Để có tuyến bài hơn 30 phóng sự, hồi âm, phỏng vấn, tranh biện (tính cả các tin hồi âm và video, tổng số khoảng 50 lần xuất bản) mang tên “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng” (Báo Điện tử Dân Việt/NTNN) vừa được Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 trao giải cao, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và cộng sự đã phải thật sự công phu, tốn kém, và thời gian thực hiện kéo cả năm ròng. Thậm chí, việc tác nghiệp phải “đánh đổi”, phải liều lĩnh để có thể xâm nhập và tố cáo.
Chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết: Cách đây hơn 15 năm, khi chúng tôi họp nhóm với nhau để đồng sáng lập ra Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam, bấy giờ, đi điều tra những vi phạm nó… dễ lắm. Đụng đâu cũng gặp. Bấy giờ tôi lái xe máy, đi từ Hà Nội vào tới Huế, chứng kiến những tủ lạnh đen kịt, xếp chồng chất toàn tay gấu, đủ loài hoang dã được thợ săn cõng về nhà, buộc sau xe máy chở vèo vèo ra nhà hàng xả thịt bán buôn. Có khi, ven quốc lộ, họ trói cả con gấu ngựa mở ra bán, họ chặt đầu con hoẵng máu me be bét, mắt con vật vô tội trợn trừng và hai cái răng nanh dài nhọn cong vênh thì sầu tủi chìa ra khỏi cặp môi oán thán. Cái thời ấy đã lùi xa…Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến công tác.
Để có được các bức ảnh, video và kết nối được với các ông trùm trong nước, tôi đã nhiều lần bay sang châu Phi. Có lần, gặp một trùm buôn lậu xương hổ (họ đem hổ sang Nam Phi nuôi), xương sư tử, sừng tê giác và ngà voi. Tôi được “cài” vào một trang trại (thật ra là một safari, kiểu khu bảo tồn thiên nhiên) lớn, do trùm người Việt Nam quản lý. Dù đã chuẩn bị trước một lý lịch tay chơi và mê săn bắn, thích sưu tầm “hàng con” đem về Việt Nam kiếm lời, chúng tôi vẫn bị kiểm tra sát sàn sạt đến mức suýt… bại lộ.
Một tổ chức bảo tồn tê giác của Nam Phi đã cài thiết bị vào hành lý của một người trong nhóm của chúng tôi, họ có nhiều mục đích, nhưng trước hết họ muốn định vị khu trang trại khét tiếng ấy, sau thời gian dài “nghiên cứu rà soát” mà không thể nào tìm ra... Chúng tôi là người Việt, có “cửa” giới thiệu nên được đón chào từ sân bay, được dẫn vào khu nuôi nhốt thú, cả hổ, cả sư tử và hàng chục loài quý hiếm, tiêu biểu của hệ sinh thái sa-van châu Phi. Họ đưa cho xe bán tải đặc chủng (có khung sắt tránh thú dữ lao lên xe tấn công người), lại thêm các khẩu súng lớn, nòng to, nổ đinh tai nhức óc. Mỗi lần bắn, súng giật mạnh đến mức, nếu tì vai không khéo, bạn có thể bị giật ngã. Chúng tôi chứng kiến những loài thú châu Phi bị bắn hạ, treo xác lên giết mổ.
Trước khi “nhậu”, các đối tượng mang vũ nữ sexy hết cỡ và rượu nặng tới để thử khách. Với lý do, sợ quay phim chụp ảnh các cảnh sexy thác loạn thì các “cô em” sẽ buồn, họ yêu cầu chúng tôi để hành lý và áo khoác ở một khu riêng, chỉ cầm mỗi ví và tiền theo thôi. Không cầm cả điện thoại. Dĩ nhiên, trong lúc đó, họ sẽ bí mật tìm các thiết bị theo dõi, ghi hình, định vị (nếu có). Lúc ngà ngà, họ hỏi quê quán, xin số điện thoại, mở cho xem facebook, zalo, nhìn ảnh người đối diện và nhìn các “tút” xem đúng cái bản mặt dân chơi không. Họ lấy cớ hết pin smartphone, mượn máy, xin gọi điện nhờ một cuộc, rồi tìm cớ xem ảnh trong đó. Hú vía, nếu không kỳ công lo cả Instagram, Facebook, zalo với những tài khoản “ảo”, thì chắc chắn thân phận nhà báo của chúng tôi đã bại lộ.
Về Việt Nam, tôi giữ liên lạc và nhiều lần xâm nhập thế giới “ở quê nhà” của các đối tượng. Các bài kiểm tra “người quen cũ” cũng rất gắt gao trước khi giao dịch. Một ông trùm từng tung hoành ở Mô Dăm Bích, về Việt Nam xin làm việc cho một bệnh viện về đông y của Trung ương. Làm thì ít, anh ta chủ yếu lừa lựa tư vấn cho bệnh nhân dùng y học cổ truyền, tóm lại là cao hổ, cao sư tử và sừng tê giác để trị bách bệnh. Ngoài ra, anh ta tạo vỏ bọc bằng buôn xì gà và hải sản.
Tôi liên lạc xin gặp cố nhân, anh ta tỏ ra thận trọng. Nhưng đó chỉ là sự giả vờ. Anh ta còn đủ hình thức “check hàng” (kiểm tra) khác. Nào là gọi video call, tức là nói chuyện trực tiếp, xem lại mặt và nghe lại giọng, nếu nhận ra thì gặp, ngờ ngợ là… nghỉ chơi. Nhắn tin, chat, xin kết bạn bằng các tài khoản, ứng dụng mạng xã hội, anh ta yêu cầu cho biết: ai đã giới thiệu, xem mặt người đấy. Rồi kiểm tra tên, kiểm tra mặt, kiểm tra kết nối trên mạng xã hội xem sao. Nếu người giới thiệu là chỗ quen biết thật thì “giao dịch”, nếu không thì thôi (và họ luôn yêu cầu người giới thiệu phải “cược” bằng cả sự an nguy của bản thân và gia đình, một khi đã “cả gan” đưa thêm thành viên vào hội nhóm).
Chúng tôi đã trải qua những giờ khắc thật sự “sinh tử” trong đấu trí với các ông trùm. Chỉ một sơ hở, sự an nguy của mình có thể bị đánh đổi!
Sau thời gian dài điều tra, vào tận các gian nhà chứa ngà voi lổng chổng, cả thế giới nuôi hổ, cung cấp cả núi các sản phẩm từ hổ, voi, tê giác; chúng tôi đã tham gia tố cáo rồi góp phần nhỏ bé vào vụ giải cứu 24 cá thể hổ cùng nhiều loài hoang dã quý hiếm khác, đặc biệt là tuyến bài đã góp phần cùng 14 tổ chức Quốc tế và Việt Nam dâng kiến nghị lên Chính phủ về chính sách và hành động nhằm bảo vệ loài hổ; chúng tôi cũng tiếp tục tham gia các cuộc triển lãm ảnh (ảnh quá trình điều tra), các hội thảo quốc gia/quốc tế, các cuộc đào tạo báo chí về nội dung này…
Trong quá trình thực hiện, sau khi có được “thế giới các câu chuyện và hình ảnh”, chúng tôi tiến hành làm báo cáo, dựng video, đem toàn bộ tư liệu đến gặp lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, gặp các điều tra viên và phối hợp với họ tìm cách đưa các đường dây tàn sát thú rừng Việt Nam và xuyên lục địa ra ánh sáng. Vì lần trước, cũng ở địa bàn này, cũng chuyện về làng nuôi hổ, tôi và các cộng sự đã tố cáo mà không có một cuộc bắt giữ xử lý xứng tầm nào. Thế nên, chúng tôi đã thòng phương án báo cáo lên Bộ Công an, lên các tổ chức khác. Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục cài người vào theo dõi các di biến động ở cơ sở, thậm chí có phương án tránh sự “bỏ qua” hay “tư túi” của ai đó…
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024