Giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 04/10/2023 16:11
Thực hiện Quyết định số 925/QĐ-TTG, ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình tăng cường bảo vệ an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ngày 4/10, Hội Nước sạch và Môi trường phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Chương trình có sự tham gia của đại diện Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và các Hội trong khối thi đua Xã hội - Nghề nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo
 
Có thể nói, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) là một trong những tiêu chí khó đạt và khó giữ bền vững, bởi trong tiêu chí số 17 gồm 5 nội dung chủ yếu là: tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Do đó, kể cả các địa phương đã hoàn thành tiêu chí này, nhưng để đạt chuẩn và tiến tới nâng cao chất lượng là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Hiện nay toàn tỉnh đã có 115/126 xã đạt tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, chất lượng tiêu chí này chưa hoàn thiện và còn thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ xuống cấp, cần phải đề ra các giải pháp đồng bộ. Hội thảo được tổ chức với mong muốn các đại biểu tham sự sẽ đánh gía hiện trạng, đưa ra những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện; đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm giúp hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, xác định vai trò của các nhà quản lý ở địa phương, các sở, ngành, đoàn thể và người dân để có khuyến nghị hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, gần 20 ý kiến của các đại biểu gồm nhiều giải pháp, đề xuất đã được trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ như sự cần thiết trong chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của mọi người dân và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp về những tác động của môi trường, ô nhiễm môi trường trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp cải tiến các nội dung, hình thức tuyên truyền về pháp luật bảo vệ môi trường, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo sự phối hợp thường xuyên của các ngành, các cấp và cơ sở để bảo vệ môi trường theo quy hoạch và bộ tiêu chí quốc gia đã được phê duyệt.
Qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và huyện Phú Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện Đại Từ cũng đã đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới, hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để công nhận. Huyện Định Hóa cũng đã đạt 6/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện và đang đẩy nhanh tiến độ để trình công nhận hoàn thành nông thôn mới trong năm 2023.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế và tốc độ gia tăng về dân số, cùng với tác động của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn đã làm cho thách thức về môi trường càng trở nên hiện hữu và nguy hiểm hơn. Các tác động bất lợi sẽ gia tăng lên một mức độ cao và trầm trọng hơn. Nhiều vấn đề về tài nguyên nước, về môi trường trước đây chỉ tiềm ẩn ở dạng nguy cơ thì trong tương lai có thể trở thành hiện thực nhanh hơn. Do đó, công tác bảo vệ môi trường, nhất là hoàn thiện theo chuẩn và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới càng khó khăn hơn. Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo sẽ là luận cứ quan trọng để tỉnh Thái Nguyên đưa ra những giải pháp đồng bộ, đạt chất lượng cao và bền vững đối với việc thực hiện tiêu chí môi trường, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 

Tác giả bài viết: Hồng Hải


 

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản