Trước tiên, đừng coi AI là “cây đũa thần” để cứu giúp báo chí. Về cơ bản báo chí vẫn là câu chuyện riêng giữa con người và con người. AI ở khía cạnh nào đó không hơn internet, máy tính hay điện thoại thông minh để giúp ta làm tốt hơn công việc của mình. Đúng là các tòa báo lớn trên thế giới đều đang áp dụng các công cụ AI vào công việc, nhưng chỉ ở vai trò hỗ trợ cho hoạt động báo chí.
Đặc biệt, cũng đừng nhầm lẫn giữa AI mà các Big Tech đang sử dụng và AI dành cho báo chí. Nhiều công cụ AI của các Big Tech đang lấy những thứ có sẵn, đặc biệt nội dung báo chí, để biến thành của mình - một hình thức xâm phạm bản quyền mà cả thế giới đang lên án. Báo chí phải coi AI ở một dạng khác, dùng AI như công cụ hỗ trợ để có nhiều hơn các tác phẩm, ấn phẩm... chất lượng hơn, cũng như có thể tiếp cận và tương tác với độc giả tốt hơn.
Thực tế, năm 2023 đã chứng kiến không ít những sự cố cho thấy một số tổ chức báo chí đã lạc lối trên con đường AI, khi sử dụng AI để viết bài và đã phải đối mặt với sự chỉ trích, lên án và tự hủy hoại giá trị - danh tiếng của mình. Nổi bật nhất là trường hợp của trang tin thể thao danh giá Sports Illustrated (SI) của Mỹ.
Cụ thể, vào cuối tháng 11 năm 2023, trang web Futurism đã báo cáo rằng Sports Illustrated đã sử dụng các bài báo mà không thể xác định được tác giả, được cho rằng là do AI viết. Dù SI không thừa nhận, nhưng các nguồn tin của Futurism khẳng định: “Nội dung này hoàn toàn do AI tạo ra, dù họ có nói như thế nào”. Uy tín của tờ báo đã xuống dốc và phải chấm dứt hợp đồng với công ty phụ trách xuất bản các bài báo này. Đầu năm 2023, các thử nghiệm viết tin bài bằng AI cũng đã gặp vấn đề ở chuỗi báo Gannett và trang web công nghệ CNET.
Như vậy, dù AI đang được xem như một đòn bẩy để báo chí phát triển trở lại, nhưng về cơ bản báo chí phải tự sản xuất nội dung, hoặc ít nhất chỉ có thể sử dụng AI trích xuất nội dung từ dữ liệu hoặc tài liệu trước đó của riêng mình. Đây được xem như nguyên tắc đạo đức báo chí AI hàng đầu hiện nay. Báo chí đang sử dụng AI như thế nào?
Trong khi AI đã được nhiều ngành công nghiệp áp dụng để tự động hóa nhiều công việc, thì báo chí vẫn hết sức thận trọng bởi những vấn đề như đã nói ở trên. Theo nghiên cứu mới nhất của JournalismAI, các tòa soạn vẫn đang chỉ sử dụng AI để làm công cụ hỗ trợ, chứ chưa hề có chuyện sử dụng AI thay phóng viên viết báo.
Cụ thể, trong lĩnh vực thu thập tin tức thì AI đang được sử dụng cho công việc như nhận dạng ký tự quang học (OCR), chuyển giọng nói thành văn bản và trích xuất văn bản - những tác vụ nhàm chán từng tốn nhiều thời gian của các nhà báo. Các phần mềm hiện đang được sử dụng rộng rãi cho phần việc này gồm Colibri.ai, SpeechText.ai, Otter.ai và Whisper.
Ngoài ra, AI cũng sẽ được sử dụng để phát hiện xu hướng và chủ đề tin tức đang được quan tâm. Điều này có thể được thực hiện bởi các dịch vụ quét web và khai thác dữ liệu như CrowdTangle, Dataminr và Rapidminer. Đặc biệt, các tòa soạn có thể kết hợp với công ty AI để tạo ra một công cụ AI hoặc chatbot nhằm phục vụ cho các công việc đặc thù của riêng mình.
Trong vấn đề sản xuất tin bài, AI đang được các tòa soạn sử dụng để xác minh tính xác thực. Ví dụ: Các mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đang hỗ trợ kiểm tra xác nhận quyền sở hữu thực tế. Nó có thể giúp các tòa soạn xác định các phát biểu và đối chiếu chúng với những tuyên bố đã được kiểm chứng thực tế trước đó.
Một số tòa soạn hiện cũng đã thử nghiệm và sử dụng các công nghệ AI sáng tạo (genAI) như ChatGPT trong các nhiệm vụ sản xuất nội dung, nhưng chỉ dừng lại ở viết tóm tắt, đưa ra tiêu đề hay kể chuyện bằng hình ảnh. Ngoài ra, Grammarly và các công cụ AI kiểm tra chính tả khác được sử dụng để chỉnh sửa, hiệu đính và cải thiện chất lượng nội dung bằng văn bản.
Trong lĩnh vực phát hành tin tức, nhiều cơ quan truyền thông và báo chí lớn trên thế giới đã áp dụng AI để tăng cường khả năng tiếp cận độc giả, được xem là lĩnh vực quan trọng nhất đối với báo chí. Cụ thể, AI sẽ giúp cá nhân hóa và đề xuất nội dung khớp với sự quan tâm của độc giả. Ngoài ra, công nghệ AI chuyển giọng nói thành văn bản hay ngược lại chuyển văn bản thành âm thanh sẽ giúp độc giả có nhiều hình thức tiếp cận hơn các bài báo hơn.
Một số hãng tin cũng đang sử dụng các công cụ AI như Echobox và SocialFlow để phát hành hiệu quả và nhanh chóng hơn trên các mạng xã hội. Các chatbot cũng được sử dụng để giúp độc giả có trải nghiệm thú vị hơn và đạt được tỷ lệ phản hồi nhanh hơn. Ví dụ, chatbot WhatsApp được sử dụng để gửi các bản tóm tắt tin tức hằng ngày của một số tờ báo ở Mỹ và châu Âu.
Cũng trong lĩnh vực phát hành tin tức, việc sử dụng AI để nâng cao khả năng hiển thị trong tìm kiếm là rất quan trọng với báo chí số. Các công cụ SEO do AI xử lý có thể giúp các tòa soạn hiểu rõ hơn về sở thích của độc giả. Ubersuggest là một công cụ AI giúp tìm kiếm từ khóa trực tuyến, Google Discover chỉ ra những xu hướng nào đang thịnh hành, CrowdTangle thể hiện bài đăng nào trên mạng xã hội đang hoạt động hiệu quả.
Các công cụ AI rõ ràng rất cần thiết trong kỷ nguyên báo chí mới, giống như các tòa báo, nhà báo đang không thể thiếu máy ảnh, máy quay, internet, máy tính..., thậm chí ảnh hưởng của AI sẽ còn sâu rộng hơn. Nhưng một lần nữa lưu ý rằng, báo chí không thể sử dụng AI để sao chép hay xâm phạm bản quyền để tạo ra nội dung. Đó sẽ là con đường khiến báo chí ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Phần lớn tòa soạn tin tưởng AI sẽ giúp báo chí phát triển hơn. Ảnh minh họa: GI
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024