Phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 20/05/2022 14:21   Đã xem: 940   Phản hồi: 0

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo lớn. Người làm báo với mục đích cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Văn phong báo chí và phong cách làm báo độc đáo của Người luôn hướng tới việc làm sao cho bài viết sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ để truyền bá, cổ động tư tưởng, hành động cách mạng đến từng cá nhân đối tượng của bài báo. Có thể nói, cách làm báo, viết báo đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chuyển tải tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn khắc họa sâu sắc phong cách của Người.

2289d9de819941c71888

Văn phong báo chí đặc sắc
ối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết báo, làm báo trước hết để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người đã dùng báo chí như một công cụ sắc bén trên suốt chặng đường đấu tranh cách mạng và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự nghiệp báo chí đồng hành và không tách rời sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tất cả đều nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Ngòi bút báo chí của Hồ Chí Minh rất phong phú - từ chính luận, bình luận, bút ký, phóng sự, ghi chép cho đến những tin vắn, thậm chí minh hoạ; ghi dấu ấn với nhiều đề tài đặc biệt: về chủ nghĩa đế quốc, thực dân, về nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, nhiều nước Đông Nam Á… Tất cả những bài báo của Người luôn “có gì đó rất Hồ Chí Minh”. Ở đó, hiệu quả báo chí được phát huy bởi một vốn hiểu biết rộng lớn và sâu sắc về các nền văn hóa, văn minh. Các tác phẩm của Người viết bằng nhiều ngôn ngữ trên các ấn phẩm báo chí nước ngoài, song nét nổi bật như GS Phạm Huy Thông từng nhận xét: Văn báo chí của Nguyễn Ái Quốc đã thực sự là thứ văn “Pháp ròng”.

Đọc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày để nội dung dù khó và phức tạp cũng trở nên dễ hiểu với người nghe, người đọc - không diễn đạt cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo báo chí cách mạng đấu tranh với báo chí thực dân nhằm mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm với báo chí - đã là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước.

Tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ 2 (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nhà báo: "Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó". (Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 171).

Người chỉ viết một đề tài, nhưng những vấn đề của đề tài đó rất rộng lớn. Đề tài đó có ý nghĩa thời đại to lớn, bao trùm cả những vấn đề lớn của nhân loại, những vấn đề trong đề tài đó lại thật cụ thể, sâu sắc, đa dạng, phong phú và ấm áp tình người. Những bài báo của Người có tính chiến đấu, nổi bật tính thời sự nhưng vẫn toát lên những nét nghệ thuật đặc sắc, một văn phong báo chí độc đáo, được nhiều người ngưỡng mộ và học tập.
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… (8/9/1962). (Ảnh: Tư liệu)

Đối với Nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó mới có thể tìm ra cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Người nhấn mạnh bốn vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện. Cách thể hiện tốt làm cho nội dung nói và viết đúng với chủ đề, đúng đối tượng và đạt được mục đích của việc nói và viết.

Trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn các cán bộ cách mạng phải rèn luyện, Người luôn mong mỗi người đều phải học viết; học nói. Đối với Người, ngôn ngữ là của cải lâu dài và vô cùng quý báu cuả dân tộc, “chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Học viết, học nói cũng không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ tuyên truyền, trong đội ngũ những người cầm bút mà cũng là điều cần thiết đối với mọi người, từ các em học sinh còn đang trên ghế nhà trường...

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và viết về rất nhiều chủ đề khác nhau của cách mạng Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế v.v.. trong chủ đề chung bao trùm là Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Người nói và viết cho rất nhiều đối tượng khác nhau, từ những đại biểu cao cấp nhất của chủ nghĩa thực dân đế quốc, nhân dân các nước thuộc địa, nhân dân và đảng cộng sản các nước anh em, những người có lương tri tiến bộ trên khắp thế giới... và chủ yếu nhất là đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với các thành phần dân tộc, tôn giáo, trình độ khác nhau. Với mỗi đối tượng cụ thể, trong những văn cảnh cụ thể, nhà báo Hồ Chí Minh đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp nhất. Nếu đối tượng là người phương Tây, Người có cách viết rất “Tây”, sâu xa, châm biếm, hài hước, ý nhị. Với nhân dân Việt Nam, Người lại nói và viết rất giản dị, mộc mạc. Với các nhà trí thức uyên bác, Người lại bàn về những lời răn dạy của các bậc tiên hiền, bàn về những vấn đề sâu sắc của khoa học, của thơ ca và nghệ thuật.

Những bài báo của nhà báo Hồ Chí Minh luôn sinh động với bút pháp biến hóa, đa dạng: Đanh thép khi tố cáo tội ác của đế quốc thực dân, sôi nổi khi tranh luận, bình dị khi giải thích, thuyết phục... Người hay kết hợp, đan xen đúng lúc những đoạn thơ, câu ca có vần điệu trong những bài báo cách mạng tưởng như khô khan, khó đọc. Các tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh còn toát lên sự lạc quan, hóm hỉnh của một trí tuệ lớn.
Một số tờ báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người cùng khổ, Thân ái, Thanh niên. (Ảnh: Tư liệu)

Sự phong phú trong cách thể hiện của Hồ Chí Minh khi nói và viết làm chúng ta nhận ra những đặc trưng trong cách nói, cách viết của Người. Đó là: Chân thực. Mỗi bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Đọc lại mỗi bài nói, bài viết của Người, chúng ta đều thấy hiện thực sinh động từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực đã cho những bài nói, bài viết của Người có sức thuyết phục cao đối với người nghe, người đọc.
"Một thí dụ rất rõ ràng: Mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi, thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi gương xem đã sạch, đã mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi có nhiều khuyết điểm.
Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết.
Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn.
Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa, vô ích bỏ đi.
Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 342)."

Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên Hồ Chí Minh đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Người thường nhắc nhở các cán bộ làm báo: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”...

Ngắn gọn cũng là một đặc trưng rất nổi bật trong văn phong nhà báo Hồ Chí Minh. Theo Người, “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn". Bác cũng căn dặn: Cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng. Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông - ghi ít, nhớ nhiều, “ý tại ngôn ngoại”. Đây là đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh. Những luận điểm của Người thường được viết rất ngắn, chặt chẽ như một câu châm ngôn: Dĩ bất biến ứng vạn biến; Không có gì quý hơn độc lập tự do; Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình...

Viết giản dị hoàn toàn không phải là đơn giản hóa những điều phức tạp. Viết được giản dị là do Người đã thâu tóm được những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của quần chúng để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả nhất. “Đó là cái khó nhất ở trên đời. Đó là giới hạn tột cùng của sự từng trải và là nỗ lực cuối cùng của thiên tài”. (Song Thành: Hồ Chí Minh Nhà văn hóa kiệt xuất. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr 152). Để đạt được những điều đó, nhà báo Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường dài công phu rèn luyện từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, từ những bài báo cách mạng đầu tiên.

Trong sáng, giản dị, dễ hiểu là điều nổi bật nhất khi đánh giá về hệ thống ngôn từ báo chí của nhà báo Hồ Chí Minh. Toàn bộ các bài nói, bài viết của Người đều rất trong sáng về ý tưởng, giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề cụ thể của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại.
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ phóng viên Báo Nhân Dân năm 1957. (Ảnh: Tư liệu)
"1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách.
Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.
2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.
3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: "Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?".
4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.
5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói".

Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 345 - 346)."
Muốn nói, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải “học cách nói của quần chúng”. Phải thực sự học quần chúng mới có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận. Tính giản dị, trong sáng trong văn phong báo chí Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ...

Để có thể nói và viết trong sáng, giản dị, dễ hiểu, Người còn chỉ ra rằng phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Nói với các nhà báo ở Đại hội lần thứ 2 Hội nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Người phê phán: “Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: Những chữ kinh tế, chính trị, v.v., thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ "độc lập". Nếu "Việt Nam độc lập" mà nói "Việt Nam đứng một" thì không thể nghe được. Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: Vì sao không nói "đường to" mà lại nói "đại lộ", không nói "người bắn giỏi" mà lại nói "xạ thủ", không nói "hát múa" mà lại "ca vũ"?”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 164,165).
"Bệnh hay nói chữ - Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to.
Thí dụ: Pháp và Việt gian bắt buộc đồng bào đi biểu tình, mà một tờ báo nọ của đoàn thể viết là những "cuộc biểu tình tự động". Dùng quân đội quét một vùng, tiếng Trung Quốc gọi là tảo đãng, mà một tờ báo của đoàn thể viết là "tảo đảm". Lại có tờ viết là "tảo đảng"!
Tục ngữ nói: "Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ". Cái bệnh nói chữ đó đã lây ra, đã làm hại đến quần chúng. Vì vậy, có người đã nói:
"Chúng tôi xin thông phong" (xung phong).
"Các đồng chí phải luyến ái nhau" (thân ái nhau), v.v. Trong một cuộc khai hội phụ nữ, có chị cán bộ nọ lên nói: "Thưa chị em, tôi xin bá cáo kinh nguyệt của tôi trong tháng này".
Không, đó không phải là những chuyện cười, đó là những chuyện thật. Những chuyện thật đáng đau lòng, do bệnh hay nói chữ sinh ra hoặc do bệnh dốt sinh ra.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 345-346)."

Tác phong làm báo mẫu mực
6917c8929ad55a8b03c4
Bác Hồ thăm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25/1/1961 (Ảnh: Tư liệu)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách tư duy khoa học và độc lập, cách mạng và hiện đại, tự chủ và sáng tạo. Không tiếp thu một cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài, Người luôn đi sâu phân tích, so sánh, chắt lọc, lựa chọn, tổng hợp, rút ra những phán đoán, đi tới những kết luận mới, đề ra những luận điểm mới; không vay mượn sao chép, tránh lối cũ, đường mòn để tìm ra chân lý, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và điều kiện thực tiễn. Từ những cơ sở này, người Anh hùng gỉải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đã đảm nhận xuất sắc vai trò lịch sử - Lựa chọn đúng đường đi và dự kiến được những bước phát triển cho dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc sống hàng ngày, phong cách Hồ Chí Minh toát ra sức cảm hoá mạnh mẽ. Với tấm lòng nhân hậu, tinh thần khoan dung rộng lớn, chân thành, cởi mở, ấm áp tình người, với sự thông tuệ và phong cách ung dung, gần gũi, hóm hỉnh, sắc sảo, cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, vui vẻ, hòa nhã, Người đã xóa nhòa khoảng cách, loại bỏ những nghi thức rườm rà, mang đến không khí chan hòa, gần gũi nhân dân. Người còn là tấm gương sáng ngời về đức tính cần kiệm, liêm chính, rất mực cần cù, giản dị, tiết kiệm, hài hòa kết hợp văn hóa Đông - Tây, tôn trọng quy luật và gắn bó với thiên nhiên.
Bác Hồ đến thăm các bác sĩ, y sĩ, hộ lý Trạm xá Vân Đình ngày 20/4/1963. (Ảnh: Tư liệu)
Nhìn suốt cuộc đời cách mạng “thanh bạch chẳng vàng son” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn sâu trong hành trình làm báo cách mạng của Người, hiển hiện rõ một Phong cách, một Tác phong làm báo Hồ Chí Minh đáng ngưỡng mộ và noi gương học tập. Mỗi bài nói, bài viết của nhà báo Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Người luôn nhắc cán bộ, phóng viên phải bám sát thực tiễn cuộc sống để phản ánh đúng thực tiễn:“phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, “cứ ngồi trong phòng giấy không thể viết thiết thực”.

Khi đến thăm các địa phương, các đơn vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan sát, không bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất. Người thường đi thăm nom, hỏi han, gặp gỡ trước, nghe báo cáo tại hội trường sau. Người dùng những tư liệu “sống” trong các chuyến đi đó trong các bài báo: biểu dương những điều tốt, nêu các vấn đề còn tồn tại, chỉ ra cách giải quyết v.v. Nhà báo lớn Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Viết cho dân, nói với dân phải theo cách giản dị, cụ thể, thiết thực, làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu, như cách cảm, cách nghĩ của nhân dân và “phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích”. (Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 345).
Bác Hồ thăm đồng bào xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. (Ảnh: Tư liệu)
Mỗi bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nêu/bình luận kịp thời một vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa trong nước hoặc một vấn đề thời sự, chính trị, quân sự quốc tế. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đọc báo là công việc quan trọng hàng ngày. Riêng đối với người làm báo lại càng phải đọc nhiều. Người khuyên chúng ta: “Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng... xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 207). Người còn nói rõ thêm: “Tìm tài liệu cũng giống như công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi ghép hai ba vấn đề, hai ba con số làm thành tài liệu mà viết”. (Nhiều tác giả : Chúng ta có Bác Hồ. Nxb Lao động, Hà Nội, 1990, tr. 46).
Để kịp thời có thông tin, nắm sát tình hình, Hồ Chí Minh đọc rất nhiều sách báo, đọc ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Người có cách đọc riêng để thu được nhiều điều bổ ích, thông tin tư liệu cần thiết. Đó là chưa kể việc Người có thể đọc được nhiều loại báo bằng nhiều thứ tiếng (Pháp, Anh, Trung, Nga) càng giúp việc mở rộng phạm vi thu thập thông tin. Chỉ tính trong khoảng thời gian ở Pháp từ năm 1917 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã đặt mua và đọc khoảng trên 30 tờ báo và tạp chí. Theo báo cáo của mật thám Pháp ở Paris: Ngay cả sau khi Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Pháp, các báo chí, thư từ… vẫn được gửi đến địa chỉ Nhà số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ (Marché des Patriarches), Paris - Trụ sở của Hội liên hiệp Thuộc địa và báo Le Paria (Người cùng khổ), nơi Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở từ ngày 14/3/1923 cho đến khi rời Paris ngày 13/6/1923.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ thói quen thường xuyên đọc báo. Người còn coi việc đọc báo là một hình thức để rèn luyện cán bộ. Các cán bộ trong đoàn công tác cùng đi với Người (di chuyển nơi ở, thị sát mặt trận) thường có thời gian đọc báo mỗi khi dừng nghỉ chân. Một người đọc, nhiều người nghe, vừa tranh thủ nghỉ ngơi vừa thu nhận được thêm thông tin và còn thêm hiểu biết từ sự phân tích đánh giá tình hình của Người sau khi đọc báo. Với các cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở phải sắp xếp thời gian đọc báo hàng ngày để kịp thời nắm bắt thông tin phục vụ thiết thực cho công việc. Sau này, dù công việc rất bận rộn nhưng ngày nào Người cũng dành thời gian đọc báo để luôn trang bị cho mình những thông tin, kiến thức mới và cần thiết. Người đọc rất nhiều loại báo, từ các báo trung ương, địa phương, các báo ngành và đoàn thể cho đến các bản tin và báo nước ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có phương pháp đọc báo rất khoa học và hiệu quả. Hàng ngày, vào đầu giờ sáng, Người đọc kỹ những bài báo lớn có nội dung quan trọng và chú ý cả những bài ngắn, tin, ảnh. Khi phát hiện vấn đề cần chú ý, cần ghi nhớ số liệu hay thông tin cần xử lý, Người dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu ngay trên tờ báo bằng ký hiệu riêng để không mất thời gian đọc lại. Khi cần ghi chép để lưu trữ lâu hơn, Người ghi tóm tắt thông tin vào một cuốn sổ nhỏ, hoặc cho cắt dán để làm tư liệu. Thấy gương Người tốt - Việc tốt muốn thưởng Huy hiệu hoặc viết bài biểu dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút bi hoặc bút chì đánh dấu vào bên cạnh bài đó. Chỗ nào cần lưu ý, Người đánh dấu gạch chéo (/); đánh dấu bằng chữ X và gạch chéo (X/) là chú ý dòng. Khi thấy có vấn đề chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, Người đánh dấu chấm hỏi (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại. Đoạn nào cần xem kỹ, Người đánh dấu gạch chéo và chấm phẩy (/;). Đã xem xong, Người viết chữ V. Ðôi khi, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sử dụng các loại chữ Hán, Nga, Pháp, Anh làm ký hiệu bên lề trang báo. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Người đã đọc và có bút tích để lại ở hơn 70 đầu báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 206-207). Những thông tin trên báo chí giúp Người nắm bắt thông tin hàng ngày rất kịp thời cả trong nước và quốc tế, ở các địa phương và ở mọi ngành, lĩnh vực… Trên cơ sở đó, Người có những chỉ đạo kịp thời và phù hợp với thực tiễn trong cả đối nội và đối ngoại. Những tư liệu đó cũng giúp Người viết nhiều bài báo định hướng, bình luận...
Trong sự đa dạng và vô cùng phong phú, trí tuệ của những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể rút ra những nét chung nổi bật nhất của phong cách báo chí Hồ Chí Minh - phong cách mẫu mực cho cả hiện tại và tương lai. Văn không chỉ là Văn. Văn chính là Người. Học nói, học viết cũng là từng bước hoàn thiện trí tuệ và nhân cách của mình. Với phong cách báo chí độc đáo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay1,580
  • Tháng hiện tại569,684
  • Tổng lượt truy cập27,429,308

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:189 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:412 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:415 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:47 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:48 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây