Từ hai năm trở lại đây, cứ mỗi lúc nông nhàn hoặc vào các ngày nghỉ cuối tuần thì Nhóm sở thích của chị em phụ nữ xóm Mỏ sắt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) lại tập trung để cùng nhau thêu thùa, cắt may cũng như truyền dạy cho các em nhỏ cách làm nên những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Bà Triệu Thị Thoa, xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến vừa miệt mài tỷ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ, từng họa tiết hoa văn trang trí trên những chiếc áo truyền thống, vừa chia sẻ với chúng tôi: “Để làm được một bộ quần áo truyền thống mất rất nhiều thời gian, bởi tất cả họa tiết đều được thêu bằng tay”.
Trang phục của người Dao ở Hợp Tiến rất độc đáo và ấn tượng. Họa tiết, hoa văn được dệt nên từ những sợi len với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, trắng. Người Dao quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống nên giữ vai trò chủ đạo trong từng bộ trang phục. Họa tiết hoa văn thêu nơi gấu quần, gấu áo, thắt lưng, áo yếm, khăn đội đầu, thường là hình răng cưa, hình quả trám, chữ vạn, hình hoa cúc, cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên đã nuôi sống con người. Các bộ trang phục trở nên lộng lẫy, độc đáo hơn bởi có sự tô điểm của trang sức như vòng cổ, vòng tay, nhẫn,… được làm từ bạc hoặc hợp kim góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng và sức hấp dẫn của người phụ nữ. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Hợp Tiến đã được cấp Chứng nhận là sản phẩm may mặc đạt OCOP 3 sao.
Một bộ trang phục truyền thống Dao của nữ hiện nay được bán với giá trung bình từ 5-10 triệu đồng, tùy vào chất liệu của trang sức bằng bạc hay nhôm. Bộ trang phục truyền thống hàng ngày của nam có giá khoảng 600 nghìn đồng và bộ nam cho thầy cấp sắc có giá khoảng 10 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ không còn thực hiện tự thêu trang phục truyền thống nữa. Vì vậy, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang được Nhóm sở thích đặc biệt quan tâm. Bé Triệu Ngọc Hân, nhiều năm nay thường xuyên theo mẹ đến mỗi buổi họp nhóm để học kỹ thuật thêu. Mới lên 10 tuổi nhưng Hân đã có thể thêu thành thạo những hoa văn đơn giản. “Ban đầu cháu thấy rất khó, nhưng được các bà và mẹ chỉ dạy nên đến nay cháu đã có thể tự thêu lên bộ trang phục của mình. Cháu rất thích!” - Hân chia sẻ. Chị Triệu Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hợp Tiến thì cho biết: “Chúng tôi dự kiến phát triển Nhóm sở thích thành 1 tổ hợp tác hay hợp tác xã may trang phục truyền thống để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống người Dao ở Hợp Tiến. Đồng thời, từng bước đưa trang phục này trở thành hàng hóa đem lại giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Hy vọng, với sự nỗ lực cố gắng của chính bà con ở Hợp Tiến, cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Dao sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát triển, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nguồn tin: Theo thainguyen.gov.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam