“Tôi nghĩ rằng, làm điều tra đồng nghĩa với việc phải tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau, đôi khi sẽ gặp những đối tượng có học thức, có quan hệ, hay cả đối tượng mang tiền án tiền sự... Cho nên điều quan trọng mà phóng viên cần có chính là sự khéo léo trong tiếp cận đối tượng và tin tức, để làm sao vừa có được thông tin, hình ảnh đắt giá nhưng cũng vừa an toàn cho mình, cho đồng nghiệp”, nhà báo Nguyễn Trường Sơn - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận.
- Đúng vậy, là kênh thông tin với lượng người xem rất lớn, đòi hỏi mỗi phóng viên phải đầu tư nhiều công sức, thời gian hơn để tìm kiếm những nội dung mới, lạ mà công chúng đang quan tâm. Cũng may mắn là Ban Biên tập luôn tạo điều kiện cho chúng tôi được chủ động tìm kiếm và triển khai đề tài.
Chúng tôi lựa chọn những đề tài không phải to tát gì mà đơn giản là nó gần gũi với mỗi người dân. Đó có thể là vấn đề thực phẩm, nạn bảo kê, giao thông đô thị, các vấn đề lãng phí, tiêu cực... Tuy nhiên hiện nay số lượng các cơ quan báo chí ngày càng nhiều với hàng trăm cơ quan báo chí truyền hình nên việc tìm kiếm nguồn tin độc lạ, hấp dẫn cũng không dễ dàng.
Để tránh trùng lặp, chúng tôi cũng luôn cố gắng tìm và tiếp cận ở các góc độ mới, để thu hút khán giả. Chúng tôi may mắn có số hotline và qua các kênh như Facebook, TikTok, Youtube,… tất cả các nền tảng đều có thể là nguồn thông tin quan trọng mà khán giả gửi tới. Tuy nhiên tất cả đều được lựa chọn, tổng hợp để tìm ra những đề tài tốt nhất.
Điều đặc biệt nữa là có những chi tiết nhỏ có pha chút hài hước hoặc là gặp những nhân vật có câu trả lời thú vị… cũng được khai thác để thu hút thêm khán giả. Thực tế đã có những chi tiết đã tạo thành trend mạng xã hội trong một thời gian. Với tiêu chí là phục vụ mọi tầng lớp khán giả nên chúng tôi luôn cố gắng khai thác, chinh phục thêm nhiều khán giả mới ở mọi lứa tuổi.
+ Tôi cho rằng, làm phóng sự điều tra ở thể loại truyền hình thực sự không hề đơn giản. Được biết tới với nhiều phóng sự điều tra hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của hàng triệu khán giả truyền hình, anh có thể chia sẻ thêm về những câu chuyện tác nghiệp công phu của mình chứ?
- Đối với những phóng sự, bản tin thời sự có thể đến tiếp cận được ngay, thậm chí là tác nghiệp công khai, nhưng với những phóng sự điều tra, có được hình ảnh đắt giá, thể hiện bản chất, tính chất hành vi của đối tượng với những tình tiết quan trọng thì mất rất nhiều thời gian.
Như lần tôi làm phóng sự về hút trộm xăng dầu của một công ty lớn, tôi đã mất 3 tháng liên tục để làm, đêm nào cũng đi quay, các đối tượng chờ đến đêm cho xe bồn để hút xăng rồi tự ý thay đổi thể tích của bình chứa nhằm gian lận xăng dầu. Mặc dù khi thực hiện hành vi này, các đối tượng thực hiện rất nhanh nhưng chúng tôi vẫn cố gắng kiên trì ghi lại được hình ảnh đắt giá đó.
Tôi nghĩ rằng, làm điều tra đồng nghĩa với việc phải tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau, đôi khi sẽ gặp những đối tượng có học thức, có quan hệ, hay có đối tượng mang tiền án tiền sự… Cho nên điều quan trọng mà phóng viên cần có chính là sự khéo léo trong tiếp cận đối tượng và tin tức, để làm sao vừa có được thông tin hình ảnh đắt giá nhưng cũng vừa an toàn cho mình, cho đồng nghiệp.
+ Tác phẩm điều tra “Nạn bảo kê vật liệu xây dựng: Sống không thương, chết không tha” của anh là một phóng sự được đánh giá là kỳ công. Quá trình thực hiện phóng sự này chắc hẳn không kém phần gian khó, thưa anh?
- Đúng là như vậy. Tôi mất 2 năm để triển khai, ghi hình các đối tượng bảo kê việc mua bán vận chuyển vật liệu xây dựng, họ không cho bất cứ phương tiện nào vào khu vực một số quận nội thành để mua bán. Sở dĩ mất 2 năm là vì tư liệu còn chưa đủ, chưa có điểm nhấn, chưa có ấn tượng thu hút sự quan tâm của khán giả. Chúng tôi chờ thời điểm có những hình ảnh sinh động hơn để phát sóng.
Khi phóng sự này được phát sóng đã tạo ra điểm nhấn và tác động đến xã hội, thu hút nhiều người quan tâm, đặc biệt là các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý. Nhiều đối tượng bị xử lý theo quy định pháp luật, các đối tượng chưa lộ diện họ sợ bị người dân và cơ quan báo chí phát giác. Điều đó cho thấy rằng người dân có niềm tin vào công lý, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Đồng thời khẳng định cơ quan báo chí không chỉ phản ánh sự vật, hiện tượng đơn thuần mà còn góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
- Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đều kiểm soát gắt gao việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có những chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát săn bắn, bẫy động vật hoang dã. Các đối tượng thấy rằng cơ quan chức năng liên tục thắt chặt nên sẽ thu vào và hoạt động kín đáo hơn.
Mặc dù vậy việc săn bắn động vật hoang dã chưa hoàn toàn chấm dứt, vẫn có ở một vài khu vực. Tuy nhiên để tiếp cận được các đối tượng với những hành vi này bản thân phóng viên phải quen biết rộng, biết được các đầu mối, đầu nậu, chợ, nhà hàng tiêu thụ…
Làm sao xây dựng được mối quan hệ để người dân cung cấp thông tin cho mình, thậm chí các cơ quan báo, đài ở các địa phương cũng là nguồn thông tin rất tốt để mình có thể tiếp cận, triển khai mở rộng đề tài.
Tôi cũng may mắn được tham gia các khoá đào tạo về chủ đề này do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các Tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã... Họ cũng có nhiều kiến thức và nhiều nguồn tin quan trọng mình có thể tiếp cận, họ đã đi khảo sát thực tế khá nhiều, có những bằng chứng cụ thể. Ngoài ra, phóng viên cũng cần nắm bắt được đường đi của việc buôn bán, quá trình săn bắn, xác định được mùa nào là mùa đi săn, mùa nào là mùa động vật di cư, đi kiếm ăn…
+ Báo chí điều tra thực hiện không dễ nhưng rất có sức hút với người làm báo, nhất là các nhà báo trẻ. Nhưng trước thách thức hiện nay, để phát huy được hết năng lực và đạt hiệu quả cao, những người làm báo cần cố gắng như thế nào, thưa anh?
- Làm báo đã khó rồi làm báo điều tra còn khó hơn nữa, các bạn trẻ cũng ngại tìm kiếm, khai thác những đề tài mới, tuy nhiên triển khai đề tài cũ cũng được, nhưng nên khai thác ở góc độ khác, nhìn nhận khai thác sâu hơn. Điều quan trọng là làm báo phải đam mê, kiên trì, không được chán nản. Thường phóng viên trẻ khi liên hệ để tiếp cận một vấn đề nào đó mà không được, sẽ rất nhanh bỏ cuộc.
Thông thường các bạn trẻ làm thành công ở một vài đề tài ban đầu, sẽ rất hứng khởi, tiếp tục dấn thân để làm tiếp những phóng sự khác, còn không được là dễ nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ mặc, rồi bỏ nghề.
Tôi cho rằng, quan trọng nhất là đam mê, kiên trì, luôn quan sát, kỹ năng phán đoán nhận xét, vì làm báo không được chủ quan, không được áp đặt, cần khách quan trung thực. Cố gắng quay được hoặc khai thác được những thông tin mà không có ở trên các tờ báo khác, không tìm thấy trên mạng. Phải là sự đào sâu, suy nghĩ tìm tòi. Không cóp nhặt, nếu không khai thác mở rộng, có chiều sâu, tinh tế thì khó thu hút được bạn đọc.
Các bạn phóng viên trẻ giờ có đôi chút lợi thế là có thể học hỏi ở các nhà báo thế hệ trước, được nghe các nhà báo ở các lớp tập huấn do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, ở đây không chỉ là học được kinh nghiệm mà có nhiều khả năng làm cộng tác viên để tạo ra những tác phẩm báo chí của riêng mình. Và từ việc đi ra ngoài tác nghiệp, va vấp ở ngoài mới dần hình thành cho mình những kỹ năng kinh nghiệm được.
+ Trân trọng cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam