Tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ tư - 19/10/2022 16:03
Tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh vừa có Công văn số 621-CV/ĐUK về việc gửi tài liệu tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh quý chuyên đề IV/2022, với chủ đề “Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và tưởng niệm Ngày hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (24/12/1972 - 24/12/2022)”. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đề nghị cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc; lãnh đạo các đoàn thể trực thuộc và các đồng chí Báo cáo viên, Cộng tác viên DLXH Đảng bộ Khối tiếp tục tuyên truyền, triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Chuyên đề toàn khoá Đại hội XIII của Đảng gắn với học tập chuyên đề quý IV năm 2022.
Dưới đây là Nội dung tài liệu.
 
TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và
tưởng niệm Ngày hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái
(24/12/1972 - 24/12/2022)
(kèm theo Công văn số 621-CV/ĐUK, ngày 14/10/2022 của Ban Thường vụ
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh)
------
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với những thắng lợi to lớn của đồng bào và chiến sĩ trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 cuối tháng 12/1972, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng đó góp phần tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ XX, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn Đề cương tuyên truyền: 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và tưởng niệm Ngày hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (24/12/1972 - 24/12/2022).
I. CUỘC TẬP KÍCH ĐƯỜNG KHÔNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẾ QUỐC MỸ THÁNG 12/1972
1. Bối cảnh lịch sử
Năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ đó, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với bản chất hiếu chiến, xâm lược và phản động, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để đánh phá miền Bắc, chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12/1972 bởi các lý do sau đây:
Một là,để cứu vãn tình thế cho chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Cuối năm 1964 đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn, để cứu vãn tình thế, Mỹ đã quyết định thay đổi chiến lược, gấp rút đưa quân viễn chinh vào chiến trường miền Nam, sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Bị thất bại trên cả 2 miền Nam, Bắc, từ ngày 31/3/1968 Mỹ buộc phải thực hiện ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 1/11/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc.
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bước vào giai đoạn quyết định. Ở miền Nam, bằng cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn, cơ bản giải phóng tỉnh Quảng Trị... đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn huy động lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.
Hai là,trước thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đầu tháng 10/1972, ở miền Nam quân và dân ta tiếp tục giành được thắng lợi lớn. Mỹ vừa phải tiếp tục triệt thoái các đơn vị bộ binh vừa phải “Mỹ hoá” trở lại bằng không quân và hải quân để ngăn chặn cuộc tiến công của ta. Tình hình đó đã tác động sâu sắc đến kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ. Đặc biệt, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã đến gần, sức ép trong nội bộ nước Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến đường lối của Tổng thống Ních-xơn. Nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trước thực trạng này, Nhà Trắng buộc phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trước các sức ép đó, tại Pari, trong 3 ngày: từ 8, 9, 10/10/1972, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ - đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Kít-xinh-giơ, Ngoại trưởng - đại diện Chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành phiên họp kín thứ 19 và phái đoàn ta đưa ra Dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Phía Mỹ đã chấp nhận bản Hiệp định này.
Ngày 12/10/1972 Ních-xơn và Kít-xinh-giơ đã tung tin lừa bịp dư luận rằng, “hoà bình đã ở trong tầm tay”, “chiến tranh sắp vãn hồi” để lôi kéo tranh thủ cử tri Mỹ trong bầu cử.
Ngày 22/10/1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Song, với bản chất cực kỳ phản động và ngoan cố, ngày 23/10, Ních-xơn đột nhiên gửi công hàm cho Chính phủ ta đề nghị tạm hoãn việc ký kết vì có “trục trặc” từ phía chính quyền Thiệu (thực chất là nhằm tranh thủ thời gian giúp Quân đội Sài Gòn giành dân, lấn đất để cải thiện thế đứng chân, viện trợ ồ ạt vũ khí, chuẩn bị cho quân đội Sài Gòn đi vào giải pháp chính trị trên thế mạnh. Một mặt Mỹ tập trung ngăn chặn nguồn chi viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam, mặt khác chuẩn bị một đòn mạnh hòng gây sức ép buộc ta phải nhân nhượng cho Mỹ sửa đổi các điều khoản của Hiệp định đã thảo luận).
Từ ngày 23/10/1972, không quân Mỹ đã tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các tuyến giao thông từ nam vĩ tuyến 20 trở vào. Ở miền Nam, Mỹ thúc ép quân đội Sài Gòn mở các cuộc phản kích hòng chiếm lại các vùng ta vừa giải phóng. Chúng còn ngang ngược tiến hành các chuyến bay trinh sát ra phía Bắc vĩ tuyến 20 nhằm khẩn trương chuẩn bị cho âm mưu đen tối mới.
Ba là, Mỹ lật lọng, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Pari.
Ngày 7/11/1972, Ních-xơn được tái cử Tổng thống nhiệm kỳ lần thứ hai. Sau khi thắng cử, ông ta ra lệnh bí mật chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc. Cuộc tập kích chiến lược này mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” (tạm dịch là “Tiền vệ” hay “Cứu bóng trước khung thành”) nhằm đánh huỷ diệt, làm tê liệt ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Pari. Sau một thời gian họp đi, họp lại, Mỹ cố tình lật lọng, đòi ta phải sửa đổi những điều rất cơ bản trong Hiệp định nhưng đều bị bác bỏ.
Ngày 13/12/1972 theo lệnh của Ních-xơn, Kít-xinh-giơ tuyên bố bỏ họp vô thời hạn.
Ngày 14/12/1972, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã họp và quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược với quy mô huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu quan trọng trên miền Bắc.
2. Diễn biến cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ và sự giáng trả quyết liệt của quân và dân ta, tháng 12/1972
Ngày 17/12/1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ II, sử dụng không quân chiến lược B52, tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.
Ngày 18/12/1972, Nhà Trắng gửi Công hàm cho Chính phủ ta đề nghị họp lại Hội nghị Pari vào bất cứ lúc nào kể từ ngày 26/12/1972, nhằm đánh lừa ta, đồng thời hy vọng chỉ sau vài ngày dùng B52 huỷ diệt Hà Nội, buộc ta phải chấp thuận theo điều kiện của Mỹ.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Đêm 18/12/1972:
- 18 giờ 50 phút, toàn Quân chủng PK-KQ chuyển trạng thái chiến đấu vào cấp 1.
- 19 giờ 10 phút, Đại đội ra đa 16/Trung đoàn 291 phát hiện được nhiều B52.
- 19 giờ 15 phút, Đại đội ra đa 45/Trung đoàn 291 phát hiện và kịp thời báo cáo về sở chỉ huy “B52 đang vào miền Bắc”.
- 19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ ở Tam Đảo, Việt Trì. Máy bay F.111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép...
- Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm...
- 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 257 được phóng lên. 
- 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59/Trung đoàn tên lửa Phòng không 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn hạ 1 máy bay B52 (rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, cách trận địa gần 10km). Đây là chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.
Trong đêm đầu tiên 18/12 và rạng sáng ngày 19/12/1972, Mỹ huy động 90 lần chiếc B52 ném 3 đợt bom xuống Hà Nội, 8 lần chiếc F.111 và 127 lần chiếc máy bay chiến thuật bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm thương vong 300 người. Quân và dân ta bắn rơi 3 máy bay B52 (2 chiếc rơi tại chỗ), 3 máy bay chiến thuật (2 chiếc F4, 1 chiếc A7).
Từ đêm 18/12 đến 29/12/1972, Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và các địa phương khác trong toàn miền Bắc bằng máy bay chiến lược B52, máy bay F.111 “cánh cụp cánh xòe”, máy bay F4, F5 và các loại phương tiện tiến công đường không chiến thuật hiện đại khác và trong 12 ngày đêm oanh liệt đó không có ngày nào quân dân ta không bắn rơi máy bay B52 của Mỹ (trừ ngày 25/12, lấy cớ nghỉ lễ Nôen, địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần giặc lái, rút kinh nghiệm, tìm thủ đoạn và cách đánh mới).
Cao điểm nhất là ngày 26/12/1972, lúc 22 giờ 05 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc máy bay B52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, đánh ồ ạt, liên tục từ nhiều hướng và tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu ở 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Đây là trận đánh lớn nhất và là trận then chốt trong cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. Trận tập kích này chỉ diễn ra trong thời gian hơn một giờ, ta đã bắn rơi 8 máy bay B52. Thất bại lớn này đã làm suy sụp tinh thần và ý chí của giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Đến đêm 29/12/1972 máy bay B52 của Mỹ chỉ dám đánh vào khu gang thép Thái Nguyên, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phú), mà không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa Hà Nội nữa.
Trước sự thất bại lớn và liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam của Mỹ đã bị thất bại hoàn toàn.
Trong 12 ngày đêm từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972 có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi (34 chiếc B52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F.4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F.105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC).
Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu thêm tổn thất về người lái. Trong quân đội, người lái máy bay được coi là sinh lực cao cấp. Để đào tạo được 1 phi công đặc biệt là phi công chiến lược B52, phi công F.111 phải tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian. Chỉ hơn 10 ngày Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công (bị chết và bị bắt). Đây đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay cao, có phi công có hơn 6.000 giờ bay.  
II. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ Trên không”
1. Nguyên nhân thắng lợi
a. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương
Ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đầu tháng 12/1972, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã xuống Sở Chỉ huy Quân chủng PK-KQ, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày về kế hoạch đánh B52 của Quân chủng. Tại đây, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ thị: “Để gây sức ép với ta trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng vũ trang, mà trực tiếp là Quân chủng PK-KQ, xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích bằng B52 vào Hà Nội. Cuối tháng 11/1972, Quân ủy Trung ương lại nhắc nhở: “Đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng”...
Trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta luôn coi trọng các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên tắc đó trong điều kiện chiến tranh. Trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 chiến đấu với cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã đưa ra những mệnh lệnh chính xác, kịp thời, đúng thời cơ, thực sự là nhân tố quyết định đưa chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ đi tới thắng lợi hoàn toàn.
b. Quân và dân ta luôn chủ động, sáng tạo trong chiến đấu chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của đế quốc Mỹ
Trong một buổi họp quan trọng của Bộ Quốc phòng tháng 11/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: “Âm mưu của Mỹ cho B52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô”.
Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí Phó Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là: Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp ra lệnh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3/12/1972” và còn dặn thêm: “Trước ngày Ních-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ... phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B52 mà tiêu diệt”.
Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo biên soạn tài liệu “Cách đánh B52 để huấn luyện cho các đơn vị PK-KQ; đồng thời, tiến hành điều chỉnh lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, điều các đơn vị phòng không chủ lực về các địa bàn trọng điểm, xây dựng thế trận phòng không 3 thứ quân, chấn chỉnh công tác bảo đảm phục vụ chiến đấu... Các đơn vị tên lửa, ra đa, phòng không đều chủ động triển khai nghiên cứu cách đánh B52 tại chỗ. Đồng thời, Bộ Tổng Tham mưu đã đưa một số đơn vị vào Khu IV trực chiến để đúc rút kinh nghiệm, thậm chí trong chiến dịch Quảng Trị đưa tới 4 trung đoàn vào tham chiến cùng các lực lượng phòng không tại chỗ nhằm tìm ra cách đánh B52 hiệu quả nhất.
Trước 3 tháng diễn ra cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng, ta đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chiến dịch đánh B52, chuẩn bị và bố trí lực lượng, xác định nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không... Chính vì vậy, khi cuộc tập kích chiến lược của không quân địch diễn ra, ta đã không bị bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như chiến thuật.
Ngày đầu tiên B52 đánh phá Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu đã phát lệnh báo động trước 25 phút, những ngày sau đó, ta thường phát hiện B52 trước 30 phút. Nhờ phán đoán đúng âm mưu của địch, hạ quyết tâm kịp thời và chính xác, chuẩn bị đồng bộ, quân và dân ta đã giành được thế chủ động ngay từ đầu và duy trì trong suốt chiến dịch.
Lần đầu tiên đương đầu với cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B52 và các loại vũ khí tối tân hiện đại của Mỹ, các lực lượng vũ trang của ta đã tìm ra cách đánh hay, phù hợp điều kiện thực tế về trang bị. Bộ đội ra đa qua thực tế chiến đấu đã tách được B52 ra khỏi nền nhiễu và tách được B52 ra khỏi lực lượng hộ tống trong một khối nhiễu dày đặc. Bộ đội tên lửa đã khắc phục được những hạn chế về tính năng binh khí kỹ thuật, phân biệt mục tiêu thật và giả, tránh được tên lửa tự dẫn của máy bay địch (tên lửa không đối đất), nhận diện được B52, tạo cho mình thế trận có lợi nhất để tiêu diệt mục tiêu. Quân và dân ta đã nghiên cứu phát hiện điểm mạnh, yếu của địch, bảo đảm lực lượng nào cũng có thể hạ, máy bay, vũ khí nào cũng phát huy tác dụng...
c. Huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân để đối phó có hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá nham hiểm của địch
Huy động, tập trung lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất cho chiến dịch, bao gồm: 3 sư đoàn phòng không (361, 363, 375); 23 tiểu đoàn tên lửa; 13 trung đoàn cao xạ; 4 trung đoàn không quân; 4 trung đoàn ra đa; 3 trung đoàn, 2 tiểu đoàn phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn. Ngoài ra còn có 346 đội (1.428 khẩu pháo) phòng không của dân quân, tự vệ. Toàn bộ lực lượng này được bố trí thành thế trận vững chắc, hiểm hóc tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng.
Xây dựng được một thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc và duy trì được sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng. Bên cạnh các lực lượng phòng không chủ lực, tại Thủ đô Hà Nội ta đã tổ chức được 92 trận địa tập trung pháo phòng không tầm thấp và 4 đại đội cao xạ tầm trung (loại 100mm), nhiều trận địa được bố trí trên các tòa nhà cao tầng, gần các mục tiêu trọng điểm, đón lõng trên các đường bay của địch... Ngoài ra, còn có 1.122 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch. Hiệu quả trong chiến đấu và nghệ thuật tác chiến của cách bố trí này được miêu tả qua lời một phi công Mỹ may mắn thoát chết: “Khi những chiếc B52 đầu tiên tới vùng trời Hà Nội, tên lửa đất đối không bắn như pháo hoa lên máy bay chúng tôi. Từ khi vào mục tiêu, anh bạn xạ thủ của tôi đã đếm được 32 tên lửa SAM bắn vào hoặc ít ra cũng bay sát máy bay chúng tôi. Chiếc máy bay số 2 trong tổ bay mất liên lạc nhưng không ai có thì giờ tìm hiểu nó”.
d. Được sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, bạn bè và nhân loại tiến bộ thế giới
Thắng lợi của nhân dân ta giành được trong cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm tháng 12/1972 còn do tác động của thời đại, của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả về mọi mặt của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hoà bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Tình đoàn kết và sự ủng hộ quốc tế đã cổ vũ mạnh mẽ, tăng thêm sức mạnh cho nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.
2. Ý nghĩa lịch sử
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta có ý nghĩa dân tộc và thời đại vô cùng sâu sắc.
a. Đối với dân tộc
Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ. Với thắng lợi này, quân và dân ta đã viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam, là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đồng thời, cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của “thế trận phòng không nhân dân”, là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới; với trí thông minh và lòng dũng cảm của dân tộc ta chống lại cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ với vũ khí trang bị hiện đại.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, phòng tránh, đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ; góp phần buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975.
b. Chiến thắng mang ý nghĩa thời đại sâu sắc
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được thôi thúc bởi ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của cả dân tộc, sự cổ vũ những chiến công to lớn của quân và dân miền Nam đánh bại sức mạnh quân sự của chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là Mỹ.
Là đòn đánh lịch sử, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam; góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới vào chủ nghĩa đế quốc; đem lại lòng tin cho nhân loại tiến bộ trên trái đất đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh sức sống của học thuyết Mác - Lê nin về chiến tranh cách mạng trong thời đại ngày nay và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam.
Cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có thể coi như một cuộc đụng đầu lịch sử tiêu biểu, mang nhiều ý nghĩa sâu xa về chính trị và quân sự, không những với quá khứ mà còn cho cả tương lai, đã để lại “Hội chứng Việt Nam”, vết thương trong lòng nước Mỹ không dễ gì xoá được.
3. Những bài học kinh nghiệm
a. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần minh chứng đường lối chính trị, học thuyết quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cách mạng và khoa học, giữa dám đánh và biết đánh, giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng với năng lực chỉ huy, lãnh đạo tài giỏi của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, giữa khí phách anh hùng và tài trí tuyệt vời của người chiến sĩ trên trận địa.
b. “Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”
Trải qua những năm tháng chiến đấu với không quân Mỹ, trinh sát của ta luôn nắm chắc tình hình địch; tìm hiểu quy luật hoạt động của không quân địch; nghiên cứu đường bay của máy bay trinh sát của địch để phán đoán hướng bay vào của mỗi đợt tập kích. Thường xuyên nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, nắm vững lực lượng mà địch sử dụng, ý đồ và hướng tiến công chủ yếu, số chất lượng các loại vũ khí trang bị của địch để có phương án tác chiến phù hợp, hiệu quả, đồng thời nắm chắc lực lượng, tinh thần, khả năng chiến đấu của quân và dân ta để xây dựng phương án tác chiến phù hợp.
c. Phát huy sức mạnh tổng hợp 
Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, chúng ta đã rất thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù.
Đó là sức mạnh của bộ đội PK-KQ nhân dân Việt Nam (lực lượng chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam). Trong thế trận đó, phải kể đến vai trò của: Bộ đội Ra đa; Bộ đội Không quân tiêm kích; Bộ đội Tên lửa Phòng không; Bộ đội Pháo Phòng không. Ngoài lực lượng chủ lực đó, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ (nhất là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng) là lực lượng tại chỗ rộng khắp, đánh máy bay địch bay thấp hoạt động tốp nhỏ, chiếc lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của địa phương.
Sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hoà bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.  
d. Bố trí, sử dụng các lực lượng hợp lý nhằm phát huy hiệu quả tất cả các lực lượng, các loại vũ khí trang bị hiện có tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch ở mọi độ cao, mọi hướng
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng chính là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lượng, bày binh, bố trận, cơ động tác chiến, theo một ý định cách đánh. Phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng, vừa tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn, vừa đồng thời đánh liên tục, tại chỗ, rộng khắp trên các địa bàn. Chúng ta đã phát huy được sức mạnh “Toàn dân tham gia bắn máy bay Mỹ,  toàn dân tham gia bắt giặc lái” và tạo nên một lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều nấc, hoạt động nhịp nhàng, có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần, đánh địch ở mọi tầng cao, đánh từ nhiều phía, đánh trực diện, đánh từ sau, từ bên sườn, gây cho địch lúng túng không thể cơ động tránh được lưới lửa phòng không, đảm bảo chiến đấu thắng lợi suốt toàn bộ chiến dịch.
e. Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, dám đánh, quyết đánh và quyết đánh thắng của quân và dân ta
Sức mạnh chính trị tinh thần trước hết là biểu hiện tập trung ở tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng. Đó là yếu tố tiên quyết, chỉ có dám đánh, quyết đánh thì chúng ta mới tìm ra được cách đánh, ý chí dám đánh, quyết đánh trở thành một lực lượng vật chất to lớn trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt với kẻ thù. Sức mạnh chính trị tinh thần phải được biểu hiện ở tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể; ở lòng tin, quyết tâm đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái, tạo niềm tin đánh bại hoàn toàn mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.  
III. ĐÓNG GÓP CỦA QUÂN VÀ DÂN THÁI NGUYÊN TRONG CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”
Từ cuối tháng 11, đầu tháng 12/1972, đứng trước tình hình đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng máy bay chiến lược B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố, các chân hàng, đầu mối giao thông quan trọng trên miền Bắc, để chủ động đánh địch và ứng phó thắng lợi trong mọi tình huống, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái đã huy động hàng nghìn dân quân, tự vệ cùng nhân dân ở thành phố Thái Nguyên và các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình… phối hợp với bộ đội củng cố các trận địa cũ, làm thêm các trận địa mới và sửa chữa đường cho xe, pháo phòng không sẵn sàng cơ động đánh địch. Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc quyết định thành lập Trung đoàn pháo phòng không 256 bảo vệ thành phố Thái Nguyên. Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 256 đã lập 2 trạm trinh sát phát hiện máy bay địch từ xa ở đèo Khế và núi Pháo (Đại Từ); cử cán bộ về Quân chủng PK-KQ nghiên cứu, học tập cách đánh B52 bằng pháo phòng không 100mm để về huấn luyện cho bộ đội. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã cử cán bộ đến các đại đội pháo 100mm của Trung đoàn 256 hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ cách hiệu chỉnh khí tài đánh B52.
Đêm 18/12/1972, giặc Mỹ huy động hàng trăm lần chiếc máy bay chiến lược B52 và máy bay chiến thuật mở đầu cuộc tập kích chiến lược đường không vào Thủ đô Hà Nội và một số địa phương trên miền Bắc.
Sáng 19/12/1972, Trung đoàn 256 điều Đại đội 9 từ Cam Giá lên Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên) để phối hợp chiến đấu với Đại đội 3 ở Viện điều dưỡng và Đại đội 5 ở xã Quang Vinh (thành phố Thái Nguyên).
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái gấp rút huy động hơn 1.000 dân quân, tự vệ của thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ phối hợp với bộ đội đào đắp, xây dựng lại trận địa pháo ở Túc Duyên và sửa đường đưa pháo vào trận địa. Quá trưa ngày 19/12, 6 ụ pháo ở trận địa Túc Duyên đã được làm xong. Ban Giám đốc Mỏ than Khánh Hòa điều xe xích kéo 6 khẩu pháo 100mm từ trận địa Cam Giá lên trận địa Túc Duyên. Chiều 19/12/1972, Đại đội 9 đã chiếm lĩnh xong trận địa Túc Duyên, khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu đánh B52.
Trên địa bàn tỉnh, đêm 18 và ngày 19/12/1972, giặc Mỹ cho máy bay F.111 và F4 bắn tên lửa xuống các xã Đoàn Kết (Đại Từ), Hợp Thành (nay là xã Vạn Phái, thành phố Phổ Yên). Từ 4 giờ 30 phút sáng ngày 20 đến 1 giờ ngày 21/12/1972, 10 tốp B52 và nhiều máy bay cường kích chiến thuật ném bom hủy diệt hơn 10 điểm ở khu vực bắc thành phố Thái Nguyên. Trưa ngày 23/12/1972, máy bay chiến thuật Mỹ tiếp tục ném bom, bắn phá các khu vực dân cư Chùa Hang và Chiến Thắng (Đồng Hỷ). Bom đạn Mỹ đã gây cho nhân dân các dân tộc tỉnh nhiều tổn thất về người và của.
Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc lệnh cho Trung đoàn 256 tìm cách bắn rơi máy bay B52. Ban Chỉ huy Trung đoàn 256 cử Đại úy Đồng Quốc Huệ, Trung đoàn phó và cán bộ các cơ quan tham mưu, chính trị… xuống các đại đội 3, 5, 9 kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Khẩu hiệu “Quyết tâm bắn rơi máy bay B52 của giặc Mỹ” được cán bộ, chiến sĩ các đại đội pháo phòng không 100mm của Trung đoàn 256 quán triệt sâu sắc và biến thành hành động cụ thể trong trực chiến, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, khí tài…
19 giờ 45 phút tối 24/12/1972, Sở Chỉ huy Trung đoàn 256 nhận được báo cáo từ các trạm trinh sát ở đèo Khế và núi Pháo (Đại Từ) “có máy bay B52 từ các hướng tây, tây bắc bay vào thành phố Thái Nguyên theo trục đường 13A”. Lập tức Đại úy Đồng Quốc Huệ, Trung đoàn phó ra lệnh cho các đại đội pháo 100mm tập trung hỏa lực bắn B52 theo phương án bắn dựng màn đạn bằng ngòi nổ định sẵn ở các độ cao từ 10km đến 12km.
Từ 19 giờ 55 phút ngày 24 đến 0 giờ 5 phút ngày 25/12/1972, 34 lần chiếc B52 và gần 40 lần chiếc máy bay chiến thuật ném hơn 700 quả bom các loại xuống khu nam thành phố Thái Nguyên. Thảm bom B52 kéo thành 3 vệt dài: một vệt từ Bệnh viện Điều dưỡng đến Hợp tác xã cơ khí Hồng Hà; một vệt từ xóm Cầu Thông (xã Tích Lương) qua Xí nghiệp Cơ khí 19 - 5 đến Nhà máy Cán thép Gia Sàng, một vệt từ Trường Đại học Cơ điện qua ga Lưu Xá đến Xưởng Gang (Khu Gang thép Thái Nguyên).
21 giờ 50 phút đêm 24/12/1972, đài trinh sát của Trung đoàn 256 ở đèo Khế (Đại Từ) báo về Sở Chỉ huy Trung đoàn: “một máy bay B52 của địch bị cháy bay về phía tây”. Hôm sau (25/12/1972) địch thừa nhận mất 1 máy bay B52. Quân và dân Thái Nguyên đã bắn rơi 1 “siêu pháo đài bay” B52 của đế quốc Mỹ. Đây là chiến công đầu rất vẻ vang của quân dân Thái Nguyên, góp phần cùng với quân dân Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng đập tan đợt 1 cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ.
Ngày 25/12/1972, trước những thất bại nặng nề, địch tạm thời ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần giặc lái và rút kinh nghiệm tìm thủ đoạn đánh mới. Tranh thủ thời gian địch ngừng đánh phá, các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ Thái Nguyên đã khẩn trương rút kinh nghiệm, tìm cách đánh, kịp thời ứng phó với các thủ đoạn chiến thuật nham hiểm của địch. Các đơn vị khẩn trương củng cố, bổ sung lực lượng, vũ khí, sửa chữa công sự, bồi dưỡng sức chiến đấu để sẵn sàng vào trận mới. Các cơ sở bị địch đánh phá nhanh chóng khắc phục hậu quả, triệt để sơ tán dân. Cơ quan quân sự các cấp trong tỉnh bố trí lại các trận địa súng máy cao xạ của dân quân, tự vệ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục kích, đón lõng bắn máy bay địch bay thấp.
11 giờ ngày 26/12/1972, nhiều tốp máy bay F4 và F.111 của địch tiếp tục vào ném bom, đánh phá khu vực Chùa Hang (huyện Đồng Hỷ, nay thuộc thành phố Thái Nguyên). Các lực lượng phòng không bảo vệ Thái Nguyên nổ súng đánh trả rất quyết liệt. Đêm 26/12/1972, địch huy động lực lượng rất lớn gồm 105 lần chiếc máy bay B52, có 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Tại Thái Nguyên, 21 lần chiếc máy bay B52, 4 tốp F.111 và nhiều máy bay chiến thuật khác ném gần 600 quả bom phá các loại, hủy diệt 3 khu vực rộng lớn: khu vực 1 từ bến đò Ngọc Lâm (sông Cầu) đến xóm Dân Tiến (Túc Duyên), khu vực 2 từ Trại Bầu (Gia Sàng) đến sân bóng khu công nhân Gang thép, khu vực 3 từ núi Đỏ đến đồi Độc Lập (nay thuộc phường Trung Thành).
Căm thù dồn lên đầu súng, cán bộ, chiến sĩ các đại đội 3, 5, 9 đã không quản trời tối, mưa phùn, gió rét đồng loạt bắn 8 loạt đạn pháo 100mm vào các tốp máy bay B52 của địch, quật ngã thêm 1 “siêu pháo đài bay” nữa của không lực Hoa Kỳ, bảo vệ được các chân hàng và đầu mối giao thông quan trọng trên đất Thái Nguyên.
Trong các ngày 27, 28 và 29/12/1972, giặc Mỹ tiếp tục huy động các loại máy bay chiến thuật và máy bay chiến lược B52 vào đánh phá Thái Nguyên. Quân và dân Thái Nguyên đã nổ súng đánh trả kịp thời, quyết liệt.
Bị thất bại nặng nề, 7 giờ ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nich-xơn phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc tập kích chiến lược đường không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của đế quốc Mỹ kết thúc trong thất bại thảm hại.
Trong thắng lợi to lớn của chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân Thái Nguyên đã không quản ngại hy sinh, dũng cảm chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu quan trọng như cầu, đường, nhà máy, nhà ga, kho tàng, hàng hóa… vừa giúp bảo toàn lực lượng và cơ sở vật chất, vừa góp phần xứng đáng, bắn rơi 2 “siêu pháo đài bay” B52 của đế quốc Mỹ, “chia lửa” với Thủ đô Hà Nội, cùng với quân dân Thủ đô và thành phố cảng Hải Phòng làm nên một chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vang dội và oanh liệt.
IV. Sự kiện 60 cán bộ, đội viên THANH NIÊN XUNG PHONG Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh đêm 24/12/1972
Cũng vào những ngày khói lửa cuối năm 1972, một sự kiện bi tráng đã diễn ra trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, nơi có Khu công nghiệp Gang thép, một trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ: 60 thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa ở ga Lưu Xá. Khi đó, tại các ga Lưu Xá và Quán Triều (thành phố Thái Nguyên) còn tồn đọng 19.923 tấn lương thực và hàng quân sự. Việc giải tỏa 19.923 tấn lương thực và hàng hóa quân sự trong tình hình lúc này trở thành một nhiệm vụ hết sức cấp bách.
21 giờ ngày 23/12/1972, 40 cán bộ, đội viên Đại đội 912, TNXP tỉnh Bắc Thái đã có mặt tại địa điểm tập kết ở Khu Kí túc xá Trường Đại học Cơ điện Việt Bắc (nay là Trường Đại học Kĩ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên) để sáng sớm ngày 24/12/1972 làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực, hàng hoá ở ga Lưu Xá.
Sáng sớm ngày 24/12/1972, từ nơi đóng quân ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 do Đại đội trưởng Triệu Đức Việt trực tiếp chỉ huy cũng khẩn trương hành quân xuống ga Lưu Xá, kịp thời có mặt lúc 7 giờ, cùng với 40 cán bộ, đội viên Đại đội 912 làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực, hàng hoá. 
Với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cán bộ và đội viên đã làm việc miệt mài quên ăn, quên nghỉ, thoăn thoắt chuyển từng hòm súng, hòm đạn…. từ toa tàu hoả xuống xe ô tô để vận chuyển đến nơi an toàn.
Sau một ngày lao động khẩn trương, vất vả và vô cùng căng thẳng do các loại máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ thường xuyên hoạt động trên vùng trời nơi làm việc, chập tối ngày 24/12/1972, đồng chí Nguyễn Thế Cường (Đội phó Đội 91) và 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 cùng với 2 nhân viên thủ kho Kho Lương thực Lưu Xá về nghỉ tại Khu tập thể Bệnh viện Gang thép ở xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng (nay là phường Gia Sàng), thành phố Thái Nguyên.
Trong lúc cán bộ, đội viên đang chờ ăn cơm tối thì có báo động phòng không. Đồng chí Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường và toàn bộ 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 vào hết hai hầm trú ẩn (hầm tập thể hình chữ U xây bằng gạch). Vệt bom B52 rải từ xóm Cầu Thông (xã Tích Lương) qua địa bàn các đơn vị Xí nghiệp Cơ khí 19/5, Khu tập thể Công ty Xây lắp, Khu tập thể Bệnh viện Gang thép đến Nhà máy Cán thép Gia Sàng rơi trúng cả hai hầm trú ẩn của TNXP, làm 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915 - Đội 91 Thanh niên xung phong Bắc Thái và 2 thủ kho lương thực Lưu Xá hi sinh. Ngay sau khi nhận được thông tin trên, toàn bộ số cán bộ, đội viên còn lại của Đại đội 915 và một số cán bộ, đội viên của các đại đội 912, 914 đã nhanh chóng xuống Khu tập thể Bệnh viện Gang thép cùng với cán bộ, đội viên Văn phòng Đội 91 đào bới, tìm kiếm, đưa những người bị thương đi cấp cứu; thu gom, đưa thi hài của những người đã hi sinh lên ô tô chuyển đến một cánh đồng gần Nghĩa trang Dốc Lim để tổ chức mai táng.
Nén đau thương thành hành động, số cán bộ và đội viên còn lại của Đại đội 915 tiếp tục cùng với cán bộ, đội viên các đại đội khác trong Đội Thanh niên xung phong 91 kiên trì bám trụ, kịp thời giải tỏa, vận chuyển hết số lương thực, hàng hoá quốc phòng còn tồn đọng ở ga Lưu Xá và ga Quán Triều đến nơi an toàn. Trong số 19.923 tấn lương thực, hàng hóa quân sự được giải tỏa ở ga Lưu Xá và ga Quán Triều, chỉ có 40 tấn bị phá hủy, 25 tấn bị kém phẩm chất; tỉ lệ hư hao, mất mát chỉ xấp xỉ 0,34%. Đây là đóng góp rất to lớn của quân và dân Thái Nguyên, góp phần đánh bại âm mưu phong tỏa miền Bắc của đế quốc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải.
50 năm đã qua đi (24/12/1972 - 24/12/2022) nhưng sự kiện 60 cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh khi làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa quốc phòng ở ga Lưu Xá đêm 24/12/1972 vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay. Sự hy sinh của các anh, các chị là minh chứng điển hình về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của lực lượng TNXP; sự anh dũng phi thường, góp phần cùng quân dân tỉnh Bắc Thái và quân dân cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của kẻ thù. Các anh, các chị mãi xứng đáng là tấm gương sáng, niềm tự hào, cổ vũ cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
V. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” VÀ KHÁT VỌNG XÂY DỰNG THÁI NGUYÊN PHÁT TRIỂN, PHỒN VINH, HẠNH PHÚC
Phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tự lực tự cường, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đạt được nhiều thắng lợi rất quan trọng. Nền kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng. Thái Nguyên luôn nỗ lực phát huy vị trí, thế mạnh của tỉnh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo của vùng và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của vùng và cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của tình hình kinh tế trên thế giới (lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí đầu vào tăng cao…), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt 7,08% (cao nhất trong vòng 03 năm trở lại đây); giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn đạt 389 nghìn tỷ đồng, tăng trên 9%; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 17,16 tỷ USD; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 9.500 tỷ đồng, tăng 29,1%, bằng 52,8% dự toán năm. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 172 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD (trong đó riêng Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh trên 7,5 tỷ USD); tổng số dự án đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh là 840 dự án với số vốn đăng ký trên 147.0000 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả thiết thực; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Đặc biệt, công tác chuyển đổi số của tỉnh được quan tâm, đẩy mạnh, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong các lĩnh vực của đời sống như: Tăng cường triển khai dịch vụ công mức độ 4; tiếp nhận, xử lý hồ sơ dịch vụ công qua mạng internet; tổ chức các hội nghị trực tuyến, triển khai phòng họp không giấy; nghiên cứu thực địa các dự án đầu tư, thực địa các vụ việc tiếp công dân qua video clip; triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trực tiếp qua các ứng dụng C-ThaiNguyen, ThaiNguyenID, Sổ tay đảng viên điện tử hoặc qua Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh… để kịp thời giải quyết các vấn đề tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng và những thế mạnh, tiềm năng, Thái Nguyên đang vững bước trên con đường đổi mới, phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên phồn vinh, hạnh phúc góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.



 

Tác giả bài viết: Việt Hoa ( TH )


 

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản