Được giao làm phóng viên chuyên trách tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân có nhiều kỷ niệm rất đáng nhớ.
Nhà báo Đỗ Phú Thọ kể rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nhiều chuyến đi công tác bằng phương tiện công cộng cùng với phóng viên, ăn cơm do văn phòng chuẩn bị và thường ngồi chung với anh em báo chí.
Trên những chuyến xe ca đi công tác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thường ngồi giữa, cánh nhà báo ngồi xung quanh. “Chẳng mấy khi được tâm sự cùng đồng nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nói và khai thác "ngược" những đồng nghiệp. Cánh báo chí khi ấy được yêu cầu phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”.
Rất khâm phục là mặc dù công việc rất bận nhưng Chủ tịch Quốc hội thường xuyên đọc báo, nghe đài. Những phóng viên chuyên trách thường xuyên được góp ý về cách đưa tin, hình thức thể hiện.
Nhà báo Đỗ Phú Thọ cho biết, ông nhớ mãi kỷ niệm vào dịp Tết Kỷ Sửu 2009, khi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đến thăm và chúc Tết Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn. Hôm sau tác giả được khen: “Bài viết của Thọ tốt đấy nhưng có một chi tiết tại sao Thọ lại không đưa vào bài, đó là kiến nghị của một đồng chí Bộ đội Biên phòng về chính sách hậu phương quân đội?”. Nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói, tác giả “giật mình, lúng túng bởi không ngờ đồng chí lại đọc báo kỹ, nhớ từng chi tiết trong bài báo đến vậy”.
Là một nhà báo giỏi nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn khiêm tốn trong nghề. Trong cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII hồi tháng 2/2021, đồng chí chia sẻ: "May mắn 30 năm làm báo, nhưng là làm tạp chí, tôi “mon men” làm quen, được biết tư duy, phương pháp làm việc của nghề báo. Cảm ơn các anh các chị, Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp”.
Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân chia sẻ thêm, cứ mỗi lần chuẩn bị phỏng vấn, với đối tượng là nhà báo nước ngoài, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời thận trọng, thỉnh thoảng xen vào những câu hài hước làm người hỏi thích thú.
“Nhưng với các phóng viên chuyên trách khi phỏng vấn thì đồng chí luôn coi chúng tôi là đồng nghiệp. Đã nhiều lần đồng chí “chữa” lại câu hỏi cho chúng tôi", nhà báo Đỗ Phú Thọ kể lại.
Theo nhà báo Đỗ Phú Thọ, trong những lần đi công tác nước ngoài, trước những vấn đề nhạy cảm, anh em báo chí viết bài, làm tin thường xin ý kiến trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Và dù trong giờ hành chính hay đêm khuya, cánh báo chí vẫn được vị lãnh đạo cấp cao giúp đỡ trong việc đọc, sửa từng chi tiết, câu chữ…
Là nhà báo chuyên nghiệp, hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất am hiểu vai trò của báo chí trong đời sống xã hội. Theo Tổng Bí thư, báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.
Phát huy truyền thống ấy, trong thời kỳ đổi mới, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Đến khi đã ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục dành cho báo chí và các nhà báo sự quan tâm đặc biệt. Giới báo chí luôn đón đợi và mừng vui khi được Tổng Bí thư đến dự những sự kiện quan trọng như Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam, Lễ trao giải báo chí Quốc gia, Lễ trao giải báo chí Búa Liềm Vàng…
Tại những sự kiện này, Tổng Bí thư luôn dành cho những người làm báo một tình cảm đặc biệt ấm áp, thân tình. Tổng Bí thư chia sẻ, lắng nghe các ý kiến nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để báo chí, đội ngũ những người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng.
Tuy đánh giá cao những đóng góp tích cực của báo chí cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thường xuyên lưu ý, nhắc nhở những người làm báo về những thiếu sót, khuyết điểm cần kiên quyết sửa chữa, khắc phục.
Ngay từ tháng 8/2010, phát biểu chỉ đạo Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội) đã chỉ ra tình trạng một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, sa vào giật gân, câu khách tầm thường, để lọt những thông tin sai sự thật, lộ bí mật quốc gia, làm tổn hại đến lợi ích chung của nhân dân, của đất nước; đưa thông tin tiêu cực một chiều.
Tổng Bí thư cũng nghiêm khắc nhắc nhở khi một số ít nhà báo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của giới báo chí…
Đến Đại hội X (tháng 8/2015), Tổng Bí thư tiếp tục có những đánh giá rất xác đáng về báo chí: "Xu thế toàn cầu hóa truyền thông, thông tin vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí. Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả đối với hoạt động của báo chí nói chung cũng như Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo".
Những vấn đề mà Tổng Bí thư nêu ra tại các kỳ Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc.
“Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc”, Tổng Bí thư yêu cầu.
Đặc biệt, Tổng Bí thư cho rằng, báo chí phải là diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững. Nhưng những người làm báo vẫn nhớ về ông, trước hết, với tư cách một người đồng nghiệp lớn.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam