Ứng dụng công nghệ trong phát hiện và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo

Chủ nhật - 29/03/2020 15:23   Đã xem: 1383   Phản hồi: 0

Trước thực trạng xuất hiện nhiều tiêu cực trong hoạt động báo điện tử, Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

 

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/ung-dung-cong-nghe-trong-phat-hien-va-xu-ly-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-nguoi-lam-bao2.jpg
Vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã và đang diễn ra ở một số nơi. Ảnh minh họa
Phần mềm giúp Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt chức năng của hội theo quy định tại Điều 8 Luật Báo chí 2016, ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
Từ những vấn đề thực tiễn
Hệ thống báo chí Việt Nam hiện nay không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, chủng loại, đội ngũ nhà báo, kỹ thuật và công nghệ... bảo đảm quyền tự do hoạt động báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và tự do tiếp nhận sản phẩm báo chí cho công dân. “Phát triển đi đôi với quản lý tốt” là quan điểm thực tiễn của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình hiện nay đã tạo cơ hội giúp báo chí phát triển mạnh mẽ và chuyên nghiệp, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không ngừng được hoàn thiện.
Thời gian gần đây, báo điện tử được phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ nhất trong các loại hình báo chí. Tuy nhiên, báo điện tử đang là loại hình làm “đau đầu” những nhà quản lý báo chí khi xuất hiện ngày càng phổ biến hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Việc chỉnh sửa, gỡ bài trên báo điện tử có thể do sai sót trong quá trình tác nghiệp, trong khi phải bảo đảm tính thời sự nên dẫn đến việc đăng tải một số thông tin không chuẩn xác. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là việc chỉnh sửa, gỡ bài có tính “động cơ” nhằm đem lại lợi ích bất chính cho cá nhân nhà báo và tòa soạn.
Trước những vấn đề nhức nhối, tiêu cực trong hoạt động báo điện tử gần đây, Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam (TTĐT HNB VN) đã đề xuất lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng phần mềm ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Nhằm giúp các báo điện tử thận trọng khi xuất bản thông tin, đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí. Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Cổng TTĐT HNB VN đã thiết kế, thi công thành công phần mềm ứng dụng nói trên, đưa vào sử dụng từ tháng 8/2017 cho đến nay. Qua việc ứng dụng phần mềm này, việc gỡ và sửa bài ở các cơ quan báo chí đã giảm đáng kể.
http://nguoilambao.vn/upload_images/images/ung-dung-cong-nghe-trong-phat-hien-va-xu-ly-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-nguoi-lam-bao.jpg
Ứng dụng công nghệ trong phát hiện và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Ảnh: TL
Cơ chế hoạt động của phần mềm
Phần mềm theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo và trang thông tin điện tử; cung cấp cho người theo dõi biết được thời gian đăng bài, thời gian kiểm tra biết bài bị gỡ, bị sửa, biết được phần nội dung bài bị gỡ, nội dung sửa của bài bị sửa. Phần mềm hoạt động 24/24h do kỹ thuật viên của Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam quản lý.
Hằng tuần, kỹ thuật viên báo cáo kết quả theo dõi cho lãnh đạo Cổng, lãnh đạo Cổng báo cáo với Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam, Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý báo chí. Do bị kiểm soát nên việc xuất bản của các báo thận trọng hơn, đồng thời các báo điện tử cũng có lý do từ chối những tác động gỡ bài và sửa bài.
Phần mềm hoạt động theo 4 bước:
Bước 1: thiết lập danh sách tên miền các trang báo điện tử đưa vào danh sách theo dõi;
Bước 2: Phần mềm vào các địa chỉ trang web, lấy toàn bộ các bài báo của trang web đó, lưu lại các thông tin: tiêu đề, nội dung, thời gian đăng và lưu lại vào cơ sở dữ liệu;
Bước 3: Phần mềm định kỳ sau 1 thời gian nhất định (thường khoảng một tiếng) vào các trang Web và kiểm tra lại các thông tin link bài báo trên trang và so sánh với link chính bài báo đó đã lưu vào cơ sở dữ liệu;
Nếu link bài báo hiện tại vẫn còn nhưng tiêu đề, nội dung bị sửa đổi, phần mềm xuất ra danh sách bài báo bị sửa đổi.
Nếu link bài báo hiện tại không còn khi so sánh với trong cơ sở dữ liệu phần mềm xuất ra danh sách bài báo bị xóa;
Bước 4: Quản trị viên hàng ngày kiểm tra danh sách bài báo bị sửa, xóa của các báo điện tử, thực hiện lọc thông tin bài báo nghi ngờ có tiêu cực để gửi báo cáo lên cấp trên. Thông qua việc ứng dụng phần mềm trong phát hiện và xử lý hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, hiện tại đang tồn tại một số bất cập:
Phần mềm tuy phát huy được tính năng theo dõi việc chỉnh sửa, gỡ bài nhưng đến nay mới theo dõi được khoảng 200 báo và trang thông tin điện tử, trong khi số báo và trang thông tin điện tử ở Việt Nam lên đến hàng nghìn. Phần mềm hiện nay hoạt động theo nguyên tắc lặp lịch 1 tiếng kiểm tra các báo và trang thông tin điện tử một lần, nếu vậy các báo và trang thông tin điện tử đăng lên rồi chỉnh sửa, gỡ trong thời gian trước 1 tiếng, phần mềm sẽ không phát hiện được. Đặt ra yêu cầu phần mềm phải theo dõi trong thời gian ngắn hơn.
Không phải bài bài báo hay trang thông tin điện tử nào tham gia việc gỡ, sửa bài cũng đứng đằng sau là vấn đề tài chính, có thể là sửa một dấu chấm, dấu phẩy, hoặc sửa chính tả đơn thuần nhưng phần mềm vẫn báo về kết quả. Vì vậy, vấn đề nổi cộm của phần mềm hiện nay chưa thể lọc ra được những bài báo có dấu hiệu sai phạm và trong tương lai phần mềm cần được bổ sung thiết kế quản lý theo từ khóa.
Một số đề xuất và kiến nghị
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước Muốn phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước về báo chí, cần phải thiết lập hệ thống tổ chức quản lý báo chí rõ ràng, thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng quy chế để thường xuyên làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; quy định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo báo chí của Đảng, cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước, Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.
Thông qua quy hoạch báo chí, cơ quan báo chí nào cần cho lợi ích chung, cho công tác tuyên truyền hiệu quả, đúng tôn chỉ mục đích thì xác định tồn tại, không thì thu hồi giấy phép. Không để tình trạng báo chí phát triển quá nóng, kéo theo lực lượng làm báo không đủ tiêu chuẩn; Chất lượng người làm báo kém hơn, thậm chí người ta sử dụng những người không học về báo chí để tham gia làm cộng tác viên, những người này chủ yếu đi “đánh” doanh nghiệp và người dân; Lợi dụng sơ hở bới lông tìm vết để trục lợi.
Thắt chặt quản lý, đặc biệt là vấn đề bản quyền trên báo điện tử, cần được siết chặt hơn. Thậm chí, bản thân các báo cũng bước đầu có ý thức bảo vệ tác quyền của mình. Các báo điện tử khác không được đăng lại tin, bài của nhau nếu không có sự đồng ý. Đây là sự hợp tác, liên kết cần thiết và phù hợp với thực tế, khi mà vai trò của thông tin trực tuyến đang dần được nâng lên ngang tầm với các phương tiện in truyền thống và vấn đề vi phạm bản quyền trên báo điện tử ngày một nhức nhối.
Đối với Hội Nhà báo Việt Nam
Phần mềm cần được sử dụng ngầm để minh bạch hóa quá trình phát hiện vi phạm đạo đức của người làm báo. Bởi lẽ, nếu công khai phần mềm như hiện tại và chưa xử lý triệt để những trường hợp vi phạm, chắc chắn, tình trạng vi phạm đạo đức người làm báo vẫn tiếp tục diễn ra.
Cổng TTĐT HNB VN tiếp tục đảm nhận công việc theo dõi việc sửa bài, gỡ bài của các báo điện tử, nhưng nếu chỉ có Cổng TTĐT HNB VN thì chưa thể đem lại kết quả cuối cùng. Do đó, cần có sự thay đổi bộ máy cho sự kiểm soát hoạt động báo chí, cụ thể Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ hơn với Hội Nhà báo Việt Nam khi có thông tin sửa bài, gỡ bài trên báo điện tử, các cơ quan báo chí phải giải trình được vì sao sửa bài, gỡ bài.
Hội Nhà báo Việt Nam cần có quy định phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý những bài báo có tiêu cực, nếu giải trình không hợp lý cần có thanh, kiểm tra từ các cơ quan chức năng. Sau khi thanh, kiểm tra và kết luận vấn đề, cần nêu trước Hội nghị giao ban báo chí, thậm chí có dấu hiệu vì phạm pháp luật phải chuyển sang cơ quan điều tra.
Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức tuyên truyền thật sâu rộng về yêu cầu trong tình hình hiện nay, liên quan đến đạo đức và tác nghiệp báo chí. Đồng thời, thường xuyên có các chương trình tổng kết và đánh giá về hoạt động và hiệu quả của phần mềm, yêu cầu các bên liên quan đóng góp ý kiến để khắc phục điểm yếu (nếu có) và vận hành tốt hơn.
Đối với cơ quan báo chí
Các tòa soạn báo cần xây dựng những bộ quy tắc để hướng dẫn cho phóng viên, nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp. Hầu hết các tòa soạn báo ở các nước trên thế giới đều có Bộ Quy tắc riêng. Các tòa soạn đưa ra Bộ Quy tắc, trong đó có các quy định nhằm hướng dẫn cách ứng xử cho phóng viên và các thành viên ban biên tập.
Trong trường hợp xuất hiện các vấn đề nảy sinh không có trong quy định pháp luật, không có trong hợp đồng lao động hay cụ thể hóa các nội dung trong Bộ quy tắc 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí cần xây dựng quy định, quy chế cung cấp thông tin phải rõ ràng.
Đối với phóng viên, biên tập viên
Những người làm báo hiện nay cần biết quảng bá thông tin của mình, tức là lan truyền thông tin của mình trên mạng xã hội để độc giả biết. Hay nói cách khác, nghề báo cần cung cấp những thông tin mà độc giả cần, vì có quá nhiều thông tin. Độc giả hay đi theo kênh và sở thích của họ, vì thế các cơ quan báo chí phải phát huy thế mạnh của mình phục vụ tốt nhất nhu cầu của người đọc.
Người làm báo cần phải có ý thức về đạo đức nghề nghiệp cũng như các kỹ năng để phát triển bản thân và phòng tránh các tai nạn nghề nghiệp. Việc xuất hiện của công nghệ phần mềm này của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ giúp nhiều hơn cho các cơ quan quản lí báo chí trong việc quản lí và vận hành hệ thống báo chí nói chung và đạo đức quy chuẩn nghề báo nói riêng.
Từ khi có ứng dụng phần mềm theo dõi gỡ bài, sửa bài, lượng bài gỡ giảm đi rất lớn. Do bị kiểm soát nên việc xuất bản của các báo thận trọng hơn, đồng thời các báo cũng có lý do từ chối những tác động gỡ bài, sửa bài. Với việc nâng cao quản lý, sử dụng phần mềm ứng dụng này đã giúp Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt chức năng của Hội theo quy định tại Điều 8 Luật Báo chí 2016, ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục thông tin tuyên truyền và hướng dẫn thật rõ ràng cụ thể về công nghệ này cho giới báo chí và các nhà quản lí báo chí nắm rõ, qua đó mới có được sự ủng hộ, chia sẻ và áp dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
Theo: Ngô Văn Khiêm/ Tạp chí Người làm báo

 

Nguồn tin: Theo: Ngô Văn Khiêm/ Tạp chí Người làm báo

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập176
  • Hôm nay34,959
  • Tháng hiện tại378,289
  • Tổng lượt truy cập26,660,701

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây