Sẽ xây dựng Luật về quản lý thông tin trên mạng

Thứ tư - 06/04/2016 18:40   Đã xem: 760   Phản hồi: 0

Theo chương trình làm việc, ngày 5/4, QH khóa 13 sẽ xem xét biểu quyết thông qua dự án luật Báo chí (sửa đổi). Những nội dung sửa đổi trong luật lần này được ghi nhận là đã có nhiều điểm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của báo chí cũng như quản lý hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, vấn đề cung cấp, quản lý thông tin và quyền trong tác nghiệp của nhà báo… vẫn còn có những ý kiến băn khoăn.
 
 
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son


Ngày 4-4, Báo Hà Nội Mới đã thực hiện phỏng vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, ĐBQH đoàn Hà Nội để làm rõ hơn những nội dung này.


Thưa Bộ trưởng, nhiều ĐBQH đề nghị dự thảo Luật có quy định bảo đảm cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Vậy, ban soạn thảo đã tiếp thu vấn đề này như thế nào?


Có thể nói, ý kiến của các ĐBQH về cơ bản đã được tiếp thu đầy đủ. Về quyền được cung cấp thông tin cho báo chí, ngoài những quy định của luật Báo chí hiện hành, dự thảo luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; về những thông tin mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của Chính phủ.
Để đảm bảo quyền được cung cấp thông tin cho báo chí, dự thảo luật đã quy định “khi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết”.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để đảm bảo an toàn cho nhà báo cũng như nguồn tin báo chí, so với luật Báo chí hiện hành, dự thảo luật đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin.


Luật Báo chí và luật Tiếp cận thông tin sẽ được thông qua tại kỳ họp này bên cạnh việc thực thi Hiến pháp 2013 còn cho thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm các quyền về dân chủ cho người dân. Vậy, luật Báo chí sửa đổi này có gắn với luật Tiếp cận thông tin?


Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, QH sẽ ban hành các văn bản pháp luật theo yêu cầu và tại kỳ họp này QH sẽ xem xét thông qua Luật Báo chí và luật Tiếp cận thông tin.
Tuy nhiên, hai luật này có phạm vi điều chỉnh khác nhau. Luật tiếp cận thông tin quy định về quyền của công dân trong việc tiếp cận thông tin từ cơ quan nhà nước, còn luật Báo chí quy định đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Dự thảo luật Báo chí quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin báo chí; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.


Mạng xã hội đã và đang có sự tác động không nhỏ tới xã hội, nhưng trong giải trình ban soạn thảo lại nói rõ luật Báo chí không điều chỉnh với mạng xã hội mà sẽ có một văn bản khác để điều chỉnh. Vậy, Bộ dự kiến tham mưu ban hành văn bản đó dưới dạng là nghị định hay luật và vào thời điểm nào?


Dự thảo luật Báo chí (sửa đổi) điều chỉnh, quản lý thông tin trên sản phẩm báo chí và sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Tại khoản 17 Điều 3 Dự thảo Luật Báo chí quy định “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí là sản phẩm thông tin được thể hiện bằng các thể loại báo chí, được đăng, phát trên bản tin, đặc san, trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Triển khai thi hành Hiến pháp 2013, thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ, QH tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động của thông tin trên mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng và xem xét có thể đưa vào chương trình xây dựng thành Luật ngay trong nhiệm kỳ XIV của QH, để có thể tạo ra hàng lang pháp lý đầy đủ, phù hợp.


Bộ trưởng đã có sự quán triệt tới người đứng đầu các đơn vị trong việc tạo điều kiện cung cấp thông tin, trả lời báo chí về các vấn đề dư luận quan tâm, vấn đề “nóng” thuộc lĩnh vực quản lý của ngành?


Thực hiện theo quy định của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo QĐ số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 và nay được thay thế bằng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo QĐ số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những năm 2008, Bộ TT-TT đã cử người phát ngôn và ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ (QĐ số 49/2008/QÐ-BTTTT ngày 26/09/2008 và QĐ số 1993/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2013).
Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Quy chế của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã quán triệt tới các đơn vị, người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm Quy chế. Thực tế, trong những năm qua Bộ TT-TT cũng như các đơn vị của Bộ luôn chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin cho báo chí, nhất là những vấn đề nóng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của báo chí và người dân.


Có ĐBQH đề xuất dự thảo luật nên có quy định để tránh trường hợp nhà báo sử dụng mạng xã hội viết những điều trái với những gì mà tờ báo nơi làm việc tuyên truyền, thậm chí trái với định hướng… Quan điểm của Bộ về vấn đề này?


Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí, đó là: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Quyền tự do ngôn luận của công dân được thể hiện bằng các phương thức, hình thức khác nhau, trong đó có tự do ngôn luận trên báo chí mà dự thảo Luật Báo chí đã điều chỉnh. Nhà báo khi hoạt động báo chí có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Báo chí, ngoài ra họ cũng là công dân, họ được tham gia các hoạt động xã hội khác mà pháp luật không cấm, trong đó có quyền tự do ngôn luận trên báo chí cũng như tự do ngôn luận trên các diễn đàn, trên các phương tiện khác, trong đó có mạng xã hội.
Về ý kiến trên, cho thấy với bổn phận là công dân, ngoài việc thực hiện Luật Báo chí nhà báo còn phải chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật khác khi hoạt động báo chí cũng như khi tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội. Mặt khác, là "người lính" xung kích trên mặt trận tư tưởng, thì khi tham gia các hoạt động xã hội, nhà báo còn phải là người thực hiện đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, có vai trò nêu gương trong chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đương nhiên trong bất kỳ hoạt động nào thì cũng không thể đi ngược lại tôn chỉ mục đích của tờ báo mà mình là thành viên.
Trong đó, chắc chắn không được "viết những điều trái với những gì mà tờ báo nơi làm việc tuyên truyền", đồng thời khi đã tham gia thì cần phải sử dụng mạng xã hội là một phương tiện, công cụ để góp phần thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tác, độc hại trên môi trường mạng.
Ngày 13/8/2005 Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Vì thế, có thể nói, kiến nghị trên là một gợi mở rất có ý nghĩa, để Hội nhà báo Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí của chúng ta xem xét, hoàn chỉnh những quy định về đạo đức nghề nghiệp hoặc vận dụng khi xây dựng quy chế nội bộ nhằm phát triển cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.


- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn tin: vietnamnet

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập169
  • Hôm nay14,408
  • Tháng hiện tại595,072
  • Tổng lượt truy cập28,244,817

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây