Thái Nguyên và sứ mệnh dẫn dắt kinh tế vùng, Bài 2: Nghị quyết 11 - bước đột phá mới

Thứ ba - 26/12/2023 15:07
Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (NQ11) ra đời như một luồng sinh khí mới tiếp tục khơi thông nguồn lực của một vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng để có thể tiến chắc, tiến xa sau nhiều năm nỗ lực đưa Nghị quyết số 37-NQ/TW (NQ37) vào cuộc sống. Điểm cốt lõi được NQ11 đưa ra chính là quyết tâm xây dựng các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện...
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đoạn qua TP. Phổ Yên.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đoạn qua TP. Phổ Yên.


Điểm mới của NQ11

NQ11 đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 5 nhóm quan điểm, 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong Vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị đánh giá: NQ11 có 3 điểm mới đáng chú ý. Về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo, NQ11 kế thừa, bổ sung, phát triển 3 quan điểm rất ngắn gọn của NQ37 thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Về mục tiêu, nếu NQ37 chỉ đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2010 thì NQ11 đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong Vùng. NQ11 cũng đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

 

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phân tích: NQ11 đặt sự phát triển của Vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia, đưa ra yêu cầu về thống nhất nhận thức và đổi mới tư duy phát triển và liên kết vùng. Nghị quyết yêu cầu phát triển kinh tế Vùng phải có trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt, NQ11 xác định rõ 2 khâu đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển kinh tế vùng phải gắn với phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là đặc biệt quan trọng, trung tâm trong các quyết định phát triển vùng...

Phát triển xanh, bền vững và toàn diện

NQ11 xác định, đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước.

Từ đó phấn đấu một số tỉnh nằm trong nhóm các địa phương phát triển khá của cả nước, đến năm 2045 là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm phát triển khá...

Vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) với cảnh đẹp, trà ngon.

Vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) với cảnh đẹp, trà ngon.
 

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xuyên suốt của NQ11 phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, phát triển xanh và bền vững đòi hỏi từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của vùng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng phân tích, phát triển toàn diện là sự phát triển với người dân là trung tâm, là mục tiêu và động lực phát triển. Qua đó, giúp thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các tỉnh trong Vùng với vùng khác.

Tiếp tục khẳng định vai trò hạt nhân

Ngay sau khi NQ11 ra đời, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, tỉnh đã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ được giao; hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thái Nguyên đang hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao.

Thái Nguyên đang hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao.


Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện NQ11, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Năm 2023, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 5,01%, với giá trị GRDP ước đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 113 triệu đồng, giá trị xuất khẩu ước đạt trên 27,1 tỷ USD và tổng thu ngân sách ước đạt 20 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh trong Vùng.

Thái Nguyên cũng là địa phương thứ 5 trong cả nước, tỉnh thứ 2 trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng mang tính liên vùng với một số dự án, công trình trọng điểm, như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; dự án đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang)…

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp phát triển GTVT giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo

Sở Giao thông Vận tải hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo (ngày 16/11/2023). Ảnh: T.L
 

Theo một số chuyên gia, kết quả bước đầu đạt được khi triển khai NQ11 cho thấy vai trò hạt nhân, kết nối và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế vùng của Thái Nguyên tiếp tục được khẳng định. Với sự phát triển về hệ thống kết cấu hạ tầng mang tính liên vùng, tiềm lực và thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, Thái Nguyên đang dần mang dáng vóc của một trung tâm phát triển xanh, bền vững và toàn diện...
 
"còn nữa"

Nguồn tin: baothainguyen.vn:


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản