Truyền hình Bắc Thái – Thái Nguyên: Ba mươi năm mà như mới hôm qua !

Thứ hai - 29/08/2022 12:16   Đã xem: 868   Phản hồi: 0

Tháng 9 về, trong ký ức của nhiều người làm báo phát thanh, truyền hình Thái Nguyên lại ùa về những kỷ niệm gắn với ngày truyền thống của ngành; trong đó có ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên 02/9/1992. Ba mươi năm mà như mới hôm qua, thế hệ đầu tiên làm truyền hình Bắc Thái ngày ấy không quên được những ngày gian khó mà nhiệt huyết để cho ra đời đứa con tinh thần, khởi đầu cho một loại hình báo chí trên quê hương nơi cội nguồn báo chí cách mạng. Tôi có may mắn và hạnh phúc khi được tham gia từ buổi đầu sơ khai ấy; để rồi hôm nay, khi viết lại những dòng này thì ký ức trong cuộc đời làm báo cứ ùa về trong tôi như những thước phim tài liệu quay chậm tâm trạng khi nhớ về những năm tháng được làm nghề ở Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái và Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên.

Lãnh đạo Đài Bắc Thái với các nhà báo đầu tiên của Truyền hình năm 1990

Tháng 5/1990, Phòng quản lý truyền hình thuộc Đài Phát thanh Bắc Thái được thành lập( anh Nông Văn Đông là Trưởng phòng); trước đó, từ năm 1989 cho đến tháng 5/1990, anh Nông Văn Đông và anh Tạ Đình Kiệm( khi đó đang là phóng viên ảnh tư liệu thời sự của Công ty nhiếp ảnh Bắc Thái xin chuyển về Đài tỉnh) hai đồng chí đã dùng chiếc Camera JVC Movie băng nhỏ quay các tin tức, hội nghị, tư liệu … đây là những hoạt động cho sự ra đời của chương trình truyền hình đầu tiên sau đó. Thời điểm này phòng truyền hình vừa làm, vừa học, vừa tìm nhân lực. Tháng 6/1990, tôi(Nguyễn Bảo Lâm, đang là phóng viên, biên tập viên của Đài Truyền thanh Võ Nhai) và anh Tạ Đình Kiệm được chính thức chuyển công tác về phòng truyền hình của Đài Phát thanh Bắc Thái, lúc này chính thức Đài có tên gọi là Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái . Như vậy, phòng quản lý truyền hình được tổ chức lại khi ấy có 03 biên chế chính thức: Nông Văn Đông – Trưởng phòng; Tạ Đình Kiệm - Phóng viên, quay phim; Nguyễn Bảo Lâm - Phóng viên, Biên tập viên cùng một số kỹ thuật viên mới ra trường đang thử việc là: Dương Văn Thế, Bùi Thị Giang, Nguyễn Thị Yến Thu.
Từ tháng 6/1990 đến tháng 8/1992, Phòng Truyền hình chủ yếu hàng tuần làm các tin cộng tác với chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam; số lượng thông tin cung cấp cho chương trình thời sự VTV khá đều đặn, trung bình 4-6 tin/tháng. Một số tin thời sự được đánh giá cao khi đó là tin lũ lụt gây sạt lở quốc lộ 3 tại Km 49 Thái Nguyên - Bắc Cạn vào tháng 7/1990; Hành trình về Bản Tèn của người H.mông vào tháng 9/1990; tuyên truyền về chương trình định canh định cư năm 1991 … các sự kiện: Kỳ họp HĐND tỉnh, Khai giảng năm học mới, các tin về kinh tế, xã hội … được gửi về đều đặn Ban thời sự VTV, Đài Bắc Thái khi đó được Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá cao về mức độ cộng tác, 02 phóng viên được công nhận là CTV thường xuyên của VTV. Thời gian cộng tác tin, bài với Đài Truyền hình Việt Nam cũng đồng thời là thời kỳ cho Phòng Truyền hình học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách thức làm chương trình truyền hình từ khâu tổ chức sản xuất, hình thức thể hiện văn bản, cách thức xây dựng kịch bản, chương trình, cách dẫn chương trình, dựng tin tức, bản tin, cách làm gạt tin, lồng tiếng, ghi hình … đã được học, tiếp cận từ Đài Truyền hình Việt Nam( Một ví dụ là hình thức văn bản kịch bản trên giấy ngang chính là được học tập, đưa về Đài tỉnh từ năm 1990 cho đến nay). Phòng cũng đã thể nghiệm làm một số chương trình truyền hình vào dịp xuân để phát trên truyền hình thị xã Bắc Kạn để diễn tập cho sau này.

 
Đồng chí Mai Phúc Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái và lãnh đạo Liên hiệp truyền thanh - phát thanh - truyền hình thăm khu phát sóng và cán bộ phóng viên, PTV, kỹ thuật của phòng truyền hình năm 1994


Được chuẩn bị chu đáo về con người, trang thiết bị ban đầu, cách thức tổ chức sản xuất, qua một thời gian nỗ lực chuẩn bị với sự giúp sức của ban biên tập cùng các phóng viên trong đài khi đó là: Xuân Toán, Đức Nhuận, Hoàng Bình … vào tối 02/9/1992 chương trình thời sự truyền hình đầu tiên của Đài Phát thanh Bắc Thái với thời lượng hơn 30 phút đã được lên sóng trên kênh 7, máy phát hình 100W của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái. Đạo diễn chương trình là anh Nông Văn Đông, Phát thanh viên dẫn chương trình là chị Nguyễn Thị Thu Hằng(Lệ Hằng), Phóng viên, Biên tập, tổ chức chương trình là Nguyễn Bảo Lâm, Quay phim là anh Tạ Đình Kiệm, Kỹ thuật viên là Dương Thế, Lệ Giang... Hình hiệu chương trình được đồ họa đơn giản là cột phát sóng với dòng chữ chương trình truyền hình thử nghiệm của Đài PTTH Bắc Thái, nhạc hiệu là “Du kích ca”, là nhạc hiệu của Đài từ thời  kỳ đầu. Việc sản xuất chương trình khi đó rất thủ công bằng việc đấu nối 02 đầu Video VHS JVC với nhau để dựng tin, hết tin thi dựng hình cắt chuyển tin từ 01 băng hình cắt, màu nền được in từ Đài THVN về. Dựng xong rất muộn nên đến giờ phát sóng( hết chương trình thời sự VTV) vẫn còn chưa ghép xong phần chào hết của PTV. Anh Đông vẫn quyết định cho phát băng chương trình, còn lời chào hết sẽ đọc trực tiếp khi hết chương trình. Dù khá run, nhưng chị Lệ Hằng vẫn đọc suôn sẻ lời chào hết. có một trục trặc nhỏ về kỹ thuật do nút bấm dai, không nhả, làm KTV Lệ Giang phát khóc khi bị đạo diễn nhắc nhở. Chương trình thử nghiệm đầu tiên ấy dược phát trong phòng phát hình tại tầng 2 khu phát hình Phủ Liễn, tham gia chứng kiến có đồng chí Đàm Đình Độ, Giám đốc Đài và một số đồng chí lãnh đạo phòng của Đài cùng những người thực hiện chương trình. Buổi phát hình đầu tiên đến nay đã tròn 30 năm(1992-2022), song sẽ là ấn tượng khó phai nhạt với những người đã dành công sức, tâm huyết cho buổi đầu còn non trẻ của truyền hình Bắc Thái, Thái Nguyên. 30 phút đầu tiên của ba mươi  năm về trước và hàng chục giờ của 02 kênh sóng truyền hình Thái Nguyên hôm nay là cả một chặng đường đầy vất vả đối với các thế hệ làm phát thanh, truyền hình Thái Nguyên.Việc phát chương trình truyền hình thể nghiệm được duy trì cho đến tháng 9/năm 1993 với 02 chương trình thời sự tổng hợp/tuần, chương trình chính thức được bắt đầu từ năm 1993( khi máy phát hình 01KW được đưavào hoạt động chính thức). Trong năm 1993, vào dịp kỷ niệm cách mạng tháng tám, quốc khánh 2/9 Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao và Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh tại sân vận động Thái Nguyên. Đây được coi là buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên của Đài Phát thanh - Truyền tỉnh. Năm 1993, chương trình truyền hình tỉnh được duy trì 03( 02) buổi thời sự và ca nhạc, phim truyện/tuần cho đến hết năm. Đến năm 1997, Đài có 04 buổi phát hình/tuần…
Năm 1996, Sau 31 năm sáp nhập; theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Bắc Thái được chia tách thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, thời điểm từ tháng 01/1997. Một không khí khẩn trương vào những tháng ngày cuối năm 1996 chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để hai tỉnh được tái lập đi vào hoạt động được ngay.

 
Chuyến công tác của phóng viên Đài PTTH Bắc Thái cùng các nhà báo về dự Đại hội Đảng bộ huyện Na Rì giữa nhiệm kỳ cuối năm 1992. Đoàn chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Bắc Thái và Huyện ủy Na Rì. 


Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái đã tăng cường công tác tuyên truyền các hoạt động, sự kiện thời điểm tháng 12/1996 và tháng 01/1997, chia tách, tái lập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn; các sự kiện có: Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ 6 - khóa VII ngày 06/12/1996 về phân công lãnh đạo tỉnh lâm thời của hai tỉnh cùng BCH Đảng bộ lâm thời của hai tỉnh. Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh Bắc Thái khóa IX  vào chiều 24 và ngày 25/12/1996, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về bộ máy lâm thời HĐND, UBND của hai tỉnh. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết kỳ họp; nghe và thông qua báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Thái năm 1996 - Đây là bản báo cáo cuối cùng của tỉnh Bắc Thái. (Khi chia tách tỉnh, Thái Nguyên có 60 Đại biểu HĐND tỉnh, Bắc Kạn có 19 Đại biểu, do không đủ nên phải bầu bổ sung vào tháng 4/1997). Kỳ họp này cũng đã thống nhất một số nội dung như: Tổ chức tọa đàm lãnh đạo tỉnh Bắc Thái qua các thời kỳ về hoàn thành sứ mệnh lịch sử 31 năm( 1965 – 1996); thống nhất tổ chức lễ ra mắt tỉnh Bắc Kạn vào 9h30 ngày 01/01/1997 tại Sân vận động thị xã Bắc Kạn với quy mô từ 2500 - 3000 người tham dự cùng đại biểu lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội và các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên…
Khi đó, một trong những công  việc được giao cho Phòng Truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái là xây dựng hình hiệu của Đài Thái Nguyên và Đài Bắc Kạn. Tôi và anh Tạ Đình Kiệm được phân công xây dựng ý tưởng, về đề nghị Trung tâm kỹ thuật Đài THVN giúp đồ họa chuyển động hai hình hiệu. Nhạc hiệu của Truyền hình Thái Nguyên được Ban biên tập quyết định vẫn tiếp tục lấy nhạc bài “ Du kích ca” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài Bắc Thái từ năm 1977; Về nhạc hiệu của Truyền hình Bắc Kạn, tôi đã thảo luận và thống nhất với anh Ma Đình Việt (sau này là Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn) và báo cáo Trưởng phòng truyền hình Nông Quang Đông và lãnh đạo Đài lấy nhạc bài hát “Chiến thắng Phủ Thông” của nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên. Tôi còn nhớ hình hiệu của hai Đài làm giống nhau khi đó được đồ họa kỹ thuật số trên nền sáng có biểu tượng Anten Parabol và tháp truyền hình tỏa sóng xuất hiện dòng chữ “ Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên (hoặc) Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn” tiếp đó là dòng chữ “ Chương trình truyền hình”
Khi dựng hoàn chỉnh cả hai hình hiệu, chúng tôi mang về báo cáo lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Ngô Hai, Bí thư Tỉnh ủy đồng chí Hà Văn Phụng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy( sau là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn từ tháng 01/1997) và lãnh đạo Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái nghiệm thu; các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo đài đã đánh giá hình hiệu của hai đài đảm bảo được tính hiện đại, kết hợp âm nhac có tính kế thừa và mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với hai tỉnh. Tuy nhiên, một tình huống khi đó là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã phát hiện ra ngay là hình hiệu của Bắc Kạn phải sửa lại vì lúc đó tên tỉnh là “Bắc Kạn” đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới cho phép thay cho tên cũ trước khi hợp nhất là “Bắc Cạn”; mặc dù trước đó tôi đã phải trực tiếp tìm các tài liệu lưu trữ những văn bản trước khi sáp nhập hai tỉnh để làm nội dung hình hiệu. Tôi lại thêm một lần trực tiếp mang hình hiệu của Đài Bắc Kạn về Hà Hội để cùng Trung tâm mỹ thuật Đài Truyền hình Việt Nam sửa lại để về kịp phục vụ sản suất chương trình đầu tiên của Đài Bắc Kạn
Cùng với đó, việc đầu tư, tu sửa, hoàn chỉnh bước đầu cơ sở vật chất của Đài Bắc Kạn trên cơ sở Trạm phát truyền hình thị xã Bắc Kạn đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái thực hiện nỗ lực vào cuối năm 1996. Đội ngũ những người làm phát thanh, truyền hình Bắc Thái  được chia tách để về làm sự nghiệp phát thanh, truyền hình của hai tỉnh; trong đó số ở lại Thái Nguyên trên 50 người, số về Bắc Kạn có trên 20 người.
Chương trình truyền hình tối 31/12/1996 đã phát lần cuối Hình hiệu chương trình truyền hình Bắc Thái cùng lời dẫn việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử 31 năm của tỉnh Bắc Thái và nói về một thời kỳ mới của phát thanh, truyền hình Thái Nguyên, Bắc Kạn; vào cuối chương trình PTV đã giới thiệu, phát Hình hiệu mới của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên; Chương trình truyền hình tối 01/01/1997, đã phát hình hiệu mới và lời dẫn bước sang một thời kỳ mới của vùng đất có tên gọi Thái Nguyên trong lịch sử. Sáng 01/01/1997, buổi lễ mít tinh tái lập tỉnh Bắc Kạn vào ngày 01/01/1997 đã được truyền hình trực tiếp với sự giúp đỡ về nhân lực và kỹ thuật của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên; cũng từ thời điểm ngày 01/01/1997, hình hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn trên nền nhạc ca khúc “ Chiến thắng Phủ thông” đã được sử dụng trong suốt một thời gian dài. Còn hình hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên trên nền nhạc bài “ Du kích ca” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận tiếp tục được sử dụng về sau này.
Từ năm 1997, Đài có 04 buổi phát hình/tuần; năm 1998, tăng lên 5 buổi, sau đó là 6 buổi/tuần. Từ năm 1999, Đài phát chương trình truyền hình vào các buổi tối. Năm 2002, tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với đồng chí Nguyễn Hữu Thiện ở phòng Kỹ thuật thiết kế, đồ họa Logo “TV” của Đài. Năm 2004, chương trình được phát lại vào sáng hôm sau. Từ ngày 01/10/2005, Ban biên tập Đài PT – TH Thái Nguyên quyết định tăng thời lượng chương trình truyền hình Thái Nguyên vào buổi chiều.
Từ rất sớm, Đài đã quan tâm đến việc xây dựng các chuyên mục, chuyên đề truyền hình như:Ngày 27/11/1993, tại trụ sở Ủy ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh đã diễn ra cuộc họp bàn giữa lãnh đạo Đài PT-TH Bắc Thái và Lãnh đạo của Ủy ban BVCSTE tinh về xây dựng công tác truyền thông về trẻ em Bắc Thái, đề xuất xây dựng chuyên mục truyền hình vì trẻ em( Hội nghị có đồng chí Đàm Đình Độ, Giám đốc Đài; Nguyễn Hữu Dung, Chủ nhiệm UBBVCSTE tỉnh; Tỉnh đoàn có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Bí thư tỉnh đoàn( sau này là Chủ tịch HĐND tỉnh rồi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có đồng chí Hà Văn Phụng, Trưởng ban - sau này là Bí thư tỉnh ủy Bắc Kạn; lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch. Ban biên tập chuyên mục có các đồng chí: Nguyễn Hữu Dung - Trưởng ban; Nông Văn Đông - Phó ban; Ninh Thị Hồng - Ủy viên thường trực; Nguyễn Bảo Lâm - Ủy viên và các thành viên là đại diện Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục, Văn Hóa, Công an tỉnh.
 Hội nghị đã thống nhất chương trình công tác truyền thông giai đoạn 1993 – 2000 và nhất trí cao việc mở chuyên mục Vì trẻ em trên sóng truyền hình tỉnh Bắc Thái - Đây là chuyên mục truyền hình đầu tiên của Truyền hình Bắc Thái. Ngày 16/12/1993, tại Ủy ban BVCSTE tỉnh lại tiếp tục có một cuộc họp do đồng chí Nguyễn Hữu Dung chủ trì, tham gia có đồng chí Nông Văn Đông, Ninh Thị Hồng, Nguyễn Bảo Lâm, Trần Chín và anh Tiến( Chuyên viên của UB BVCSTE tỉnh). Cuộc họp đã thống nhất nội dung chuyên mục số 1 và các số tiếp theo trong các tháng của năm 1994. Tối 03/1/1994, sau chương trình thời sự tỉnh, chuyên mục Vì trẻ em số 1 đã được phát sóng với thời lượng 20 phút - mở ra một giai đoạn mới có các chuyên mục trên sóng truyền hình tỉnh. Sau chuyên mục này, Đài tỉnh tiếp tục có các chuyên mục khác là: Vì An toàn giao thông, Truyền hình nhân đạo, Thanh Niên, Công nhân và Lao động Bắc Thái( sau chuyển thành truyền hình Công đoàn), Dân số và Phát triển…. Cho đến năm 1996, truyền hình tỉnh có thêm chuyên mục “ Thời sự tuần qua” được phát vào tối thứ hai hàng tuần nhằm điểm lại, phân tích, bình luận các sự kiện, vấn đề đáng chú ý trong dòng thời sự của tỉnh và cả nước. Chuyên mục do BTV Bảo Lâm đảm nhận sản xuất, dẫn được công chúng đánh giá cao. Cho đến thời điểm tách tỉnh ( tháng 12 năm 1996), trên sóng truyền hình tỉnh có 10 chuyên mục, chuyên đề. Đến năm 2006, Đài có 26 chuyên đề, chuyên mục trên sóng truyền hình, 15 chuyên đề, chuyên mục trên sóng phát thanh; Trong đó có 17 chuyên đề, chuyên mục phối hợp với các ngành để tổ chức thực hiện. Từ tháng 8/ 2005,  Ban biên tập Đài hoàn chỉnh đề án truyền hình tiếng Dao và bước đầu cộng tác với chương trình truyền hình tiếng dân tộc VTV5 của Đài truyền hình Việt Nam. Từ tháng 01/2006, chương trình truyền hình tiếng Dao thử nghiệm đã được phát sóng 01số/ tháng và phát lại, được công chúng quan tâm chú ý; Năm 2007, Đài mở phần tin trong nước, quốc tế trong chương trình thời sự tổng hợp phát thanh; Từ tháng 4/2007, Đài có thêm Chuyên mục Cải cách hành chính phát hàng tháng sau đó phát hàng tuần; Mở “ Bản tin Du lịch” phục vụ năm du lịch quốc gia 2007; xây dựng phim tài liệu “ Thái Nguyên – Điểm hẹn 2007”; Tháng 5/2008, Đài mở Bản tin trong nước và quốc tế trên truyền hình….Cho đến thời điểm năm 2010(khi tôi chuyển công tác), truyền hình Thái Nguyên có trên 40 chuyên mục, chuyên đề - Tất cả là một bước tiến dài của những người làm phát thanh, truyền hình tinh đối với sự nghiệp truyền hình tỉnh nhà.

 
Tháp truyền hình Thái Nguyên hôm nay
 
Trong rất, rất nhiều sự kiện mà tôi được tham gia đưa tin phản ánh, có những sự kiện không thể nào quên như: chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Thái của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào cuối năm 1992; chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Bắc Thái của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt năm1993; chuyến thăm, chúc tết và làm việc tại tỉnh Bắc Thái của Chủ tịch nước Lê Đức Anh năm1995. Đặc biệt, chuyến thăm lại Thái Nguyên của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vào 18 và 19/8/1995, Kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh Bắc Thái( 20/8/1965-20/8/1995). Ngày 18/8, Đại tướng đã về thăm Định Hóa, thăm xưởng chè Quán Vuông, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Định Hóa cùng đại biểu lão thành của huyện, các xã vùng ATK( do thời tiết mưa to, nên Đại tướng không trực tiếp về thăm lại các nơi đã một thời Đại tướng gắn bó mà chỉ gặp mặt tại Hội trường của huyện, Đại tướng đã hứa là chuyến sau sẽ về với các xã vùng ATK); Đại tướng đã dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh vào ngày 19/8/1995.
Sau đó, vào ngày 12 và 13 tháng 8/1998, thực hiện lời hứa của mình trong chuyến về Bắc Thái năm 1995, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã có chuyến thăm tỉnh Thái Nguyên sau khi được tái lập. Toàn bộ hoạt động chuyến thăm này của Đại tướng đã được tôi(Nguyễn Bảo Lâm, là phóng viên truyền hình duy nhất của Thái Nguyên lúc đó ghi hình bằng máy quay Camera SVHS M9000) ghi hình, phản ánh. Tư liệu chuyến thăm đã được Đài đưa vào phim “ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên” với những hình ảnh chân thực, sống động của Đại tướng khi về thăm lại các di tích lịch sử cách mạng tại Định Hóa và đến nay trong các dịp tuyên truyền về ATK, về kháng chống pháp … các phóng sự của Đài vẫn sử dụng các hình ảnh này về Đại tướng. Một chi tiết quan trọng là tại nhà trưng bày ATK Tỉn Keo, sau khi xem bức ảnh ngày 6/12/1953, Bác Hồ với các đồng chí trong Bộ chính trị bàn, ra quyết định mở chiến dịch Điện biên phủ; Đại tướng đã nói: Không phải bức ảnh này; bức ảnh này của thời điểm khác, khi ấy chỉ có bốn người là Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng và tôi( Võ Nguyên Giáp). Do tôi đang quay phim, đứng rất gần Đại tướng nên đã nghe rõ như vậy. Sau đó Đại tướng đã nói: “Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết sử thì có thể viết nhiều lần và có nhiều người viết; điều quan trọng, cốt yếu là phải tôn trọng sự thật lịch sử”. Về kỷ niệm và cũng là dấu ấn khó quên này như là một bài học đối với người làm báo là phải trân trọng lịch sử, tôi đã viết lại và được một số trang báo và ấn phẩm đăng tải lại câu chuyện. Về kỷ niệm nghề nghiệp trong dòng chảy 30 năm ấy, cũng phải nhắc đến một dấu ấn trong đấu tranh chống tiêu cực mà Đài Bắc Thái, Thái Nguyên đã thực hiện. Ngày 09/11/1996, một sự kiện được đông đảo dư luận nhân dân trong và ngoài tỉnh quan tâm đó là vụ việc hành hung cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm và phóng viên Đài tỉnh. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Bắc Thái đang chuẩn bị tách tỉnh thành Bắc Kạn và Thái Nguyên. Ngay sau vụ việc xảy ra, Hội nhà báo tỉnh đã họp, có ý kiến chính thức về việc này. Đồng chí Đàm Đình Độ, Giám đốc Đài đã cùng các cán bộ của Đài về Đài THVN làm việc với đồng chí Hồ Anh Dũng, Tổng giám đốc để cung cấp thông tin cùng quan điểm của đài tỉnh và tỉnh Thái Nguyên; các cơ quan báo chí Trung ương như: Đài Tiếng nói Việt nam, Báo Nông nghiệp đã vào cuộc cùng với đài tỉnh để thông tin về vụ việc này … Ngày 14/12/1996, Ban Nội chính Tỉnh ủy do đồng chí Hoàng Lịch Phó Trưởng ban đã chủ trì cuộc họp với các ngành: Công an, Viện kiểm sát, Ban Tuyên giáo, Hội nhà báo tỉnh, Kiểm lâm, huyện Đồng Hỷ và Đài PT - TH tỉnh để thống nhất quan điểm xử lý, giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật. Bằng nhiều nỗ lực, công sức của tập thể Đài, sự ủng hộ, đồng tình của quần chúng nhân dân và quan điểm rõ ràng của lãnh đạo tỉnh( ngày ; vụ việc đã được giải quyết sau gần 02 năm. Phóng viên Hải Chiều(Nguyễn Văn Chiều) được Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn tặng Bằng khen. Đây có thể coi là một thành công lớn của Đài Bắc Thái, Thái Nguyên trong đấu tranh chống tiêu cực trên sóng truyền hình….
878f53669e9c5bc2028d
Gặp mặt những cán bộ, phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên làm truyền hình Bắc Thái, Thái Nguyên

Hôm nay, khi viết lại những dòng này để nhớ lại những buổi đầu gian khó của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Thái, Thái Nguyên trong ba mươi năm ấy mà tôi vẫn thấy như mới xảy ra hôm qua. Nhớ lắm những năm tháng nỗ lực, say mê vì sự phát triển của sự nghiệp truyền hình hôm nay. 30 năm đã qua, hai Đài: Thái Nguyên, Bắc Kạn đã ngày một lớn mạnh với các chương trình được phủ sóng qua vệ tinh như hình ảnh biểu tượng Anten Parabol trong hình hiệu ban đầu. Với tấm lòng của một người được gắn bó 20 năm với sự nghiệp truyền hình, xin được chúc cho hai Đài Phát thanh - Truyền hình của hai tỉnh ngày một phát triển, xứng đáng với truyền thống của quê hương Việt Bắc anh hùng./.       
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập201
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay12,623
  • Tháng hiện tại241,060
  • Tổng lượt truy cập27,890,805

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:246 | lượt tải:66

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:472 | lượt tải:151

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:447 | lượt tải:157

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:79 | lượt tải:19

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:81 | lượt tải:22

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây