Thể hiện sự tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ
Theo đó, 5 năm là một thời gian ngắn cho việc thành lập và đưa vào hoạt động của một bảo tàng mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm đổi mới hoạt động, thu hút khách tham quan. Đã có 636 là tài liệu, hiện vật khi vừa tiến hành Đề án xây dựng Bảo tàng (2013-2017) đã sưu tầm được. Khi Đề án được Thủ tướng phê duyệt, cũng là khi Bảo tàng đã chuẩn bị đủ điều kiện để mở cửa trưng bày, đón khách tham quan.
Đến nay, kho cơ sở của Bảo tàng đang lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu hiện vật. Đó là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, Bảo tàng đã tổ chức 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí đã được tổ chức tại Bảo tàng và lưu động ở các địa phương khác như ở Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
Dù trong điều kiện dịch Covid, có nhiều thời gian giãn cách xã hội ngặt nghèo, sau hai năm mở cửa đón khách, đã có hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên facebook, hàng trăm nghìn lượt truy cập website của Bảo tàng.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc khảo sát, định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên.
Đã biên soạn, xuất bản 1 cuốn sách tư liệu về lịch sử báo chí; thực hiện thành công 2 đề tài nghiên cứu khoa học (đã được nghiệm thu, đánh giá tốt). Sản xuất 250 phim tư liệu và clip về chân dung các nhà báo, các giai đoạn lịch sử báo chí, trong đó có chùm phim đoạt Giải B, Giải Búa Liềm vàng năm 2021 và 1 phim được nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, 2021.
Theo đánh giá của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đây là kết quả của bao tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và công chúng báo chí, trực tiếp là của những người làm bảo tàng.
Tuy nhiên để định hướng cho nhiệm vụ, kế hoạch của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong thời gian tới, các đại biểu tham dự, các nhà quản lý, chuyên gia báo chí, chuyên gia bảo tàng, cố vấn của Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại tọa đàm đã đưa ra các ý kiến đóng góp tâm huyết, thực tế và khoa học cho định hướng phát triển Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay kho cơ sở Bảo tàng đang lưu giữ một khối lượng tài sản báo chí quý, hiếm nhưng việc khai thác, phát huy giá trị của các di sản này để phục vụ cho công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học phục vụ công chúng đang rất khiêm tốn. Nhất là trong giai đoạn công nghệ số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác sưu tầm vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài ra các không gian trưng bày cố định cần tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để bắt kịp sự chuyển đổi công nghệ trưng bày, đặc biệt là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí…
Tiếp tục nỗ lực đổi mới hoạt động, thu hút khách tham quan
Cám ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự, nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Có nhiều điều đã làm được và có nhiều phần việc ở phía trước, vì thế Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập kết hợp tổ chức hoạt động tọa đàm để đánh giá kết quả đạt được, có định hướng cho tương lai. Trong đó chúng tôi xác định có tương lai gần ở giai đoạn 2022-2030 bảo tàng sẽ như thế nào? và có những hoạch định xa hơn 2030 – 2050, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ ở đâu trong bản đồ bảo tàng thế giới.
Cũng tại chương trình, các cán bộ, nhân viên bảo tàng và các nhà báo lão thành, hội viên cơ quan Trung ương Hội đã cùng ôn lại truyền thống và những dấu ấn của đơn vị. Tham gia hoạt động trưng bày với các hình ảnh, tư liệu đặc sắc gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: 5 năm qua là một chặng đường khiêm tốn nhưng rất đáng tự hào mà các chuyên gia, cố vấn, các cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã trải qua.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đức Lợi chúc mừng những thành quả mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đạt được trong quá trình vừa qua.
"Tôi tin rằng những ý kiến sâu sắc, tâm huyết mà các chuyên gia, cố vấn của Bảo tàng đã trình bày ngày hôm nay sẽ gợi mở những cách làm hay, những hướng đi mới, các xu hướng phát triển bảo tàng trước mắt cũng như lâu dài để Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thể tiếp thu, nghiên cứu vận dụng và triển khai trong thực tế. Càng chủ động, sáng suốt hoạch định lối đi, càng có tầm nhìn xa, càng có cơ hội hiện thực hóa những mong ước và mục tiêu đề ra", nhà báo Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tôn vinh, khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây cũng là hoạt động ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam