NHỮNG KINH NGHIỆM CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG TỪ CUỘC VẬN ĐỘNG CÁCH MẠNG THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 1939 - 1945

Thứ hai - 27/07/2020 12:57   Đã xem: 851   Phản hồi: 0

Khi nói về nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa chẳng phải bắt đầu từ sự mua sắm vũ khí chế tạo võ trang, mà bắt đầu bởi sự giác ngộ dân, bởi sự tổ chức quần chúng. Người, trước đã, rồi đến súng ”[1]. Cuộc vận động cách mạng Thái Nguyên thời kỳ 1939 - 1945 là một trong những minh chứng về chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong công tác tư tưởng, đoàn kết toàn dân đấu tranh, giành độc lập cho dân tộc.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm đồng bào Định Hóa năm 1993
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du, địa hình phức tạp và chia cắt, cư dân tỉnh đa số là đồng bào dân tộc ít người mà đại bộ phận là nông dân (tính đến năm 1936, Thái Nguyên có dân số 100.000 người)[2], phân bố trên địa bàn rộng hơn 3.500km2. Điều kiện tham gia công tác vận động cách mạng còn mỏng, các yếu tố kỹ thuật hỗ trợ hoàn toàn chưa có; chính sách “ngu dân” thâm độc của thực dân Pháp và sự khác nhau về phong tục, tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc là những trở ngại lớn cho việc vận động cách mạng. Trong hoàn cảnh như vậy, công tác tuyên truyền, vận động cách mạng đòi hỏi sự đúng đắn của Đảng, cách làm sáng tạo của cán bộ, đảng viên làm công tác vận động. Từ sau Hội nghị Trung ương tháng 11 năm 1939, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh và nhiều cán bộ của Trung ương, Xứ uỷ Bắc Kì thường xuyên qua lại Thái Nguyên hoạt động, tuyền truyền, gây cơ sở cách mạng. Ở các địa phương tỉnh Thái Nguyên (Phú Bình, Phổ Yên, Võ Nhai) đã bắt đầu hình thành các nhóm thanh niên trung kiên, làm hạt nhân nòng cốt cho đấu tranh chính trị, đồng thời là lực lượng chuẩn bị để xây dựng các đội tự vệ chiến đấu. Các nhóm thanh niên trung kiên ở đã tham gia hoạt động sôi nổi, với lực lượng, nội dung và phương pháp đấu tranh mới. Ở Phú Bình, nhóm thanh niên trung kiên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động trong nhân dân có tính công khai như nhóm đọc báo, nhóm truyền bá Quốc ngữ;… nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 1917, lực lượng thanh niên trung kiên đã làm nòng cốt tổ chức rải truyền đơn kêu gọi chống chiến tranh đế quốc và treo cờ búa liềm ở Chợ Đồn (xã Kha Sơn). Ở Võ Nhai, tháng 6/1940, nhân dân tham gia đấu tranh chống bắt phu làm đường Đình Cả,…
Từ hoạt động của các nhóm thanh niên trung kiên, được sự giúp đỡ của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kì, các cơ sở đảng ở Thái Nguyên đã tích cực vận động nhân dân thành lập các đội tự vệ chiến đấu, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự ở nhiều nơi như Võ Nhai, Phú Bình, Phổ Yên để bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, trừ gian và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. 
Phong trào cách mạng ở Việt Bắc phát triển mạnh, đặc biệt sau khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), thực dân Pháp bắt đầu thực hiện cuộc đàn áp, khủng bố dã man. Thủ đoạn của thực dân Pháp là vừa dụ dỗ, vừa đàn áp để phá cơ sở cách mạng; đồng thời chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, chia rẽ nhân dân với những người cách mạng. Chiêu bài dụ dỗ của thực dân Pháp rất nham hiểm, xảo quyệt: “chớ đi theo bọn người Kinh, bảo đảm cho những người bí mật được tự do về nhà, hay mời các cán bộ bí mật ra làm việc cho Chính phủ” [3]. Trong hoàn cảnh đó, nếu những người hoạt động bí mật chủ quan và tin chúng sẽ chẳng khác gì tự thú để chúng bắt, tra tấn và xử tử những người cộng sản. Tuy nhiên, do làm tốt công tác vận động nên đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên một lòng đi theo cách mạng và sự giác ngộ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Không đạt được mưu đồ dụ dỗ, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp, củng cố và xây dựng thêm nhiều đồn binh, tạo thành thế bao vây, phong toả Võ Nhai; tăng cường mật thám xuống tận thôn, bản, các con đường vào rừng để truy tìm dấu vết cách mạng; tuyên truyền, phao tin đồn nhảm gây hoang mang trong quần chúng và chia rẽ nhân dân với Cứu quốc quân. Chúng bắt thân nhân những người tham gia Cứu quốc quân đem đi giam ở nhà tù Chợ Chu (Định Hoá) nhằm lung lạc ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Cứu quốc quân. Chúng đốt nhà, cướp của, dồn dân vào sống trong các trại tập trung ở Phú Thượng, Đình Cả, làng Giữa,… Ở các trại tập trung, chúng đều làm hàng rào tre vót nhọn bao quanh, cho lính canh gác ngày đêm, tuần phòng nghiêm ngặt, buổi tối gọi tên, điểm mặt từng người. Riêng tại trại tập trung làng Giữa (Tràng Xá), chúng dồn 3.000 dân vào một khoảnh đất chưa đầy 1km2, chung quanh hàng rào nứa có lính canh gác 2 cổng ra vào.  
Dồn dân vào trại tập trung, thực dân Pháp nhằm hai mục đích: Cắt đứt mọi sự liên hệ giữa Cứu quốc quân với nhân dân; khủng bố, uy hiếp tinh thần nhân dân các dân tộc không chỉ vùng Võ Nhai mà cả vùng Việt Bắc. Các hành động khủng bố tàn bạo của kẻ thù tuy có gây cho ta nhiều khó khăn nhưng nhân dân Thái Nguyên sống trong các trại tập trung vẫn tìm cách lợi dụng sơ hở của địch để liên lạc và tiếp tế cho cán bộ, đảng viên và Cứu quốc quân. Ở trong rừng sâu, ban ngày cán bộ, chiến sĩ Cứu quốc quân tích cực huấn luyện quân sự, học tập chính trị, ban đêm bí mật về các trại tập trung và các làng bản để liên lạc, động viên và hướng dẫn nhân dân đấu tranh.
Nhờ hoạt động tích cực của cán bộ, đảng viên và chiến sĩ Cứu quốc quân, phong trào cách mạng tỉnh Thái Nguyên vẫn được giữ vững. Ở những nơi bị địch khủng bố trắng, Cứu quốc quân từng bước xây dựng và củng cố lại phong trào. Các tổ công tác của Cứu quốc quân đã hoà mình trong phong trào quần chúng, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với bà con các dân tộc để củng cố và phát triển các Hội cứu quốc, các đội tự vệ. Cứu quốc quân đã tổ chức các buổi tuyên truyền bằng hình thức triển lãm tranh ảnh, diễn thuyết về tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật, về những tấm gương hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng. 
Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ các tỉnh đã được giải phóng, tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên, đặt dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban lâm thời Khu giải phóng, do Hồ Chí Minh đứng đầu. Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh được thực hiện nhằm xây dựng Khu giải phóng vững mạnh về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Dưới sự lãnh đạo của của Uỷ ban lâm thời Khu giải phóng, các tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh ở Thái Nguyên đã động viên nhân dân tăng gia sản xuất; xóa nạn mù chữ, thực hiện đời sống mới; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết; nam nữ bình quyền; vận động giảm tô, giảm tức, hoãn nợ... Những chính sách của Khu giải phóng có giá trị to lớn cổ vũ mạnh mẽ quân và dân Thái Nguyên trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, góp phần tạo ra tiền đề cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Với các biện pháp tuyên truyền sát thực, sáng tạo, đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên được giác ngộ cách mạng cao, căm thù địch sâu sắc và hăng hái tham gia, ủng hộ cách mạng, bảo vệ vệ cơ sở cách mạng, đóng góp lương thực, thực phẩm để cung cấp cho Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chỉ tính riêng châu Định Hoá (Thái Nguyên) trong vòng mười ngày đầu cuộc vận động, nhân dân trong châu đã ủng hộ gần 10 tấn thóc, 100 con trâu, trên 100 con lợn và hàng trăm cân thực phẩm khác. Uỷ ban nhân dân cách mạng châu Định Hoá đã huy động gần 100 nam, nữ thanh niên dân tộc gùi, gánh, đưa số lương thực, thực phẩm này vượt đèo De sang Tân Trào phục vụ kịp thời Hội nghị toàn quốc của Đảng và quốc dân Đại hội.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, nhiều xã thôn và một số huyện trong tỉnh Thái Nguyên đã chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền bộ phận. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4/1945, toàn bộ vùng nông thôn Thái Nguyên đã được giải phóng, có chính quyền cách mạng ở hầu hết các làng, xã; bộ máy chính quyền địch chỉ còn ở cấp huyện và tỉnh. Từ tháng 4 đến tháng 8/945, nhân dân Thái Nguyên bước vào quá trình giành chính quyền trong toàn tỉnh mà điểm cuối cùng là giải phóng thị xã ngày 20/8/1945. 
Công tác vận động cách mạng thời kỳ 1939 - 1945 ở Thái Nguyên, nơi tuyệt đại bộ phận nhân dân là nông dân, đồng bào dân tộc ít người cho thấy những điểm tích cực của người dân Thái Nguyên. Từ 1941, Đảng chủ trương tạm gác khẩu hiệu “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày” xác định “Dân tộc giải phóng” là nhiệm vụ cần kíp và trên hết nhưng những người dân Thái Nguyên vẫn tiếp tục tham gia cách mạng đông đảo, nhiệt thành hơn. Điều này cho thấy rằng, người dân Thái Nguyên có tinh thần giác ngộ cách mạng rất cao, họ đã đặt vấn đề quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi giai cấp, vấn đề giải phóng dân tộc lên trên vấn đề ruộng đất.
Mặt khác, cuộc vận động cho thấy những người dân tỉnh Thái Nguyên có tinh thần cách mạng kiên cường. Trở thành vùng căn cứ cách mạng, nơi diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm, cho nên khác với các vùng khác trong cả nước, nơi đây chịu sự đán áp, khủng bố ác liệt, tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhiều nhà cửa bị triệt phá, nhiều người thân bị sát hại, nhưng người dân vẫn kiên cường, bền bỉ bám đất, giữ đất, bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật cho những người cách mạng. Đồng thời, chính họ trở thành lực lượng đông đảo bổ sung cho cách mạng, đưa cách mạng phát triển. Chính sự giác ngộ, ủng hộ tích cực và kiên định của những người nông dân yêu nước, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành một trong những căn cứ địa cách mạng vững chắc cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và là căn cứ địa vững chắc, là Thủ đô của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954).
Những kinh nghiệm trong công tác vận động cách mạng Thái Nguyên thời kỳ 1939 - 1945 giúp cán bộ, đảng viên có thể vận dụng sáng tạo trong công tác tư tưởng hiện nay, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Đó là: Để vận động nhân dân có hiệu quả, Đảng phải đưa ra chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp với nguyện vọng của đồng bào mà trong đó đa phần là của nông dân. Công tác tuyên truyền, vận động cần linh hoạt, sát với quần chúng nhân dân, phù hợp với địa bàn, phù hợp với tình hình cụ thể, phù hợp với trình độ của các dân tộc, ngôn ngữ và phong tục tập quán mỗi dân tộc. Thống nhất giữa tuyên truyền với hoạt động thực tiễn cách mạng, giữa mục tiêu lý tưởng của Đảng với mục đích thiết thân của người dân để tạo sự ủng hộ sâu sắc, rộng rãi của nhân dân./.

(1) Võ Nguyên Giáp, Khu giải phóng - một sự nghiệp vĩ đại của phong trào dân tộc giải phóng, Nxb Cứu quốc, 1946, tr.10
(2) Niên giám thống kê Đông Dương (1936 - 1939), tr. 4.
(3) Võ Nguyên Giáp, Khu giải phóng - một sự nghiệp vĩ đại của phong trào dân tộc giải phóng, Nxb Cứu quốc, 1946, tr.15
 
 
 

Tác giả bài viết: Kiều Hoa

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập144
  • Hôm nay32,769
  • Tháng hiện tại376,099
  • Tổng lượt truy cập26,658,511

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây