+ Trong những năm gần đây, Trung Đông là điểm nóng về bất ổn chính trị, xung đột về quân sự... Một sự kiện xảy ra có nhiều thông tin khác nhau, làm sao phóng viên có được thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất, thưa anh?
- Tin giả đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Tại khu vực có nhiều mâu thuẫn, xung đột và nghi kị như Trung Đông, vấn nạn tin giả lại càng nổi rõ. Trong nhiều trường hợp, tin giả không chỉ đơn thuần xuất phát từ một vài cá nhân riêng lẻ, đó là cả một cuộc chiến tranh thông tin bài bản được các bên giăng ra, với nhiều dụng ý… Nhưng chúng tôi xem đó vừa thách thức, lại cũng là cơ hội để các phóng viên thường trú khẳng định được giá trị của mình.
Thời đại internet, mạng xã hội khiến thế giới ngày càng phẳng hơn. Những câu chuyện xảy ra tại các vùng đất xa xôi thì người Việt Nam nay cũng có thể tiếp cận một cách nhanh chóng. Nhưng điều mà các phóng viên thường trú có thể phát huy, chính là đem đến cho khán thính giả, độc giả những góc nhìn sâu xa, những bản chất ẩn đằng sau những sự việc xảy ra tại vùng đất mà mình thường trú. Và trong nhiều trường hợp các phóng viên thường trú tại nước ngoài cần đóng vai trò như một “bộ lọc” giúp khán giả có được những hiểu biết đúng đắn và chân thực về những vấn đề đang xảy ra trên thế giới.
Với tôi thì các phóng viên thường trú nước ngoài, nếu càng hòa được mình vào cuộc sống bản địa, sẽ càng có được cái nhìn sâu hơn trước một sự việc xảy ra ở vùng đất ấy và càng tỉnh táo hơn trước những “bẫy tin giả”. Như gần đây nhất là những câu chuyện về xung đột Israel – Hamas, hay căng thẳng Iran – Israel. Có những thuyết âm mưu hay những con số thoạt nghe thì rất giật gân. Nhưng rồi nếu đặt nó trong một bối cảnh tổng thể, thử đưa vào liên kết với các yếu tố khác mà mình đã biết, thì sẽ cảm thấy được sự vô lý.
Người làm báo, vì thế theo tôi cần xây dựng cho mình một khối kiến thức nền vững chắc để nâng cao tư duy phản biện. Ngoài ra ở mỗi vùng đất mà chúng tôi đi qua, tôi cũng đều cố gắng xây dựng cho mình mạng lưới những người bạn. Chính từ mạng lưới này đã giúp tôi rất nhiều trong việc đưa đến những cái nhìn nhiều chiều, có thể nghe từ nhiều phía đối với một vấn đề.
Nhà báo Anh Phương có mặt tại tâm chấn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, một chuyến tác nghiệp để lại nhiều cảm xúc. Ảnh: NVCC
+ So với các thể loại báo chí khác, truyền hình bắt buộc phải có hình ảnh, video. Anh đã từng đến khu vực giao tranh, xung đột, nơi có thảm họa động đất… Vậy yếu tố an toàn trong tác nghiệp được thực hiện ra sao, thưa nhà báo?
- Câu hỏi này đã được tôi đặt ra với những đồng nghiệp từ các cơ quan truyền thông lớn như CNN (Mỹ) hay DW (Đức) ngay từ những ngày đầu tôi đi thường trú. Vùng đất Trung Đông nhiều rủi ro, biến động khó lường, có nguyên tắc gì để chúng tôi có thể đảm bảo sự an toàn, tránh được những nguy hiểm khi tác nghiệp đây?
Và họ đã thành thật mà khuyên chúng tôi rằng, hãy đừng nhìn những gì mà họ làm trên TV, để rồi liều lĩnh tự mình lao vào những điểm nóng mà đưa tin... Hằng ngày khán giả nhìn thấy những phóng viên của CNN, Al Jazeera hay RT… có mặt tại hầu như mọi điểm nóng trên thế giới, từ Dải Gaza cho tới Ukraina… Nhưng đằng sau đó không đơn thuần là lòng yêu nghề hay tính chuyên nghiệp của các phóng viên. Trên hết đó còn là những khoản chi phí khổng lồ nữa.
Trong nhiều trường hợp, để xuất hiện tại các điểm nóng, các hãng truyền thông lớn phải thuê các công ty an ninh riêng để khảo sát địa hình trước khi phóng viên đến. Họ cũng phải thuê một đội ngũ bản địa để dẫn đường, tư vấn những khu vực có thể đứng tác nghiệp, chỗ đặt máy quay, chỗ nào có thể và không thể lao vào… Tất nhiên vẫn không thể tránh những yếu tố may rủi.
Trước đây, tôi đã từng tác nghiệp ở Bờ Tây (Palestine), phía sau là đạn bắn, là lựu đạn hơi cay, trông rất nguy hiểm. Nhưng thực chất trước đó tôi đã được các đồng nghiệp, người dân địa phương dẫn đi. Trong nhiều trường hợp quân đội cũng biết sự có mặt của báo chí ở khu vực này. Và xung đột đó có mức độ rủi ro bom rơi đạn lạc ở mức chấp nhận được. Các phóng viên phản ánh tin tức chứ đừng biến mình thành tin tức, đây như một câu châm ngôn của các phóng viên chúng tôi khi đi vào các điểm nóng xung đột. Có một nguyên tắc bất di bất dịch, không chỉ với chúng tôi mà với cả bất cứ phóng viên nào, khi tác nghiệp tại những điểm nóng, đó là không có tin tức nào quan trọng hơn mạng sống.
+ Trong nhiều thời điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền dữ liệu trong báo chí là cực kỳ quan trọng, vậy công nghệ làm báo hiện đại được anh và đồng nghiệp tận dụng ra sao để truyền tải sớm thông tin từ các điểm nóng, thưa anh?
- Đi nhiều nước khác nhau, tôi thấy hiện nay năng lực làm báo làm truyền hình của Việt Nam không khác nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Để đưa tin trực tiếp tại hiện trường, các phóng viên thường trú của VTV thường hay sử dụng một thiết bị gọi là Streambox, gắn với máy quay là có thể truyền được hình ảnh ở bất cứ đâu về để phát sóng. Thực tế bản thân chúng tôi cũng khá linh hoạt khi sử dụng thiết bị tác nghiệp, không phải lúc nào cũng là một máy quay to, đôi khi chỉ là chiếc điện thoại để quay những thước phim, để phỏng vấn.
Tôi nghĩ rằng hình ảnh đôi khi long lanh, sắc nét không hẳn là ưu điểm. Điều quan trọng hơn là nội dung hấp dẫn, chân thật. Điều đó có sức nặng hơn để chinh phục khán giả. Có những chi tiết đắt mà chất lượng hình ảnh có phần không mượt mà, thì vẫn dễ được khán giả cảm thông.
Nhà báo Anh Phương trong cuộc phỏng vấn Giáo sư Abdulkhaleq Abdulla - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống Nhất. Ảnh: NVCC
+ Trung Đông là vùng rộng lớn, là khu vực có thời tiết khắc nghiệt, anh có thể kể cho độc giả về một chuyến đi mà anh và đồng nghiệp thấy đáng nhớ nhất?
- Trận động đất ngày 6/2/2023 quét qua 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi biết lực lượng Việt Nam sẽ sang hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, ê kíp chúng tôi đã chủ động có mặt từ sớm. Vậy nhưng thực tế phải đối mặt thì thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Thời tiết ban đêm xuống tới -5, -6 độ C, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, không điện nước, sóng điện thoại, internet thì chập chờn…
Chúng tôi ngủ trong túi ngủ mang theo, mỗi khi Mặt Trời lặn mọi người lại vật lộn với giá rét. Những lúc như vậy, tôi và bạn quay phim thường tự động viên nhau rằng hãy nhìn những nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ còn sống sau trận động đất, họ còn đang phải hứng chịu những nỗi đau gấp trăm ngàn lần. Nhưng ký ức sâu đậm thì không chỉ có sự gian khó, hay sự rủi ro từ những đợt dư chấn vẫn cứ tiếp diễn.
Ấn tượng hơn cả chính là hình ảnh những người lính của Việt Nam nơi tâm chấn động đất. Và đằng sau đó tôi cảm nhận được lòng biết ơn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với những người lính quốc tế đã vượt vạn km để có mặt hỗ trợ người dân nước họ. Tôi cảm thấy được một tình cảm trào dâng của những người Thổ Nhĩ Kỳ và niềm tin của họ vào những một tình yêu thương tinh khiết giữa con người với con người.
Ở đây, 2 tiếng Việt Nam thường tạo ra những ấn tượng và thiện cảm. Một khu vực vốn nhiều nghi kỵ, mâu thuẫn, nhưng khi biết chúng tôi là các phóng viên của Việt Nam thì hầu như đều tỏ rõ sự vui mừng chào đón. Nhiều người nhắc tới Việt Nam với sự cảm phục về lịch sử và đất nước của hòa bình, hữu nghị… Đó thực sự là một thuận lợi để chúng tôi tác nghiệp tại mảnh đất đầy mâu thuẫn như Trung Đông.
+ Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này!
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024