II - Chuyện về những người ở lại
Hôm 11/11/2022, tôi tới thăm nhà bác Hà Nhân Thăng, người có cái tên gắn chặt với Đại đội TNXP 915 một thời. Ngoài 90 tuổi nhưng sức bác còn vượng, đầu óc mẫn tiệp, chỉ có tai hơi kém. Ngót 15 năm, hai bác cháu mới lại gặp nhau, nhớ hết, mừng lắm! Ký ức từ đâu lại trở về. Tôi xin phép bác Thăng một lần này thôi được nhắc nhớ và nói về công lao của các bác trên phương tiện thông tin đại chúng...
…Đầu những năm 2000, khi đó, tôi là Tổng Biên tập tờ báo Đảng tỉnh Thái Nguyên, thường xuyên tiếp một cựu TNXP thời chống Pháp, tuổi ngoại lục tuần nhưng khoẻ mạnh, lanh lợi. Đó là bác Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh. Khi đương chức, bác Thăng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với chiếc xe đạp cà tàng luôn trên đường và rất trọng báo chí.
Trong cuốn sổ công tác đề ngày 7/11/2003, tôi viết: "Làm việc với bác Thăng, lần này, bác quyết tâm hơn. Bác bảo sau khi tìm hiểu, thấy rằng, tất cả đều bẵng đi theo năm tháng, chưa có cơ quan, tổ chức nào vào cuộc thực sự. Tất cả còn lại là một miếu thờ do địa phương và cựu TNXP Nguyễn Thị Cải xây dựng vào năm 1996, tại chính nơi có địa đạo. Về khách quan, Đội 91 và các đơn vị trực thuộc giải thể năm 1975, từ đó không một cơ quan, tổ chức nào đảm nhận thu thập tài liệu, đề nghị tôn vinh…”.
Lúc ấy, bác Thăng có lần phát biểu: Chúng tôi cũng biết thời gian lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, công việc tìm lại là không dễ dàng. Thân nhân người hy sinh ở nhiều nơi, những người sống sót ở đâu? Liên lạc thế nào? Nhưng không làm thì thế hệ chúng tôi mắc nợ với đồng đội, với quê hương lớn lắm…
Với quyết tâm như thế, từ mùa Hè năm 2003, bác Hà Nhân Thăng cùng bác Dương Hồng Nguyên (bác Nguyên có vai trò nhân chứng quan trọng vì có 3 năm công tác ở Đội 91) bắt đầu khởi động hành trình làm sáng tỏ sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP Đại đội 915 do bom Mỹ tại khu vực ga Lưu Xá.
Lúc đầu, việc tiếp cận của các bác rất khó. Hầu hết những người được hỏi đều nói 915 đã hy sinh hết… Từng là TNXP từ Chiến dịch Biên Giới năm 1950, bác Thăng hiểu cấp đại đội thường là 100 người và đặt câu hỏi để có hướng tìm... Sau đó, các bác tìm gặp chỉ huy Đội 91, bác Nghiêm Xuân Đạo, rồi từ bác Đạo lần tìm được Đại đội phó Đại đội 915 Tống Văn Minh.
Thì ra 915 có 102 người, ngày hôm đó, cấp trên yêu cầu cử 60, sau có thêm 6 đồng chí xung phong nên con số là 66. 36 đội viên còn lại ứng trực tại tuyến đường 16A đang đảm nhiệm. Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường chỉ huy bốc dỡ hàng hoá tại ga Lưu Xá đã cùng đồng đội làm việc hết mình với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến” và đã hy sinh anh dũng…
...Bác Hà Nhân Thăng vốn người Tày, quê ở xã Thanh Mai, huyện Bạch Thông, cùng tỉnh Bắc Thái, vậy mà những cuộc lặn lội về các vùng rẻo cao ở Chợ Đồn, Chợ Rã, Bạch Thông (Bắc Kạn); Định Hoá, Đại Từ, Phổ Yên (Thái Nguyên) tìm nhân chứng cũng chẳng dễ dàng… Trong cuộc họp ngày 18/12/2003 (theo sổ tay P.V), bác Thăng báo cáo thế này: “Có gia đình kỷ vật duy nhất là tấm di ảnh đen trắng treo trên tường; có nhà ngay cả tấm di ảnh cũng không. Điều mừng là những người sống sót cơ bản tìm được, họ đều nghèo, bệnh tật…"
Chúng tôi đã xuống Hà Nội gặp ông Lê Quảng, năm 1972, là Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh, ông bảo: Sự thật thì những người con ngã xuống vì đất nước như thế đã là anh hùng trong lòng dân rồi. Nay anh em làm công việc tri ân là rất đáng trân trọng.”
Bác Thăng tiếp tục đạp xe lần tìm, đến gặp nhiều vị lãnh đạo trực tiếp của các ngành liên quan thời bấy giờ để củng cố tư liệu. Thoáng cái đã 5 năm trôi qua, 1.800 ngày lần tìm, ghi chép, hội thảo, so sánh trôi đi... Đến năm 2007, các bác đã tập hợp xong tư liệu và làm báo cáo gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên và được chấp thuận; Hội TNXP trình cấp Trung ương đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho Đại đội 915 và Công nhận Di tích lịch sử cách mạng cho nơi tưởng niệm…
Ngày 24/12/2009, Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 915, được tổ chức ngay tại nơi 60 liệt sĩ TNXP hy sinh cách đó 37 năm, diễn ra vô cùng trang trọng và cảm động. Buổi Lễ có mặt 5 trong số 7 TNXP may mắn còn sống sót trong trận mưa bom của đế quốc Mỹ trong đêm Noel 24/12/1972. Gặp lại nhau ở mảnh đất thấm đẫm máu xương của đồng đội và của chính bản thân mình, họ mừng mừng, tủi tủi...
Những năm tháng qua, sự lan toả nhanh chóng và đậm nét về chiến công của Đại đội 915 một phần nhờ báo chí. Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng phim tài liệu “Không thể nào quên”; các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân đều đưa nhiều phóng sự. Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên sản xuất phim tài liệu "Noel mầu lửa”, chương trình sử thi “Khúc tráng ca Lưu Xá”. Giáo sư Vũ Khiêu viết “Chuông tưởng niệm TNXP thuộc Đại đội 915"; đồng chí lãnh đạo tỉnh Phạm Xuân Đương sáng tác bài thơ Vinh quang hồn dân tộc được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc nghe rung động lòng người…
10 năm trước, nhân 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi làm phim ký sự “Noel mầu lửa”. Khi đó, tôi có chuyến công tác sang Mỹ và thực hiện một cuộc phỏng vấn. Đoạn phỏng vấn như sau: Tại thành phố San-Francisco, trong một quán cà phê, tôi gặp được một người đàn bà Mỹ chính gốc (gặp người Mỹ thì nhiều nhưng chính gốc thì không nhiều). Bà ấy nói tên là Rô-Nan. Ở Mỹ hay còn gọi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (xin nhấn mạnh là Hợp chúng quốc chứ không phải Hợp chủng quốc), ai sinh ra trên đất ấy từ 3 đời có thể gọi là chính gốc được…
Ông Trần Văn Đức làm thông dịch viên cho đoàn chúng tôi nói với bà Rô-Nan là tôi có ý định phỏng vấn ghi hình. Thoạt đầu, bà lưỡng lự, sau chúng tôi phải nói rằng chúng tôi muốn biết tâm tư tình cảm của bà ấy (lúc này gần kề Noel), bà đồng ý ngay:
- Ở Mỹ, những người công dân bình thường như bà thì một năm có mấy ngày quan trọng? Tôi hỏi bà Rô-Nan.
- Hai ngày - Bà Rô-Nan nói. Ngày 1 tháng 1 đầu năm và ngày Thiên Chúa giáng sinh (24-12) - ngày Noel. Ngày Noel thiêng liêng hơn. Ngày ấy người dân Mỹ được nghỉ việc đi lễ Chúa.
- Vì sao vậy? Tôi hỏi.
- Ngày sinh của Đức Chúa Giê su - Chúa linh thiêng của muôn người. Ngày ấy chúng tôi nghỉ ngơi, cầu nguyện cho Chúa, sám hối trước Chúa và cầu nguyện cho mình, mọi chúng sinh thái bình, thịnh vượng. Tâm trạng con người nhẹ nhàng, thân thiện. Một ngày không ai có thể làm gì ngoài điều thiện. Người Mỹ kính chúa và yêu nước Mỹ của mình bằng việc làm từ thiện. Ngày ấy, ai làm việc sai trái thì có lỗi với Chúa, phải bị Chúa trị tội.
- Vậy à? Thế bà có biết ngày ấy (ngày Giáng sinh) năm 1972, cách đây hơn 4 thập niên, chính người Mỹ đã cho máy bay B-52 ném bom hòng xóa sổ Việt Nam, xóa sổ một dân tộc? Đã có hàng nghìn người hy sinh vì bom đạn. Họ không từ cả đêm Noel!
- Có! Hồi còn trẻ, tôi cũng đã biết việc ấy, đã xuống đường tại thành phố San-Francisco này để biểu tình chống nhà cầm quyền làm điều tán ác. Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc!
Tự dưng tôi thấy nóng bừng ở mặt. Bà Rô-Nan thì nói đáng tiếc, còn tôi, tôi thấy như có lửa cháy, bom rơi, như có tiếng gầm xé của máy bay và những tiếng kêu thất thanh, ai oán. Bầu trời San-Francisco trong xanh. Noel xứ này thường có màu xanh da trời, còn quê tôi, năm ấy một Noel màu lửa...
Nguồn tin: baothainguyen.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam