Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà báo say mê, yêu nghề, ham học hỏi

Thứ hai - 22/07/2024 08:27   Đã xem: 208   Phản hồi: 0

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc của nghề báo, nắm rất chắc tư duy và phương pháp làm báo và biết được sự trăn trở, suy tư của người làm báo để có được một tác phẩm báo chí tốt và kịp thời phục vụ công chúng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân mà ông còn là một nhà báo chuyên nghiệp. Sau này khi đã ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục viết báo, quan tâm đặc biệt đến các nhà báo và chỉ đạo sát sao công tác báo chí…
Nhà báo không chỉ “được bay nhảy”
Theo tư liệu của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khoá khoá 8 (1963 - 1967) chàng thanh niên Nguyễn Phú Trọng được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đó, ông hoàn toàn bất ngờ và không khỏi băn khoăn, lo lắng, nhưng đã là đảng viên thì phải chấp hành sự phân công của tổ chức.

 
tong bi thu nguyen phu trong nha bao say me yeu nghe ham hoc hoi 232509583

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (người đứng thứ hai từ trái sang) khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội. Nguồn: ĐH Quốc gia Hà Nội

Ở môi trường báo chí, Nguyễn Phú Trọng đã trưởng thành từ một nhân viên tập sự, làm công tác tư liệu trước khi viết báo. Ông công tác ở Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí rồi được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10/1983), Trưởng ban (tháng 9/1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3/1989), Phó Tổng biên tập (tháng 5/1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8/1991)
29 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc của nghề báo, do đó, ông nắm rất chắc tư duy và phương pháp làm báo và biết được sự trăn trở, suy tư của người làm báo để có được một tác phẩm báo chí tốt và kịp thời phục vụ công chúng.
Nói về nghề, nhà báo Nguyễn Phú Trọng cho biết, hồi học phổ thông ông thích nghề làm báo chỉ đơn giản là do cảm tính, thấy "được bay nhảy", "được đi đây đi đó", nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, ông càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn.
Trong quãng đời làm báo chuyên nghiệp, nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề.
Có lần phát biểu trước các nhà báo ở Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: "Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng".
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã gắn bó và có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của Tạp chí Cộng sản, nhất là từ khi ông làm Phó Tổng biên tập rồi Tổng Biên tập. Trong thời kỳ này Tạp chí Cộng sản đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bớt tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

“Người anh” cẩn thận, công bằng

Nhà báo Vũ Lân (người có thời gian làm việc ở Tạp chí Cộng sản cùng với nhà báo Nguyễn Phú Trọng) kể rằng, nhà báo Nguyễn Phú Trọng có tính cách rất cẩn thận và công bằng. Tính chu đáo ấy vốn có từ lúc ông còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho đến khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước.

 
tong bi thu nguyen phu trong nha bao say me yeu nghe ham hoc hoi 232506556

Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và nhà báo Vũ Lân trong một chuyến đi công tác năm 1996 tại Tuyên Quang. Ảnh: Tư liệu
 
Theo nhà báo Vũ Lân, đã thành thông lệ, những tờ báo, tạp chí đặt bài viết đứng tên ông Nguyễn Phú Trọng, nếu báo chí nêu ý tưởng, đầu đề bài báo và tìm tài liệu, chấp bút rồi được ông đọc, ký duyệt đăng thì bộ phận chuẩn bị, chấp bút hưởng toàn bộ nhuận bút.
Nếu ý tưởng, tiêu đề bài báo do ông đề xuất, bộ phận thư ký cung cấp tài liệu, trên cơ sở đó, các nhà báo, biên tập viên chấp bút thể hiện, ông đọc, biên tập, duyệt đăng thì khi có nhuận bút sẽ chia đôi: Tác giả đứng tên nhận một nửa, bộ phận chuẩn bị, chấp bút một nửa. Còn những bài báo, công trình nghiên cứu đứng tên ông Nguyễn Phú Trọng và được ông duyệt đăng thì nhuận bút hoàn toàn thuộc về tác giả.
“Tất cả các bài báo đứng tên Nguyễn Phú Trọng đều do ông viết, đọc bông, chỉnh sửa rất tỉ mỉ. Lĩnh được nhuận bút, ông thường mời các biên tập viên trong Ban Xây dựng Đảng, một số nhà báo thân thiết trong Tạp chí ra quán khao một bữa”, nhà báo Vũ Lân kể lại.
Còn theo lời kể của nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ, cựu sinh viên khoá 18 của khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã có thời gian 2 năm 1990 - 1991 được tiếp xúc và làm việc với nhà báo Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản).
Theo nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ, ấn tượng nhất đối với ông là sự gần gũi, thân tình của nhà báo Nguyễn Phú Trọng. Khi ông tới gặp để mời “ông cụ” về thỉnh giảng cho Khoa thì được nhận lời ngay bằng câu nói “Được trở về phục vụ khoa ta thì còn gì bằng nữa, anh sẵn sàng!”

 
tong bi thu nguyen phu trong nha bao say me yeu nghe ham hoc hoi 232512445

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2012. Nguồn: VNU

“Anh còn mời: em cứ chủ động ra sớm, ăn cơm cùng anh chị để vào trường cho kịp giờ giảng, đỡ lo nấu. Bởi anh biết vợ tớ bận đi làm, không về trưa mà thằng con mới 3 tuổi thì gửi nhà trẻ nên cũng là cảnh buổi trưa "cơm nguội", nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ hồi tưởng.
Vì chưa có xe máy, mỗi tuần 2 buổi thầy Vĩ đều đặn đi xe đạp đến đón nhà báo Nguyễn Phú Trọng từ phố Nguyễn Thượng Hiền về khu giảng đường ở Thượng Đình. Khi thầy Vĩ hỏi chuyện phương tiện đi lại về lâu dài thế nào thì được “cụ” trả lời: Việc anh lên lớp thế này là do anh nhận lời riêng với khoa, là tư cách cá nhân. Mà đã là chuyện cá nhân thì không nên dùng xe công (vị trí Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã có chế độ xe ô tô đưa đón).
>>Kỳ sau: Người đồng nghiệp lớn của báo chí

Nguồn tin: congluan.vn:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập147
  • Hôm nay24,709
  • Tháng hiện tại368,039
  • Tổng lượt truy cập26,650,451

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:50

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:126

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:136

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:187

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:258

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây