Đào tạo báo chí thời đại số: Cần thay đổi về "chất"

Thứ hai - 21/11/2022 14:32   Đã xem: 561   Phản hồi: 0

(CLO) Hệ sinh thái mới của truyền thông thời đại số đã hình thành nên những công dân thế hệ số - những người không đơn giản chỉ tiếp nhận thông tin, mà còn tương tác đa chiều. Đứng trước xu hướng này, việc đào tạo báo chí phải thay đổi toàn diện về "chất".


Lấy độc giả làm trung tâm

Daniel Bell - Giáo sư Đại học Harvard trong cuốn sách “Sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp” đã viết: “Xã hội công nghiệp dựa trên nền công nghệ cơ khí, xã hội hậu công nghiệp dựa vào công nghệ trí tuệ. Nếu như tư bản và lao động là hai đặc trưng của xã hội công nghiệp, thì thông tin và tri thức là hai đặc trưng thay thế chúng trong xã hội hậu công nghiệp. Xã hội hậu công nghiệp còn được gọi là xã hội thông tin”.

Thông tin đã trở thành một trong năm yếu tố quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh: nhân lực, nguyên liệu, kỹ thuật và vốn. Số lượng thông tin và tốc độ truyền tải thông tin biểu thị sức mạnh của một quốc gia, và phát triển xã hội thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Chính vì vậy, từ lâu, báo chí truyền thông đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển thịnh trị tại nhiều quốc gia và đào tạo báo chí truyền thông luôn là lĩnh vực được chú trọng.
 

dao tao bao chi thoi dai so can thay doi ve chat 091311753

"Hiện nay có một tình trạng thiếu vắng tiếng nói chung giữa cơ sở đào tạo nghiên cứu về báo chí và các cơ quan báo chí - một bên vẫn bị cho là quá thiên về lý thuyết, hơi lạc hậu, trong khi nền công nghiệp báo chí thay đổi liên tục, với bao nhiêu vấn đề thực tiễn cần giải đáp, xử lý hàng ngày. Đây là một điều lãng phí đáng tiếc...
 

Theo TS Đỗ Anh Đức - Trưởng bộ môn đa phương tiện - Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), đào tạo báo chí trong thời đại số chắc chắn phải thay đổi để phù hợp với đòi hỏi của công nghệ và cách thức tiếp nhận thông tin của xã hội đã thay đổi. Trước đây, quá trình đào tạo chủ yếu dạy về sản xuất nội dung, sản xuất tin bài dưới các hình thức khác nhau cho từng loại hình báo chí. Bây giờ, như thế là không đủ. 

Người ta hay nói đến nhà báo đa nhiệm, nhà báo làm được nhiều việc - điều này chưa hẳn đã đúng. Thực ra nhà báo vẫn cần phải chuyên sâu về lĩnh vực mình phụ trách. 

Sự thay đổi cần có là người làm báo cần có cái nhìn tổng thể, hiểu rõ về nghề nghiệp của mình, và đặc biệt là hiểu sâu về độc giả. Các chiến lược chuyển đổi số báo chí trên thế giới hiện nay, các mô hình phát triển doanh thu báo chí hiện đại đều hướng vào việc lấy độc giả làm trung tâm. Có hai điều người làm báo cần hiểu về độc giả đó là nhu cầu và hành vi để phục vụ độc giả một cách tối ưu nhất, hiệu quả nhất. Phương châm của nghề báo hiện nay không phải là chạy đua với số lượng độc giả mà là hiểu sâu và gắn kết độc giả với tư cách người dùng. 

"Đứng trước xu hướng này, việc đào tạo báo chí phải thay đổi về "chất". Cần đưa vào giảng dạy những môn học về phân tích dữ liệu độc giả, phân tích người dùng, nắm bắt kịp thời nhu cầu và hành vi độc giả để sản xuất những nội dung đúng và trúng. Kể cả đó là những nội dung mang tính tuyên truyền, định hướng - nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của báo chí - thì cũng cần phải có cách thức truyền tải sáng tạo, thuyết phục để hấp dẫn độc giả", TS Đỗ Anh Đức nhận định.

Đào tạo bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm

Nghề báo là một nghề đặc biệt, bởi lẽ, thông tin nhà báo đưa ra có ảnh hưởng lớn đến đông đảo công chúng và góp phần quan trọng tạo nên dư luận xã hội. Báo chí là người truyền tin, là cầu nối giữa công chúng và các nhà hoạch định chính sách. Và nền dân chủ chỉ có được khi người dân có đầy đủ thông tin chính xác, khách quan, giúp họ cất tiếng nói và đưa ra quyết định đúng đắn của mình.

TS Đỗ Anh Đức cho rằng, cần xác định đào tạo người làm báo có bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, không thay đổi. Để dạy một sinh viên các kỹ năng làm nghề như viết lách, quay phim, chụp ảnh, kể cả một số kỹ năng nâng cao của đa phương tiện không phải là khó khăn gì - các cơ sở đào tạo đều làm được việc này. Nhưng điều quan trọng hơn cả là trang bị cho họ đủ tri thức để xác lập góc nhìn và góc tiếp cận khi đưa tin về hiện thực rất phong phú và phức tạp ngoài kia. 

dao tao bao chi thoi dai so can thay doi ve chat 091338396

... Ở nước ngoài, giới nghiên cứu, đào tạo luôn có ảnh hưởng nhất định trong việc chỉ ra những mô hình, xu hướng của ngành. Họ tư vấn, thậm chí định hướng cho chiến lược phát triển của nhiều cơ quan báo chí, nhà xuất bản. Một số hãng tin lớn như Reuters chẳng hạn, có hẳn một Viện Nghiên cứu Báo chí tác động rất hiệu quả và có khả năng dự báo cho nền báo chí ở nhiều quốc gia phương Tây...


"Hôm qua, trong giờ lên lớp, tôi có phê bình một nhóm sinh viên trong môn Lý luận, vì các em thiếu tự tin đến mức khi thuyết trình chỉ đọc làu làu văn kiện chính trị, hay sách vở về báo chí. Cái đó là học vẹt và khuôn sáo. Bản lĩnh phải là sự nhận thức, nắm bắt chủ động, và phải có tư duy. Tất nhiên, với sinh viên thì chưa thể đòi hỏi ngay mọi thứ, các em cần có trải nghiệm nghề nghiệp thực tế. Nhưng điều mà chúng tôi, giảng viên, nên nói với các em là cần một sự suy tư nghiêm túc chứ không phải máy móc", Trưởng bộ môn đa phương tiện - Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông cho hay.

Truyền thông mạng xã hội hiện nay là một thực tế, là sản phẩm của con người sáng tạo ra và vận hành theo các quy luật khách quan của nó. Nên, cần nhất là một thái độ ứng xử linh hoạt, tỉnh táo và hiểu biết trong không gian mạng. Những kiểu giáo huấn mang tính thiên lệch, hoặc quá sợ hãi, hoặc quá coi thường mạng xã hội đều không nên.

Trong giờ học trên giảng đường, TS Đỗ Anh Đức cho biết thường thảo luận với người học, cả bậc cử nhân và cao học, để hiểu sâu về các cơ chế của mạng xã hội, nhận diện rõ những cơ hội và thách thức từ môi trường này, để xác lập chiến lược và phương thức ứng xử. Sự phức tạp của mạng xã hội đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh và giữ được đạo đức nghề nghiệp hơn bao giờ hết. Nhưng nó cũng mở ra nhiều khả thể cho những điều tốt đẹp, những giá trị chân quý, những tư tưởng chính thống có thể có cơ hội để lan tỏa mạnh mẽ, nếu có cách khai thác hiệu quả.

Vô cùng yêu nghề dạy của mình!

Giảng viên Đỗ Anh Đức lấy bằng Tiến sĩ Truyền thông Quốc tế, Đại học Macquarie, Sydney, Australia năm 2013. Hiện nay anh đang là Trưởng bộ môn đa phương tiện - Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), ngoài ra anh đã và và đang tham gia giảng dạy cho rất nhiều trung tâm cũng như có các buổi đào tạo cho nhiều phóng viên của nhiều toà soạn. 

Trong thời gian đầu về Việt Nam, anh luôn trăn trở với câu hỏi, điều gì phù hợp, cần thiết với thực tiễn ở Việt Nam. TS Đức cho biết, mặc dù chúng ta là quốc gia đi sau, nhưng hiện diện trên thực tế có rất nhiều vấn đề ngổn ngang, thậm chí không đúng, không hay như mình mong muốn. Song thực tiễn ấy, nói theo tinh thần Marxist, là một môi trường để rèn luyện và va đập liên tục với tư duy của mình. Tôi không thể duy ý chí đòi hỏi học trò của tôi cũng phải học lại những thứ như tôi đã học. Người làm báo thời đại này phải hiểu sâu về độc giả, công chúng của mình - thì tôi cũng vậy, tôi luôn cố gắng để hiểu học trò - trước khi định dạy họ điều gì.

dao tao bao chi thoi dai so can thay doi ve chat 091402347

... Đào tạo báo chí cần phải trang bị cho người học không chỉ năng lực sản xuất nội dung, bản lĩnh chính trị, hiểu biết nghề nghiệp, mà còn phải có cái nhìn sâu rộng về sự vận hành của báo chí, của sản phẩm mà họ tạo ra. Hiện nay, công nghệ số, công nghệ dữ liệu có thể giúp cho điều này trở nên khả thi. Vấn đề là các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng chuyển đổi để bắt kịp xu thế", TS Đỗ Anh Đức nhận định.

 

Anh tâm niệm: "Mỗi người cần có một nghề nghiệp để tự hào khi nói về, cho dù bạn có làm nhiều thứ khác nhau. Tôi vô cùng yêu nghề vì vậy tôi luôn coi trọng và ý thức về công việc mình làm. Cùng là giảng dạy, đào tạo, nhưng đối với sinh viên, tôi thường làm cả hai việc: truyền đạt kiến thức và tự nhận thêm trách nhiệm uốn nắn các em, định hướng các em trong học tập và cả cuộc sống. 

Còn khi được mời tham gia các khóa đào tạo bên ngoài, tôi xác định đó là sự chia sẻ. Quan điểm của tôi là luôn cởi mở, cầu thị và bình đẳng. Các nhà báo là đồng nghiệp của tôi. Trước tiên, tôi chia sẻ công việc, những vất vả, những suy nghĩ, trăn trở của họ. Tôi cũng cố gắng để hiểu được họ và nói với họ rằng, tôi ở đây để chia sẻ và cùng giúp đỡ nhau. Giữa những người làm giảng dạy, nghiên cứu như tôi, và những người làm nghề đều có một điểm chung, đó là tất cả chúng ta, dù ở vị trí nào, cũng đều góp phần vì mục tiêu chung phụng sự xã hội, cộng đồng và đất nước". 

Hạnh phúc nhất với TS Đỗ Anh Đức đó là khi cảm nhận được ý nghĩa của sự tồn tại của mình. "Về phương diện nghề nghiệp, mà có lẽ nhiều đồng nghiệp có chung suy nghĩ với tôi - hạnh phúc của người thầy là khi thấy học trò mình thành công. Nhưng với tôi, không cần phải chờ đến khi họ thành công, thành danh, có vị trí. Tôi quan điểm, những điều tốt đẹp luôn có sẵn trong mỗi chúng ta, chỉ cần mình thay đổi một chút so với ngày hôm qua", TS Đỗ Anh Đức chia sẻ. 

Nguồn tin: ​​​​​​​Theo congluan.vn::

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập564
  • Hôm nay15,585
  • Tháng hiện tại596,249
  • Tổng lượt truy cập28,245,994

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây