Thành phố Thái Nguyên ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp

Thứ hai - 02/10/2023 16:37
Thời gian vừa qua, TP Thái Nguyên thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, một số cây trồng chủ lực của thành phố đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Trong số đó, cây chè cho doanh thu trung bình đạt 1 tỷ đồng/ha/năm; các loại cây ăn quả (ổi, táo...) giá trị sản xuất trung bình đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm; sản lượng rau đạt 40 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 140 triệu đồng.
Vườn nho
Gia đình ông Vũ Hồng Long, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên trồng nho hạ đen trong nhà kính

Ông Ngô Danh Thuỳ, Trưởng Phòng Kinh tế (UBND TP Thái Nguyên) cho biết: 
-    Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có bước chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt đối với cây chè, được xác định là sản phẩm chủ lực của thành phố đã hỗ trợ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, 100 ha có chứng nhận VietGAP và UTZ.
Đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, diện tích chè của thành phố có trên 80% đáp ứng tiêu chí nông sản an toàn. Hàng năm, thành phố đều lựa chọn các giống chè có năng suất, chất lượng cao hỗ trợ cho nhân dân trồng mới, trồng lại chè, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích.Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho nhân dân trồng chè tại xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Quyết Thắng với tổng diện tích 165 ha. Để tiết kiệm nguồn nước tưới, tiết kiệm tối đa nhân công, thời gian tưới nước, đảm bảo chủ động tưới cho cây chè. Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã hỗ trợ cho gần 250 hộ nông dân tại các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Sơn Cẩm hệ thống tưới trên diện tích khoảng 70 ha chè. Hiện nay, 6 xã vùng sản xuất chè, cơ bản nhân dân đều áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm trên chè, phục vụ cho sản xuất chè vụ Đông hiệu quả kinh tế cao. 
Thành phố cũng phối hợp với các sở, ban, ngành chuyển giao hỗ trợ máy sao chè bằng gas, máy hút chân không, máy ủ hương,  máy đóng gói, máy diệt men, máy đống gói chè tự động cho các Hợp tác xã, các hộ dân sản xuất chè xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất chế biến chè thay thế dần các công cụ chế biến chè truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và cung cấp cho thị trường sản phẩm chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Trong những năm qua, một số cây trồng chủ lực của thành phố đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Đối với cây chè, doanh thu trung bình đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chè công nghệ cao điển hình như: Thắng Hường; Tiến Yên; Nghìn Hạnh... doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/ha/năm. Xã Tân Cương có gần 1.200 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 550 hộ sản xuất chè đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên; Xã Phúc Trìu có trên 1.200 hộ sản xuất nông nghiệp thì 600 hộ sản xuất chè đạt doanh thu 500 triệu đồng/năm trở lên. Đối với cây ăn quả (ổi, táo...) giá trị sản xuất trung bình đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Là địa phương đi đầu về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, để quảng bá giới thiệu sản phẩm sâu rộng trên cả nước, thành phố đã liên hệ giới thiệu các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã trực tiếp đăng ký quảng bá sản phẩm của đơn vị tham gia Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên cổng thông tin điện tử ngành Công Thương. Liên hệ giới thiệu các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã trực tiếp đăng ký quảng bá sản phẩm của đơn vị tham gia Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên cổng thông tin điện tử ngành Công Thương. Đồng thời xây dựng một website tuyên truyền, quảng bá về sản xuất và các sản phẩm tiêu biểu của nông nghiệp công nghệ cao trên Cổng thông tin điện tử thành phố Thái Nguyên.
Hợp tác xã chè Hảo Đạt là mô hình tiêu biểu sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao quy mô 5 ha tại xóm Y Na xã Tân Cương. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX cho biết:
-    Mô hình được thành phố giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng để trồng chè. Tỉnh hỗ trợ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhập công nghệ, thiết bị máy móc; đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ, quản lý, liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhà giới thiệu sản phẩm gồm từ khu sản xuất đến chế biến đóng gói và giới thiệu sản phẩm hình thành mô hình khép kín theo chuỗi sản phẩm, tạo ra sản phẩm chè hữu cơ để xuất khẩu. Hiện nay Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã xây dựng xưởng sản xuất, lắp đặt thiết bị chế biến, đóng gói tự động; nhà giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè, là địa điểm tham quan của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, TP Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 xây dựng và hình thành vùng sản xuất chè tập trung, công nghệ cao tại vùng chè đặc sản Tân Cương 600 ha; xây dựng và hình thành khu vực sản xuất rau, hoa cây cảnh tập trung ứng dụng công nghệ cao 200 ha; phát triển, hình thành khu vực sản xuất cây ăn quả tập trung ứng dụng công nghệ cao 100 ha. Đặc biệt, hình thành được các chuỗi cung ứng sản phẩm góp phần gắn kết sản phẩm từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% trở lên so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Cơ quan chủ quản