Phát triển kinh tế nông thôn qua các làng nghề

Thứ ba - 27/12/2022 10:28
Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương và quốc gia ...
 
bánh chưng bờ đậu

Gói bánh chưng phục vụ Tết Nguyên đán tại làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương

Ngày 7/7/2022 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030". Mục tiêu của Chương trình nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững. Đến năm 2025 có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phấn đấu 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. 
Trong đó, Chương trình sẽ khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng. Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề...); khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Đối với các làng đã có nghề, Chương trình khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề. Đối với các làng chưa có nghề thì thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả…

 
mành cọ

Làng nghề mành cọ truyền thống tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương 

Những năm qua, Thái Nguyên luôn quan tâm bảo tồn và phát triển các làng nghề và làng nghề truyền thống, thông qua các đề án triển khai nhân rộng làng nghề điểm, hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề và phổ biến kiến thức về nâng cao năng lực quản lý làng nghề, hỗ trợ kinh phí mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất,  hỗ trợ các làng nghề từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Các làng nghề cũng được hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm… Toàn tỉnh hiện có trên 240 làng nghề được công nhận hoạt động ở các lĩnh vực: Sản xuất chè, chế biến gỗ, mây tre đan, trồng đào, trồng dâu nuôi tằm, sinh vật cảnh…Các làng nghề đang tạo việc làm cho trên 26.000 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 4-5,5 triệu đồng/người/tháng. Đã có hơn 90 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận. Việc phát triển làng nghề đã mở ra khả năng to lớn cho phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt sau thành công của các Festival Trà Thái Nguyên, Đề án “xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương” đã được triển khai tại 4 xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với hộ gia đình (Home stay), du lịch văn hóa, du lịch làng nghề đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiện nay đã có thêm thêm hình thức du lịch làng nghề với các tuyến du lịch sinh thái về nguồn như: thăm làng nghề chè Tân Cương, Hồ Núi Cốc, không gian văn hóa chè La Bằng, làng nghề chè La Bằng, làng văn hóa du lịch Bản Quyên, khu ATK Định Hóa, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, các vùng chè tại Phú Lương, Đồng Hỷ…
Việc phát triển làng nghề đã giúp người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn đa dạng hóa ngành nghề, có việc làm thường xuyên,có thêm thu nhập ổn định, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hộ và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đồng thời, việc phát triển các làng nghề còn đóng góp giá trị to lớn trong giữ gìn nét đẹp văn hóa và bản sắc địa phương, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch.
Các làng nghề của tỉnh đã và đang có đóng góp quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng trong chương trình xây dựng NTM tại các địa phương.

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê


 

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản