Qua 16 năm tổ chức, đến nay, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI- năm 2021 tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18 Liên Chi hội và 35 Chi hội trực thuộc. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy các cấp Hội và hội viên trong cả nước đã ngày càng thật sự quan tâm đến Giải báo chí quốc gia.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu tại sự kiện quan trọng của giới báo chí cách mạng Việt Nam là sự động viên, khích lệ to lớn, ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu của giới báo chí trong đó có đội ngũ những người làm báo thời gian qua.
Mặc dù đại dịch Covid – 19 tác động không nhỏ đến quá trình tác nghiệp báo chí, nhưng số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong các mùa Giải báo chí Quốc gia. Trong đó, có 1.761 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng Sơ khảo.
Trong số 152 tác phẩm vào Chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được: 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI – năm 2021.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia nêu rõ: Tiếp nối truyền thống 97 năm phát triển của báo chí cách mạng, báo chí nước nhà đang duy trì vai trò là kênh thông tin chính thống, chính thức, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của người dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân, đồng thời đang mạnh mẽ chuyển mình trước những thay đổi chóng mặt của công nghệ, trước sự thay đổi về cách thức tiếp nhận thông tin của người dùng, trước một thực tế là độc giả, khán-thính giả đang chuyển đổi dần lên các nền tảng số.
Để tiếp tục hiện diện và thậm chí chiếm lĩnh mọi nền tảng nhằm thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm thông tin-tuyên truyền của mình, báo chí không còn con đường nào khác là phải chuyển đổi số, hòa trong quá trình chuyển đổi số của cả xã hội.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, mục tiêu cơ bản của chiến lược này là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Báo chí thời nay phải chủ động phát triển sản phẩm mới, thay đổi cách thức sản xuất nội dung cũng như mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả.
Cùng với đó, người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Các cơ quan báo chí cần thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới, đa dạng hóa nguồn thu để không quá phụ thuộc vào quảng cáo. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
“Chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý Nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Giải thưởng hôm nay được dành để tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy… Những giá trị đó đã kết tinh trong các tác phẩm báo chí để góp phần thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, sự đồng hành của Nhân dân, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Thủ tướng cho biết, nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.
Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai địch họa… và có người đã không bao giờ trở về. Đối với các nhà báo, phóng viên nữ còn vất vả hơn vì nhiều lúc phải làm ngoài giờ, thực hiện những chuyến đi công tác dài ngày, trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình và phận sự của một người phụ nữ.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Trung tướng Trịnh Văn Quyết đã trao 48 giải C cho các tác giả và nhóm tác giả đoạt giải.
Một số tác phẩm đoạt giải C nổi bật có thể kể đến như: Loạt bài “Báo chí Việt Nam và cuộc đua chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức!” của nhà báo Trần Lan Anh (Khánh An), Nguyễn Thị Vân (Hà Vân) – Báo Nhà báo và Công luận; Loạt 5 bài: Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi” của nhóm tác giả Trần Hoàng Hoàng (Hoàng Hoàng), Lê Thị Thúy Hà (Vương Hà), Lê Thị Minh Nhã (Minh Nhã), Đặng Thu Hà (Thu Hà) – Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân.
Tác phẩm: Loạt 4 bài: Đất đai, công trình xây dựng bỏ hoang: Làm sao tránh lãng phí? của nhóm tác giả Vũ Thị Cúc (Vũ Cúc), Nguyễn Cao Cường (Thuần Hưng), Nguyễn Doãn Thành (Doãn Thành), Vũ Công Trình (Vân Nhi) – Báo Kinh tế và Đô thị, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội.
Tác phẩm: Loạt 5 bài: Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ: Những dấu hiệu vượt tầm kiểm soát của nhóm tác giả Đoàn Trung Kiên, Trương Quốc Dũng – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã trao cho 22 tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả đoạt giải B.
Một số tác tác phẩm nổi bật đoạt giải B như: Loạt 2 kỳ: Phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Võ Tiến Trung của tác giả Phan Hải Đăng (Phan Đăng) – Báo Công an nhân dân, Liên chi hội nhà báo Bộ Công an.
Tác phẩm: Loạt 3 bài: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của nhóm tác giả Phương Quyên, Tiểu Phương – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.
Đặc biệt, tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trao 10 giải A cho các tác giả, nhóm tác giải đoạt giải.
Những tác phẩm đoạt giải A đã thể hiện sự ghi nhận của Hội đồng Chung khảo GBCQG với tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, tâm huyết, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Các tác phẩm đoạt giải A có thể kể tên như: Tác phẩm: Loạt 4 bài: Gây dựng "sếu đầu đàn" cho nền kinh tế của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải, Tấn Nguyên – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.
Tác phẩm: Loạt 5 bài: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng – gốc có vững cây mới bền của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thành, Công Hoan, Nguyễn Minh Tuấn – Chi hội nhà báo Báo Tiền Phong.
Tác phẩm: Loạt 5 bài: Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc "ma mị" giữa thủ đô của nhóm tác giả Trần Thanh Bình, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Hoàng Chiến, Nguyễn Công Khanh, Đào Xuân Ngọc – Chi hội nhà báo Báo Đại Đoàn Kết.
Tác phẩm: Những ngày không quên! của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Bùi Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Minh Hạnh – Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Có thể nói, Giải Báo chí Quốc gia là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm. Đó không chỉ là niềm tự hào của mỗi tác giả, mỗi cơ quan báo chí có tác phẩm đoạt giải mà là niềm tự hào chung của những người làm báo Việt Nam.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024