Về Di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam

Thứ năm - 17/04/2025 13:51   Đã xem: 45   Phản hồi: 0

Trong hành trình về nguồn ATK Định Hóa, Thái Nguyên- một địa chỉ đỏ, căn cứ địa cách mạng vô cùng vững chắc, là ATK tuyệt đối bí mật, Định Hóa còn là “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ở và việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi. Với 183 địa điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, quần thể Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa được Đảng, nhà nước ta đánh giá là quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX và được chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Trong quần thể di tích ấy, có địa chỉ được nhiều nhà báo, người làm báo trên cả nước biết đến, đó là Di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa.


Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên về nguồn tại Di tích Nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Lần thứ VII.
 
Trong năm 2025 này có ý nghĩa đặc biệt hơn với các nhà báo, đó là kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, địa điểm di tích Di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam được nhiều cơ quan báo chí, Hội nhà báo các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động về nguồn.
Trở lại lịch sử, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa đã diễn ra Hội Nghị thành lập Hội những người viết báo Việt Nam nay là Hội nhà báo Việt Nam. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 23/8/2004. Năm 2005, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng nhà bia di tích ghi dấu sự kiện. Năm 2010, Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng nhà trưng bày lưu niệm hai tầng khang trang, trong đó tầng 1 giao cho địa phương làm nơi sinh hoạt chung của nhân dân trong xóm; tầng 2 dành để trưng bày, giới thiệu các hiện vật, hình ảnh về sự phát triển của báo chí Việt Nam nói chung và Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ. Từ khi xây dựng đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam và Ban quản lý Khu di tích ATK Định Hóa Thái Nguyên đã nhiều lần tiến hành hành tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục công trình và trưng bày bổ sung thêm một số tài liệu, hiện vật mới. Hiện nay, Nhà trưng bày lưu giữ trên 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự phát triển của báo chí Việt Nam nói chung và Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kì, với 4 giai đoạn, đó là: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 – 1925; Báo chí cách mạng thời kỳ trước khi thành lập Hội NBVN (1950); Hội Nhà báo Việt Nam thời kỳ (1950 – 1985); Hội Nhà báo Việt Nam thời kỳ 1986 đến nay.
Với từng giai đoạn lịch sử, đều có những hình ảnh được sắp xếp, trình bày theo tiến trình thời gian, tạo cho người xem có thể hình dung cả quá trình hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Nam Kỳ được coi là xứ thuộc địa và được hưởng quyền tự do báo chí như chính quốc. Điều này đã dẫn tới sự ra đời của tờ “Gia Định báo” – Tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam, ngày 15/4/ 1865 tại Sài Gòn. Tờ báo do ông Trương Vĩnh Ký làm chủ bút, đây cũng là nhà báo đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Tiếp sau đó, đã có rất nhiều tờ báo khác ra đời cả ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người đã nhận ra rằng: Báo chí chính là vũ khí sắc bén, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài Người đã rất quan tâm tới việc sử dụng báo chí để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Trong giai đoạn này, cũng phải kể đến những tờ báo tiếng pháp xuất bản tại Pari, được đưa về Việt Nam để tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó có tờ báo Le –Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chủ bút. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng. Tờ báo theo chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc. Tờ báo tạo tiền đề đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Tiếp đến nhiều tờ báo lần lượt ra đời như Tờ Thân ái, Búa liềm, Lao động, Tranh đấu…  tính đến tháng 6/1936 có 120 tờ báo của Đảng xuất bản cả bí mật lẫn công khai.

Các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Quảng Trị và Thái Nguyên thăm Bia Di tích Nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc.

Thực tế này đã đặt ra một yêu cầu, phải có một tổ chức chung của những người làm báo. Chính vì vậy, đầu năm 1947, Đoàn báo chí Kháng chiến được thành lập tại ATK Định Hóa do đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Tháng 4/1949, trong muôn vàn khó khăn thiếu thốn, được sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn báo chí kháng chiến đã mở lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo cán bộ cho phong trào báo chí kháng chiến kiến quốc đang phát triển (tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Năm 1949, báo Cứu quốc do đồng chí Xuân Thủy làm chủ nhiệm đã đặt tòa soạn, nhà in, nơi phát hành tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc. Vào buổi chiều ngày 21/4/1950, đại diện các báo của Đảng, Mặt trận và báo các đoàn thể, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đã họp tại Hội trường 8 mái của Tổng bộ Việt minh, xóm Roòng Khoa – Hội trường đơn sơ, giản dị bằng tranh tre, nứa lá. Đồng chí Xuân Thủy được Trung ương Đảng giao chủ tọa Hội nghị. Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã thấy rằng tên cũ “Đoàn báo chí kháng chiến” không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước ta, khi đó hoạt động cả ở vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiếm. Hội nghị quyết định thành lập và lấy tên Hội những người viết báo Việt Nam, tức Hội nhà báo Việt Nam ngày nay. Hội nghị bầu ra ban chấp hành hội gồm 10 nhà báo, đồng chí Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển, bước ngoặt của báo chí cách mạng Việt Nam và được xác định là Đại hội lần thứ nhất của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội những người viết báo Việt Nam ra đời với mục đích là góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân, bằng nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi của những người viết báo, nâng cao vị thế của người làm báo và giúp đỡ lẫn nhau. Tháng 7/1950, tại Đại hội lần thứ III của Tổ chức quốc tế các nhà báo họp tại Hensiki, Thủ đô Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là một thành viên chính thức với trên 300 hội viên. Các nhà báo đã dùng ngòi bút, sóng phát thanh, ống kính, máy quay phim làm vũ khí và cầm súng chiến đấu, không ít những nhà báo đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Đoàn công tác của Học viện Báo chí và tuyên truyền về nguồn thăm Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
 
 75 năm trôi qua, cùng với sự biến động trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc, các thế hệ nhà báo đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng. Hội nhà báo Việt Nam không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, trở thành tiếng nói của Đảng, nhà nước, nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Địa điểm di tích nơi thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam đã ghi dấu sự quan tâm sâu sắc của Đảng, chính phủ, đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh báo chí cách mạng, người thầy mẫu mực của các nhà báo. Hàng năm, nơi đây đã đón rất nhiều đoàn khách tham quan, đặc biệt là thế hệ các nhà báo, Hội Nhà báo trên cả nước, đây là địa chỉ giới thiệu, giáo dục truyền thống báo chí, tổ chức Hội nhà báo cho các nhà báo trẻ…
Về với ATK Định Hóa, các nhà báo còn được biết đến nơi đây là mảnh đất “địa lợi, nhân hòa”, nơi tập trung nhiều các cơ quan đầu não của Trung ương trong đó có địa điểm Di tích nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (1947) tại đồi Khau Tý thuộc xóm Bản Quyên, nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng (1947-1949), nơi thành lập Ban kiểm tra Trung ương (1948) ở Phụng Hiển,  nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Quốc việt cùng cơ quan Tổng bộ Việt Minh (1951), Ủy ban hòa bình thế giới tại Việt Nam (1950), nơi ra đời của Hội Nông dân (1949-1952), Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948…



 

Tác giả bài viết: P.V

Click để đánh giá bài viết

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay11,928
  • Tháng hiện tại209,231
  • Tổng lượt truy cập29,481,351

Hình ảnh nổi bật

327/KH- BTC

Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ tư - năm 2026 Chủ đề " 80 năm Quốc hội Việt Nam"

Lượt xem:8 | lượt tải:5

09/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026

Lượt xem:125 | lượt tải:30

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:451 | lượt tải:86

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:691 | lượt tải:185

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:568 | lượt tải:191

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây