Đầu năm 2024, Saigontel đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Thái Nguyên, trong đó cam kết sẽ cùng các đối tác nước ngoài đánh giá hiện trạng rác thải trên địa bàn tỉnh, từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình, chiến lược giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt là giúp Thái Nguyên thu hút nguồn tài chính xanh, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Những cam kết và triển khai thực hiện cam kết của Saigontel từ đầu năm đến nay rất khả quan.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh cách đây chưa lâu, đại diện Công ty Global Advisory Co (Australia) - đối tác của Saigontel - đã khẳng định Thái Nguyên có tiềm năng, lợi thế để phát triển các dự án hấp thụ carbon trong đất và sản xuất được tín chỉ carbon. Từ đó sẽ tạo ra doanh thu từ chương trình tín dụng carbon, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.
Thực tế cho thấy, Thái Nguyên là tỉnh có độ che phủ rừng khá lớn, khoảng 47%, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang chiếm tới trên 183.000ha. Do vậy, việc tạo tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là rất khả thi với tỉnh.
UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan phối hợp với Saigontel để nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, dự án, hoạt động liên quan đến tăng trưởng xanh. Trong đó chú trọng đến việc xây dựng Đề án hình thành thị trường tín chỉ carbon trên địa bàn. Điều này hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon ở Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan đến giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn carbon, bù trừ tín chỉ carbon, tiến tới hình thành thị trường carbon trong nước.
Được biết, theo lộ trình, đến năm 2025 Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đến năm 2028 sẽ đưa vào vận hành chính thức.
Để thực hiện tăng trưởng xanh và xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hạn chế xử lý chất thải, rác thải bằng hình thức chôn lấp, lò đốt, chuyển sang sử dụng công nghệ điện rác và các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Tỉnh xác định sẽ đầu tư mạnh các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện gió, điện rác, điện sinh khối, đồng thời tăng cường sử dụng xăng sinh học. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu các phương án tối ưu để từng bước hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên, khuyến khích phát triển, sử dụng phương tiện không phát thải như: xe xăng sinh học, xe điện…
Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp xanh, thu hút các dự án công nghiệp hạn chế phát thải hoặc công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng xanh. Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, xây dựng các khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Tỉnh Thái Nguyên đang là địa phương có thế mạnh về thu hút đầu tư với 11 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung và 41 cụm công nghiệp được quy hoạch, tổng diện tích trên 6.300ha. Tỉnh cũng cam kết thực hiện các chính sách ưu đãi, cởi mở, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số để thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đến Thái Nguyên.
Nguồn tin: baothainguyen.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam