Hợp tác xã Chè Thủy Thuật và câu chuyện làm chè sạch

Thứ năm - 29/10/2020 11:25   Đã xem: 1629   Phản hồi: 0

Được coi là một trong những cơ sở tiên phong trong phong trào sản xuất chè búp theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã Chè Thủy Thuật (vợ Phạm Thị Thủy, sinh năm 1978, chồng Ngô Viết Thuật, sinh năm 1976) đóng tại xóm Lai Thành, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên, đã có một quá trình khá dài sản xuất chè với phương châm an toàn, tốt cho sức khỏe.

 
Anh Ngô Viết Thuật và chị Phạm Thị Thủy đang nhớ lại những ngày đầu làm chè theo hướng hữu cơ
 
Vốn xuất thân từ những vùng chè nổi tiếng như Tân Cương, Phúc Xuân của Thái Nguyên, anh chị Thuật Thủy kết duyên cùng nhau và xác định gắn đời mình với cây chè. Biết được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự sinh trưởng của cây chè, anh chị quyết định chọn mua đất sát bờ kênh Núi Cốc thuộc xã Phúc Trìu để lập nghiệp. Năm 1999, đôi vợ chồng trẻ vay mượn khắp hai bên gia đình, mua được 7.000m2 đất, dần dà nhờ chăm chỉ làm ăn, mỗi năm mua thêm một chút, đến nay anh chị đã có 2ha đất trồng chè cho thu hoạch. Có đất, sẵn nghề, anh chị cứ sản xuất theo lối truyền thống như từ nhỏ bố mẹ đôi bên đã làm, cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa con vẫn được đảm bảo. Nhưng rồi tham gia sinh hoạt tại các tổ chức Hội Nông dân, được tập huấn phổ biến kiến thức…, anh chị nhận thấy nếu cứ giữ nếp cũ, phun thuốc trừ sâu tràn lan, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho cộng đồng, mà người trực tiếp sao sấy sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Vậy là, từ năm 2013, anh chị đăng kí tham gia sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP và thực hiện nghiêm quy trình sản xuất nên đến năm 2014 thì sản phẩm chè búp tươi của anh chị được công nhận “sản xuất phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)”. Và từ đó, duy trì đến nay, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm được cảm tình của khách hàng. 
Tháng 6 năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Chè Thủy Thuật ra đời gồm 9 xã viên với tổng diện tích 5ha (4ha chè lai và 1ha chè trung du), đồng thời liên kết với 28 cá nhân trên tổng diện tích 20ha, cùng nhau phát triển sản xuất theo mô hình VietGAP, hướng tới hữu cơ. Hiện tại, sản lượng của HTX Chè Thủy Thuật mỗi tháng khoảng 1 tấn chè búp khô, với nhiều dòng sản phẩm như: Lộc đinh trà (giá từ 2,2 đến 2,8 triệu/kg), Nhất tâm trà (từ 1 đến 1,2 triệu/kg), Tôm nõn (từ 5 đến 7 trăm/kg) và chè búp thông thường, trong đó phổ biến nhất là loại chè búp thông thường có giá thành từ 250 đến 350 nghìn đồng/kg. Doanh thu mỗi năm trên 3 tỉ đồng.
Anh Thuật cho biết: Chè sạch phải sạch từ khâu chăm sóc đến khâu chế biến. Từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc an toàn, chỉ dùng đỗ tương, cá, đường, ủ cùng các chế phẩm sinh học để làm phân bón; tuyệt đối không dùng các chất phụ gia trong chế biến. Làm được vậy, cũng đòi hỏi quyết tâm cao và sự đấu tranh tư tưởng quyết liệt. Bởi bao giờ chả vậy, dùng các sản phẩm hóa học vừa tác dụng ngay giá thành lại rẻ. Thậm chí, chúng tôi phải chấp nhận mất một số khách hàng vì không đáp ứng theo yêu cầu của họ.
Với quyết tâm đó, nên từ năm 2016 gia đình đã có ý thức chuyển sang làm chè theo hướng hữu cơ. Chị Thủy nhớ lại: Thực ra cũng không phải chúng tôi tiên tiến gì cả, chẳng qua tôi thấy cây chè khi được chăm bón bằng hóa chất thì chỉ được một thời gian rồi cứ kém dần, nên đã bàn nhau chuyển hướng. Chồng tôi cứ lọ mọ đi hỏi rồi tự mua đỗ tương về bón, lúc đầu còn không biết ủ với chế phẩm nên không thành. Sau này, có anh Nghĩa ở Chi cục bảo vệ thực vật hướng dẫn và cho một quy trình ủ phân hữu cơ rồi mua hộ chế phẩm, từ đó mới biết đến những chế phẩm ủ phân chuồng để diệt vi khuẩn có hại. Sau này lại được Trung tâm Khuyến nông, rồi Hội Nông dân giúp đỡ về kiến thức, kĩ thuật. Đến năm 2019 thì được Nhà nước hỗ trợ, được tập huấn, được hỗ trợ phân bón, chế phẩm ủ phân và thải độc đất đất, vv. Giờ thì HTX tôi yên tâm theo hướng hữu cơ rồi. Theo quy định thì năm 2021, chúng tôi sẽ đủ thời gian để được xem xét, công nhận sản phẩm hữu cơ.
Cần mẫn làm và suy nghĩ tích cực, các sản phẩm của HTX Chè Thủy Thuật đã không phụ công người làm ra. “Nhất tâm Trà” đã đạt danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 2 - năm 2018 và “Lộc đinh Trà” đạt danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 3 - năm 2020. Đồng thời, năm 2019, “Nhất tâm Trà” cũng vinh dự được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP, đạt chất lượng 3 sao. Năm nay, HTX cũng đang mong chờ những tín hiệu vui hơn cho hai sản phẩm “Lộc đinh Trà” và “Tôm nõn” tham gia OCOP lần này. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Hợp tác xã Chè Thủy Thuật
Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết: HTX Chè Thủy Thuật là một trong những HTX điển hình của tỉnh, thực hiện tốt mô hình phát triển kinh tế tập thể, đồng thời cũng là một trong số ít HTX trong tỉnh tiên phong sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Vậy đó, những nông dân thuần túy, mặc dù chưa học hết chương trình phổ thông, nhưng nhờ ham học hỏi, biết vận dụng tiến bộ kĩ thuật và có ý thức bảo vệ môi trường nên đã chọn cho mình một hướng đi đúng. Hướng đi ấy sẽ mang lại một tương lai bền vững cho gia đình, với nền tảng là hai đứa con đang theo học tại Trường đại học FPT Hà Nội. Những “tế bào” mạnh khỏe đó sẽ góp phần tích cực xây dựng nên một xã hội như chúng ta hằng mong muốn./.


 
 

Tác giả bài viết: Huyền Hoa

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập41
  • Hôm nay15,240
  • Tháng hiện tại693,805
  • Tổng lượt truy cập28,343,550

Hình ảnh nổi bật

09/KH-UBND

Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026

Lượt xem:20 | lượt tải:6

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:301 | lượt tải:70

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:533 | lượt tải:163

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:475 | lượt tải:167

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:110 | lượt tải:25

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây