Nét đặc sắc dân tộc Dao ở Thái Nguyên

Thứ ba - 04/10/2022 02:23   Đã xem: 1752   Phản hồi: 0

Dân tộc Dao là một trong 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Dao có đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần vô cùng đặc sắc và phong phú. Điều này được thể hiện rõ qua đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là các nghi lễ tôn giáo, những khúc hát, câu chuyện truyền miệng, những cuốn sách mà cộng đồng người Dao còn lưu lại.

 
nhung

Nghề làm giấy bản của người Dao
 

Ở Thái Nguyên, người Dao thuộc ba nhóm địa phương: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt và Dao Lô Gang. Dân số người Dao ở Thái Nguyên hiện có gần 30 nghìn người; phân bố trong tất cả các huyện, thành của tỉnh, đông nhất là các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương.

Đời sống kinh tế của người Dao chủ yếu là nông nghiệp, thủ công gia đình với các nghề đan lát, rèn, làm giấy, làm đồ trang sức, ép dầu, dệt, nhuộm vải. Ngoài ra người Dao cũng gìn giữ tri thức y học dân gian với các bài thuốc bổ, thuốc trị bệnh, đồng thời phát triển buôn bán trao đổi hàng hóa.

Xưa kia, người Dao sống du canh du cư, sinh sống bằng canh tác nương rẫy. Điều đó được ghi chép trong các văn tự Dao cổ: Quá sơn bảng văn, Đặng Hành và Bàn Đại Hộ hay bài ca Qua biển. Ngày nay, thực hiện chính sách định canh định cư, người Dao Thái Nguyên đã phát triển nương thâm canh và ruộng nước.

Về tập quán cư trú, người Dao thường duy trì khá bền vững các mối quan hệ cộng đồng và tập quán mưu sinh cổ truyền. Hiện nay người Dao ở Thái Nguyên đa số vẫn cư trú ở vùng xa, đi lại khó khăn. Một số ít cư trú ở ven đường giao thông liên huyện, liên xã. Họ thích dựng nhà ở gần rừng, bởi rừng là nguồn tài nguyên quyết định mức sống cũng như thời gian cư trú của các gia đình trong bản. Châm ngôn Dao có câu: Chảm mài kềm lải mài miền (ở đâu có rừng thì ở đó có người Dao). Câu nói này không chỉ phản ánh tập quán bám lấy rừng núi để cư trú, mà còn nói lên tầm quan trọng của rừng đối với đời sống kinh tế của các bản người Dao.

Ngoài những nét đặc trưng về đời sống kinh tế và tập quán cư trú, người Dao có những nét văn hóa về tổ chức xã hội, văn hóa hết sức đặc sắc.
 

Net dac sac 2 JPG

Trang phục phụ nữ Dao ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên)
 

Theo sách Quá sơn bảng văn của người Dao thì tổ tiên của họ có 12 họ chính là Bàn, Trần, Hoàng, Lý, Đặng, Chu, Triệu, Hồ, Trịnh, Phượng, Lôi và Tưởng. Phần lớn người Dao ở Thái Nguyên thuộc các họ: Bàn, Triệu, Chu, Lý, Trịnh, Hoàng và Đặng. Mỗi họ có nhiều dòng và mỗi dòng lại có nhiều chi. Mỗi dòng họ có hệ thống tên đệm riêng để phân biệt thứ bậc các thế hệ. Ví dụ như họ Triệu ở Võ Nhai có chu kỳ hệ thống tên đệm là Tiến, Long, Hữu, Phúc, Sinh, Tài; họ Bàn ở Phú Lương có bốn tên đệm Tiến, Hữu, Phúc, Sinh; họ Hoàng ở Võ Nhai tên đệm là Đức, Long, Trần, Phúc, Quý…

Người Dao ở Thái Nguyên chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng: Đạo giáo (tranh thờ, bùa phép, các bài phú); Phật giáo (ăn chay, cấm phá giới, cấm sát sinh); thờ cúng tổ tiên (bàn thờ tổ tiên, cúng Bàn Vương); vật linh giáo (các nghi lễ nông nghiệp, cúng thần lúa gạo, thổ địa, thổ công, ma sông, ma suối…); Nho giáo (chế độ hôn nhân tiểu gia phụ quyền). Trong đó Đạo giáo có ảnh hưởng sâu sắc và giữ vai trò quan trọng.

Người Dao có các ngày lễ tết chính là: Tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết Rằm tháng Bảy âm lịch. Trong đó tết Nguyên đán là lễ lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với từng gia đình và được chuẩn bị hết sức chu đáo.

Nói đến tín ngưỡng dân gian của người Dao, không thể không nhắc đến lễ cấp sắc còn gọi là quá tăng, có nghĩa là trải qua lễ soi đèn. Đối với người Dao ở Thái Nguyên, dạy học, cúng bái và chữa bệnh được đặc biệt coi trọng và đều liên quan mật thiết với lễ cấp sắc. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào người đàn ông Dao đã được làm lễ cấp sắc thì mới có vị thế nhất định trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Họ tin rằng chỉ những người được cấp sắc mới có tâm đức để phân biệt phải trái, mới thấu hiểu phong tục tập quán của cộng đồng Dao. Nếu dựa vào số lượng đèn thì lễ này có ba cấp bậc: 3 đèn gọi là quá tăng; 7 đèn là tẩu sai thiết ping tăng; 12 đèn là tẩu sai chập nhảy ping tăng.
 

Net dac sac 3

 Lễ cấp sắc của người Dao - một nghi thức quan trọng của đồng bào dân tộc Dao (Ảnh: Internet)
 

Chuẩn bị cho một lễ cấp sắc 3 đèn cần thời gian từ 6 tháng đến một năm, riêng lễ cấp sắc ở cấp bậc cao thì có thể chuẩn bị từ 1-2 năm, thậm chí còn lâu hơn. Lễ cấp sắc của người Dao nếu làm đúng theo tập quán thì rất phong phú, gồm nhiều nghi thức liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hóa. Đó là các lĩnh vực như thế giới tâm linh, văn học nghệ thuật, tập quán sinh hoạt và giáo dục, tập quán liên kết và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, kể cả ca, múa, nhạc, mỹ thuật, hội họa, kiến trúc… Do vậy, nếu xét về tổng thể, lễ cấp sắc là một nghi lễ có tính kế thừa các di sản văn hóa giữa thế hệ trước và thế hệ sau, chứa đựng nhiều thành tố văn hóa tộc người, có vai trò kết nối văn hóa giữa các thế hệ.

Văn hóa dân tộc Dao cùng với 53 dân tộc anh em đã làm nên kho tàng văn hóa đồ sộ và đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng; tạo ra những đặc trưng riêng, dấu ấn, điểm nhấn sâu sắc cho nước ta trong bối cảnh giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Những người yêu thích, mê đắm văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số đều ví von đó như một cánh cửa mở ra những khám phá lý thú, càng tìm hiểu càng say mê và càng mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị của bản sắc văn hóa Việt. Cũng bởi lẽ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II từ ngày 6 đến 8/10/2022 tại tỉnh Thái Nguyên như một hành động thiết thực tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

 

Nguồn tin: Theo thainguyen.gov.vn:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay27,206
  • Tháng hiện tại510,024
  • Tổng lượt truy cập27,369,648

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:182 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:405 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:414 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:46 | lượt tải:13

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:45 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây