng một đầu số điện thoại duy nhất để tạo thuận lợi cho độc giả. Giải pháp một ứng dụng mobile thì thực tế đã chứng minh rồi: đến New York Times còn phải tháo chạy khỏi Apple News+ sau một thời gian hợp tác vì cho rằng dịch vụ của hãng công nghệ này đã không giúp tờ báo đạt được mục tiêu về lượng độc giả đăng ký sử dụng tin tức và hiệu quả kinh doanh.

Đối với độc giả, giải pháp này rất tiện lợi, giống như đi vào siêu thị và có đầy đủ mọi mặt hàng, nhưng các cơ quan báo chí thì không thể thúc đẩy nội dung mà họ mong muốn và giới thiệu ở những vị trí tốt nhất. Nếu dựng tường thu phí trên chính trang báo của mình, các cơ quan báo chí còn nắm được dữ liệu người dùng và phân tích hành vi của họ để có nhưng biện pháp marketing phù hợp, thậm chí mang tính cá nhân hóa cao khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Sử dụng một đầu số điện thoại (và kém theo là cú pháp riêng cho mỗi tờ báo) nghe có vẻ đơn giản nhưng khi số lượng cơ quan báo chí tham gia thu phí quá nhiều thì đối soát nguồn thu là cả một câu chuyện phức tạp.

Thứ sáu, phương thức thanh toán đối với người dùng Việt Nam mới chính là vấn đề nan giải nhất gây trở ngại cho việc thu phí báo điện tử chứ không phải là nội dung. Theo báo cáo Digital 2020 của We Are Social và Hootsuite, tỷ lệ người dân Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng chỉ là 4,1%. Tuy tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán thương mại điện tử ở Việt Nam đã chiếm 37%, cao hơn nhiều so với ví điện tử (11%), nhưng chưa thể thuyết phục người dùng trong nước sử dụng phương thức này cho các khoản thanh toán nhỏ (micropayment) để đọc báo điện tử, mà một phần lý do là quan ngại đối với việc bảo đảm an toàn dữ liệu khi đăng nhập vào hệ thống thanh toán của cơ quan báo chí.

Phương thức thanh toán tiện lợi nhất cho độc giả nhưng thiệt hại nhất đối với cơ quan báo chí hiện nay là trả qua hóa đơn điện thoại: khi vấp phải tường thu phí đối với một bài viết nhất định hoặc muốn thanh toán theo gói tháng, người dùng chỉ cần nhấn nút “Mua” trên màn hình là hệ thống tự động trừ tiền và cho phép truy cập nội dung.

Khi báo điện tử VietnamPlus triển khai thử nghiệm thu phí vào năm 2012, tỷ lệ ăn chia với các công ty viễn thông sau mỗi kỳ đối soát khá mất thời gian là 70/30. Với khoảng 30% ít ỏi nhận về, cơ quan báo chí còn phải chia sẻ với đối tác công nghệ và trừ chi phí marketing, rốt cục không còn bao nhiêu.

Khi VietnamPlus chính thức thu phí vào giữa năm 2018, các nhà mạng đưa ra một tỷ lệ “dễ thở” hơn nhưng chỉ một thời gian sau lại quay về giới hạn 70/30 của nhiều năm trước, áp dụng với tất cả các nhà cung cấp nội dung, và cơ quan báo chí không phải là ngoại lệ.

 
VietnamPlus chính thức thu phí vào giữa năm 2018.

Ví điện tử, như số liệu ở trên, chưa phải là phương thức thanh toán ưa thích của người Việt nên các cơ quan báo chí chưa thể trông mong gì, mặc dù tỷ lệ chia sẻ doanh thu cao hơn so với thanh toán qua hóa đơn điện thoại và trong thời gian có dịch Covid-19 đã có nhiều người sử dụng hơn. Lối thoát khá sáng sủa là mobile money – là loại tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành. Theo Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư vừa được ban hành ngày 29/5 vừa qua, mobile money sẽ được cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ giá trị nhỏ.

Các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, VNPT cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và sẵn sàng cung ứng ngay dịch vụ mobile money nếu được cấp phép. Theo một số chuyên gia ngân hàng, mobile money có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt… Tuy nhiên, mobile money cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: dữ liệu có thể thiếu chính xác (nhiều sim rác), bảo mật dữ liệu khách hàng của nhà mạng kém hơn ngân hàng, khó kiểm soát hoạt động của các đại lý, nguy cơ mất tiền của khách hàng cao hơn ngân hàng…

Nhưng trong khi chờ mobile money triển khai, chờ ví điện tử cất cánh và chờ thẻ tín dụng trở nên phổ biến hơn, thanh toán qua hóa đơn điện thoại vẫn là cách thức khả thi và dễ dàng nhất đối với người dùng Việt Nam. Thiết nghĩ các nhà mạng viễn thông đừng nên đánh đồng báo chí với các CP khác, dành một tỷ lệ chia ưu đãi để khuyến khích báo chí áp dụng mô hình kinh doanh này. Trong thời gian trước mắt, khoản thu này chắc chắn còn rất nhỏ và chưa đủ để cứu báo chí thoát khỏi những khó khăn hiện nay, nhưng ít ra nó tháo gỡ được vấn đề nan giải nhất. Và khi đó, thu phí được hay không hoàn toàn nằm trong năng lực của các cơ quan báo chí mà thôi.

Thu phí báo điện tử không phải là một giấc mơ xa vời. Nó là xu hướng đang và sẽ diễn ra, dù không phải là cuộc chơi dành cho tất cả mọi người. Nó là một lựa chọn cho các cơ quan báo chí trên con đường tìm kiếm các nguồn thu ngoài quảng cáo. Nếu một cơ quan báo chí không quyết định bước trên con đường này thì vẫn còn nhiều con đường khác, có điều đừng nói rằng “không thể làm được đâu” nếu chưa thử bắt tay vào làm./.

Tác giả bài viết: HG (tổng hợp)

Nguồn tin: special.vietnamplus.vn

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập159
  • Hôm nay33,602
  • Tháng hiện tại376,932
  • Tổng lượt truy cập26,659,344

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây