Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) phát biểu và đề xuất một số ý kiến liên quan đến nội dung đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.
Đại biểu cho biết, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên, được khởi công năm 2007. Đến năm 2013, Dự án phải tạm dừng thi công do gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao; mặt khác, hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài đã phát sinh tranh chấp phức tạp, vượt quá thẩm quyền xử lý của Gang thép Thái Nguyên và Tổng Công ty Thép Việt Nam. Công ty Gang thép Thái Nguyên được cổ phần hoá từ năm 2009 và vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, duy trì việc làm ổn định cho 4.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay, một phần lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Gang thép Thái Nguyên vẫn đang phải sử dụng để thực hiện việc cân đối các khoản vay của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo nhấn mạnh, Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên là công trình trọng điểm để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ XIV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, “cánh chim đầu đàn” của nền công nghiệp nặng Việt Nam. Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên và chỉ sau đó 4 ngày, Bác Hồ đã trực tiếp về Thái Nguyên chỉ đạo xây dựng công trường. Trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên và thăm Khu Gang thép, Bác đã nói: “Chính sách của Đảng ta là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi. Ngày nay, chính sách đó đã bước đầu được thực hiện. Với Khu Gang thép thì đồng bào Thái Nguyên có thể tự hào rằng, về công nghiệp nặng, thì miền xuôi cần thi đua với miền núi.”
Với ý nghĩa lịch sử đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm và có giải pháp để khôi phục lại Dự án Gang thép Thái Nguyên. Trong đó, đại biểu đề xuất Quốc hội tổ chức khảo sát quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp tại Công ty, do một số khó khăn chủ yếu của Gang thép Thái Nguyên có thể không phải là phổ biến và cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, với phương châm “sớm nhất – hiệu quả nhất”.
Đối với những khó khăn của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị: Cần xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng với nhà thầu nước ngoài; xem xét việc tái cơ cấu các khoản nợ; tiếp tục chỉ đạo, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay khi Dự án đi vào sản xuất để bảo toàn nguồn vốn và giá trị tài sản Nhà nước đã đầu tư. Cùng với đó, là ổn định đời sống của 4.000 lao động và hàng nghìn gia đình.
Đại biểu bày tỏ, việc khôi phục, xây dựng Gang Thép Thái Nguyên, phát triển vững mạnh là mong muốn của cử tri và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng như đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc. Đây cũng là trách nhiệm với một công trình mang ý nghĩa lịch sử, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.
Nguồn tin: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam